
Tai nạn lao động khiến bà Nguyễn Thị Sláy, cựu dân công hỏa tuyến, trở thành người khuyết tật nặng. Dù chỉ trông vào khoản trợ cấp xã hội, bà vẫn kiên cường sống, không gục ngã trước số phận.
Cựu dân công hỏa tuyến bị khuyết tật nặng quyết không gục ngã trước số phận
Tai nạn lao động khiến một phụ nữ khỏe mạnh trở thành người khuyết tật nặng
Hơn 46 năm trước, khi đất nước oằn mình trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, một người phụ nữ trẻ đã không quản hiểm nguy, miệt mài vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp sức cho bộ đội nơi tiền tuyến. Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Sláy (SN 1952, dân tộc Tày, ở thôn Tân Tiến, xã Yên Phúc, tỉnh Lạng Sơn).
Cuộc chiến kết thúc, bà Sláy trở về quê hương, xây dựng gia đình, trở thành người vợ, người mẹ như bao phụ nữ khác. Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc chẳng kéo dài bao lâu. Khi con gái đầu lòng vừa lên 2, chồng bà Sláy đột ngột qua đời vì bệnh tim. Từ đó, bà Sláy một mình nuôi con giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn.

Bà Sláy từng là dân công hỏa tuyến, tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 (Ảnh: Thùy Hương Nguyễn).
Những tưởng cuộc đời sẽ dần yên ổn sau bao năm vất vả, ai ngờ, định mệnh nghiệt ngã lại một lần nữa giáng xuống người phụ nữ góa bụa ấy. Năm 2007, bà Sláy bị tai nạn lao động dẫn đến chấn thương cột sống cổ.
Từ một người phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, bà trở thành người khuyết tật, cơ thể cứng đờ, mất hoàn toàn khả năng vận động từ cổ trở xuống.
Thương bà, anh em họ hàng thay nhau đưa đi chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện tuyến huyện đến tuyến Trung ương. Thế nhưng, mọi nỗ lực dần trở nên vô vọng, bà Sláy trở về nhà, chỉ biết đặt hết niềm tin vào những bài thuốc dân gian và ý chí sinh tồn của bản thân.
Sau tai nạn, bà Sláy được giám định là người khuyết tật nặng với tỷ lệ tổn thương cơ thể 73%, di chứng liệt 2 chân mức độ nhẹ, liệt 2 tay mức độ trung bình, thoái hóa đốt sống cổ C4, C5, C6 và cầu xương dính các đốt sống thắt lưng.
2 năm kiên trì thuốc thang và tập luyện, bà Sláy có thể chống gậy đi quanh nhà. Tuy nhiên, bước chân bà vẫn chậm chạp, run rẩy, đôi bàn tay co quắp, người đau nhức triền miên.

Mỗi khi muốn di chuyển, bà Sláy phải dùng gậy chống (Ảnh: Thùy Hương Nguyễn).
Ở tuổi 73, hàng ngày bà Sláy vẫn gồng mình chịu đựng những cơn đau nhức hành hạ. Mỗi khi muốn di chuyển, bà phải chống gậy đi lại hết sức khó nhọc.
Hình ảnh người phụ nữ tuổi xế chiều lưng còng, chân run, bàn tay biến dạng co quắp nhưng vẫn cố gắng tự làm việc nhà, khiến mọi người nhìn vào vừa thấy xót xa, vừa cảm phục.
Gánh nặng mưu sinh và nỗi lo cho tương lai đứa cháu nhỏ
Trong căn nhà nhỏ đã xuống cấp ở thôn Tân Tiến, bà Sláy cùng con gái Nguyễn Thị Nhung (SN 1980) và cháu ngoại Nguyễn Thanh Nhẫn (SN 2019) sống nương tựa vào nhau trong khốn khó.
Chị Nhung từng trải qua 2 cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Ngày trẻ, chị đi học trung cấp mầm non, nhưng thi công chức không đỗ nên đành gác lại ước mơ trở thành cô giáo. Giờ đây, chị ở nhà làm ruộng và chăm sóc người mẹ già yếu, bệnh tật cùng đứa con trai 6 tuổi.
Hiện tại, sức khỏe chị Nhung cũng không tốt. Trong lần sinh bé Nhẫn, chị từng suýt mất mạng vì sản giật. Từ sau biến cố ấy, chị gầy yếu, xanh xao, sức khỏe giảm sút rõ rệt.

Bà Sláy bên con gái và cháu trai (Ảnh: Thùy Hương Nguyễn)
Cả gia đình 3 người sống lay lắt nhờ vào số tiền được trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng, trong đó, 1 triệu đồng là trợ cấp người khuyết tật nặng của bà Sláy và 500.000 đồng là trợ cấp mẹ đơn thân nuôi con nhỏ của chị Nhung.
Không có nguồn thu nhập nào khác, hàng tháng gia đình bà Sláy dựa vào trợ cấp xã hội và chút lương thực, thực phẩm tự sản xuất. Thế nhưng, ruộng đất canh tác cũng hết sức eo hẹp.
Bà Sláy cho biết: “Nhà tôi chỉ có 12 thước đất sản xuất, trong khi có tới 3 miệng ăn, nên phải kiếm ăn từng bữa. Ngoài trồng lúa, trồng ngô, tôi còn nuôi thêm vài con gà, nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau”.
Nhìn cháu ngoại Nguyễn Thanh Nhẫn, đôi mắt bà Sláy ánh lên niềm hy vọng nhưng cũng chất chứa bao lo lắng. Ước mơ về một tương lai tươi sáng cho cháu ngoại dường như là động lực lớn nhất để bà cố gắng bám víu vào cuộc sống, dù thân thể ốm yếu, đau đớn triền miên.
Cậu bé Thanh Nhẫn sắp vào lớp 1, nhưng gia đình nghèo khó đến mức không mua nổi chiếc xe đạp. Con đường đến trường em sẽ gian nan hơn bao giờ hết. Ngày ngày, chị Nhung vẫn phải dắt con trai vượt quãng đường gần 5km đến trường mầm non.
Là một người mẹ đơn thân không có việc làm ổn định, gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc mẹ già bệnh tật, chị Nhung không khỏi trăn trở trước tương lai của con.

Bà Sláy với vốn liếng mưu sinh là đàn gà (Ảnh: Thùy Hương Nguyễn).
Căn nhà dột nát có thể sập xuống bất cứ khi nào
Căn nhà gia đình bà Sláy đang ở đã xuống cấp nghiêm trọng, tường nứt từng mảng, một góc mái đã bay mất từ lâu. Nhà nằm gần quốc lộ, mỗi khi xe tải lớn chạy qua khiến cột, kèo, vách tường rung bần bật như muốn sập xuống. Nguy hiểm rình rập từng ngày, nhưng nhà chỉ toàn người già, người ốm và trẻ nhỏ nên không biết xoay xở thế nào.
Khi phóng viên báo Dân trí đến thăm gia đình bà Sláy, trời mưa rất to. Giữa căn nhà dột nát, bà Sláy để 4 chiếc lồng gà trên nền đất. Ai cũng ngạc nhiên, nhà dột đến người còn chẳng có chỗ trú tử tế, sao lại lo cho gà.
Bà Sláy giải thích, mỗi khi trời mưa phải mang lồng gà vào nhà để chúng không bị lạnh, bởi đàn gà là vốn liếng duy nhất mà cả gia đình trông vào.

Một góc nhà đã bay mất mái (Ảnh: Thùy Hương Nguyễn).
Điều khiến bà Sláy trăn trở nhất không phải là bệnh tật đang hành hạ từng ngày, mà là tương lai con gái và cháu ngoại. Một mái nhà lành lặn, kiên cố để che nắng mưa, để đảm bảo an toàn cho cả gia đình là ước mong lớn nhất của bà lúc này.
Ông Phùng Văn Đông, cán bộ xã Yên Phúc, tỉnh Lạng Sơn cho biết, gia đình bà Sláy có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Bà Sláy tuổi cao và bị khuyết tật nặng. Ngôi nhà gia đình bà đang ở đã dột nát và xuống cấp nghiêm trọng. Năm nay, chính quyền quyết định hỗ trợ gia đình bà Sláy 60 triệu đồng để xây ngôi nhà mới. Tuy nhiên, gia đình quá khó khăn, không có tiền đối ứng.
Ông Đông rất mong muốn, thông qua báo Dân trí, bạn đọc và các nhà hảo tâm cùng chung tay ủng hộ, giúp gia đình bà Sláy có một ngôi nhà kiên cố và an toàn.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Bà Hoàng Thị Sláy và chị Nguyễn Thị NhungĐịa chỉ: Thôn Tân Tiến, xã Yên Phúc, tỉnh Lạng Sơn.
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.