Bán cả con gà trống dành để cúng giao thừa, chị Huyền cũng chỉ lo được 3 triệu đồng. Trong khi ca phẫu thuật tim cứu chồng cần 80 triệu đồng, cùng đường, người chồng khiếm thị bùi ngùi xin xuất viện.
Sự tuyệt vọng của người đàn ông bệnh tật trong gia đình khốn khổ
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm bệnh nhân Nguyễn Thế Sáng (SN 1977, trú tại Nam Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng), chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ phòng Công tác xã hội (CTXH), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) trăn trở:
"Bệnh nhân Sáng còn nhiều hy vọng, mà phải đầu hàng số phận thì đau lòng quá. Gia cảnh quá khó khăn, mẹ đẻ và con trai anh Sáng đều là người khiếm thị, vợ lại mắc ung thư, do không thể chạy vạy đâu được tiền nên mấy hôm nay anh cứ nằng nặc xin bác sĩ cho xuất viện.
Bệnh tim của anh Sáng cần phải phẫu thuật sớm, nếu trở về nhà thì rủi ro rất lớn. Khoa, phòng CTXH đã động viên, vận động bệnh nhân ở lại bệnh viện tiếp tục chữa trị. Qua đây, bệnh viện tha thiết mong muốn báo Dân trí cùng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ, để anh Sáng để có điều kiện chữa trị tiếp…".
Trên giường bệnh của khoa Nội và can thiệp, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh Sáng mệt mỏi nằm bất động với gương mặt hốc hác tiều tụy.
Nhất là ánh mắt mờ đục, u ám chứa đựng sự tuyệt vọng đến cam chịu của anh, khiến cho người đối diện không khỏi chạnh lòng thương cảm.
Hai tay đỡ ngực, thở dốc giọng anh Sáng thều thào, đứt quãng: "Em biết bệnh của em nặng, chữa mất nhiều tiền lắm. Vợ em mắc ung thư, em, con trai em và mẹ già là người khiếm thị. Mấy năm qua vợ em đã phải vay mượn khắp nơi chữa bệnh cho cả nhà, giờ thì nợ chồng chất…
Em muốn sống lắm, nhưng không biết lấy đâu ra số tiền như vậy để mổ tim. Các bác cho em về nhà, để Tết này 2 đứa con em còn được thấy bố lần cuối". Người đàn ông tội nghiệp nấc nghẹn, gắng chút sức tàn quay mặt giấu đi những giọt nước mắt vừa ứa ra từ hai hốc mắt trũng sâu.
Lấy tay lau nước mắt cho chồng, gương mặt chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1972, vợ anh Sáng) hằn lên sự đau đớn đến tột cùng. Đôi mắt hoe đỏ, người phụ nữ nghèo tâm sự với chúng tôi trong tiếng nấc:
"Mẹ chồng em là người khiếm thị bẩm sinh, anh Sáng sinh ra nhưng không biết bố là ai và cũng bị khiếm thị giống mẹ. Đến khi con trai em sinh ra cũng bị khiếm thị giống bố và bà nội. Các bác sĩ cho biết đó là mắc hội chứng Marfan, căn bệnh này di truyền".
Hội chứng Marfan ở người có chân tay dài ngón tay dài là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến mô liên kết (là các sợi hỗ trợ, kết nối cơ quan và các cấu trúc khác trong cơ thể). Vì mô liên kết có ở khắp cơ thể nên hội chứng Marfan ảnh hưởng đến sự phát triển và chức năng nhiều cơ quan. Tuy nhiên hội chứng này thường ảnh hưởng nhiều nhất đến tim, mắt, mạch máu và xương. Khoảng 75% những người bị hội chứng Marfan thừa hưởng gen bất thường từ cha mẹ là những người mắc bệnh. Một người có hội chứng Marfan có 50% cơ hội truyền bệnh cho con Bố mẹ không mắc bệnh có xác suất 1/10000 sinh ra con có hội chứng Marfan |
Chị Huyền cho biết thêm, năm 2015 chị phát hiện bị mắc ung thư vú. Chị đã phải trải qua ca phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú và hiện đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng).
Con trai chị Huyền ngoài khiếm thị còn bị biến dạng xương lồng ngực. Để con được đi điều trị bệnh ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chị Huyền phải vay mượn khắp nơi.
Cả nhà ốm đau, bệnh tật quanh năm suốt tháng chỉ lo tiền chữa bệnh, nên nhiều năm qua gia đình chị luôn trong diện hộ nghèo ở địa phương.
Vay mượn khắp nơi bất thành, anh Sáng đối diện cửa tử
Chị Huyền kể, khoảng 2 tháng trước anh Sáng thấy khó thở, người mệt mỏi chỉ đi lại cũng đã thấy bải hoải cả chân tay, cả đêm gần như chỉ ngồi ngủ chập chờn...
Cố gắng lắm, chị Huyền vay mượn khắp mọi nơi được 3 triệu đồng đưa chồng nhập viện. Từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, anh Sáng được chuyển khẩn cấp đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Trần Đăng Thanh, Điều dưỡng trưởng, khoa Nội và can thiệp, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết:
"Bệnh nhân Nguyễn Thế Sáng nhập viện ngày 24/12/2024, được chẩn đoán hở chủ nhiều do giãn vòng van tim, suy tim, chức năng tim còn 36%, mất thị lực mắt phải, mắt trái thị lực còn 30%, theo dõi hội chứng Marfan".
Anh Thanh cho biết thêm, trước tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, hiện không còn bất cứ loại thuốc nào tối ưu, các bác sĩ chỉ định thay van động mạch chủ.
Anh Sáng phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt, nếu không tình trạng suy tim sẽ tiến triển và dẫn tới tử vong. Dự trù kinh phí cho ca phẫu thuật và hậu phẫu khoảng 80 triệu đồng.
Dường như nghe được câu chuyện giữa chúng tôi, chị Huyền ngước lên đôi mắt ầng ậc nước, giọng nghẹn lại:
"Nhà em hoàn cảnh nghèo khó, nên không biết vay ở đâu được nữa. Đi nằm viện chữa bệnh mà không đóng viện phí, vợ chồng em xấu hổ lắm nhưng chẳng biết làm sao. Anh Sáng cứ đòi về, nhưng về lúc này thì con em sẽ không còn bố!…", nước mắt giàn giụa, người vợ nghèo từ từ đổ gục xuống hành lang buồng bệnh.
Mọi sự ủng hộ, giúp đỡ hoàn cảnh trực tiếp xin gửi về:
Chị Nguyễn Thị HuyềnĐịa chỉ: Nam Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng
Số điện thoại: 0374237286
Hoặc ấn nút ‘Quyên góp’ để Dân trí có thể giúp bạn chuyển tới tay người nhận.
Đọc thêm chi tiết về hoàn cảnh MS 5453