Chiếc cầu dân sinh tại thôn Già Thượng kết nối với đường tỉnh lộ 160 cứ mưa là ngập, khiến người dân ở đây bị cô lập với bên ngoài. Sau trận lũ vừa qua, mố cầu bị hư hại nặng, mất an toàn.

12h trưa, chị Hoàng Thị Xiền (thôn Già Thượng, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên, Lào Cai) hồ hởi đèo túi hàng cứu trợ vừa được các nhà hảo tâm tặng về nhà. Chiếc xe máy cũ chạy ì ì đi qua những vùng đất sạt lở bùn, đất nhão nhoét. Đường về nhà chỉ cách trung tâm xã 1km, tuy nhiên, thử thách lớn nhất theo chị Xiền là phải đi qua cây cầu ván gỗ bắc qua suối Già Thượng.

"Con suối này đổ ra sông Chảy, cứ mưa lớn là nước dâng cao ngập cầu. Việc người đi xe, đi bộ ngã xuống suối là chuyện thường không có gì lạ. Trẻ con ở đây ngày mưa là nghỉ học, người dân trong thôn buổi tối cũng chỉ dám ở nhà, có việc gì cần kíp mới đành phải tặc lưỡi, liều mình đi qua cầu", chị Xiền nói.

Cầu tre bị lũ cuốn trôi, chủ tịch xã ở Lào Cai kêu gọi xây cầu mới giúp dân - 1

Chị Hoàng Thị Xiền cho biết, trời cứ mưa to là cầu bị ngập, bà con bị cô lập với bên ngoài (Ảnh: Hồng Anh).

Gọi là cầu nhưng thực chất đây chỉ là những ván gỗ được ghép lại với nhau rồi buộc vào cọc tre để đi tạm. Trước đây, mố cầu được người dân đi xin vật liệu rồi góp tiền đổ bê tông.

Tuy nhiên, trận lũ vừa qua khiến mố cầu bị đánh sụt, nứt toác, chiếc cầu cũ bị cuốn trôi, bà con phải khắc phục lại. Tuy nhiên, không có mố cầu, đất đá bên đường sụt lún, mỗi lần có xe di chuyển qua, những chiếc ván oằn mình xuống, rung lên bần bật, rất nguy hiểm.

Cầu tre bị lũ cuốn trôi, chủ tịch xã ở Lào Cai kêu gọi xây cầu mới giúp dân - 2

Một năm, người dân phải đóng lại cầu rất nhiều lần (Ảnh: Hà Trang).

Được biết, cây cầu là con đường duy nhất kết nối 11 hộ dân (khoảng 50 nhân khẩu - 100% là người Tày) với đường tỉnh lộ 160 ra trung tâm xã và kết nối với các thôn bản lân cận. Ngoài ra, cây cầu cũng kết nối với khu vực canh tác hoa màu, đồi rừng (khoảng 80ha) của bà con trong xã Việt Tiến. Chính vì thế nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân là rất lớn.

"Người tay yếu không dám đi qua đâu, người dân trong thôn này, ai cũng từng ngã xuống cầu rồi. Có lần, mình đi chở lá giang cũng bị trượt bánh xe ngã xuống suối nhưng may là được mọi người đến giúp kịp", chị Xiền cười nói.

Theo chị Xiền, trận lũ vừa qua khiến các hộ dân ở đây bị chia cắt và cô lập dài ngày nhất. Cây cầu tre của bà con đóng cũng bị cuốn trôi phải đóng lại tạm bằng ván gỗ.

"Bình thường mưa lớn, nước ngập cầu cũng chỉ 1-2 ngày là rút, nhưng vừa qua cả tuần vẫn chưa hết, chiếc cầu tre duy nhất để đi vào xã cũng bị cuốn trôi.

Cầu tre bị lũ cuốn trôi, chủ tịch xã ở Lào Cai kêu gọi xây cầu mới giúp dân - 3

Mố cầu được người dân tận dụng vật liệu đi xin và góp tiền đổ bê tông sau trận lũ vừa qua nứt toác (Ảnh: Hà Trang).

Không có điện, nước, sóng điện thoại cũng mất, gạo do tôi không chuẩn bị trước nên cũng hết, lúa thì không đi xát được nên phải nhổ sắn, luộc ăn tạm. Con ốm cũng không thể đi viện, bất lực vô cùng. Người dân ở đây chỉ mong mỏi có cây cầu để thuận tiện đi lại, sản xuất, canh tác", chị Xiền nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thắng (59 tuổi, thôn Già Thượng, Việt Tiến, Bảo Yên, Lào Cai) cho hay, sau trận lũ vừa qua, mố cầu bị đứt gãy, xiêu vẹo; chiếc cầu tre bị cuốn trôi, cầu mới dựng tạm cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Cầu tre bị lũ cuốn trôi, chủ tịch xã ở Lào Cai kêu gọi xây cầu mới giúp dân - 4

Ông Hoàng Văn Thắng cho biết, người dân ai cũng từng bị ngã một lần khi đi qua đây nhất là khi mưa vì trơn trượt (Ảnh: Hồng Anh).

Năm nào vào mùa mưa, cầu cũng bị cuốn trôi, có khi một tháng phải làm lại cầu vài lần, một năm đến cả chục lần kiếm gỗ làm cầu. Đáng nói là cầu hỏng thì toàn bộ hộ dân ở đây lại bị chia cắt với bên ngoài. Nên dù biết làm cầu tạm bằng ván gỗ không đảm bảo an toàn nhưng theo ông Thắng người dân ở đây không còn cách nào khác.

Lo nhất là mỗi khi học sinh đến và tan trường đi qua cầu. Chiếc cầu như sẵn sàng sập xuống bất cứ khi nào.

"Tôi cũng từng bị ngã xuống cầu rồi. Mưa xuống cầu trơn trượt, đi xe tay lái yếu là ngã ngay. Đó là chưa kể, cứ mưa lớn là khu vực này lại bị chia cắt với bên ngoài, do nước lên cao, cầu bị ngập, không thể đi lại được. Buổi tối cũng không ai dám đi lại vì sợ nguy hiểm.

Nhiều năm nay, cuộc họp nào người dân ở đây cũng bày tỏ mong muốn chính quyền xã đề nghị với các cấp quan tâm đầu tư xây dựng một cây cầu nhưng chưa được đáp ứng", ông Thắng nói.

Gia đình anh Nông Văn Chương (34 tuổi, thôn Già Thượng) có khoảng 3ha đồi canh tác trong khu vực này. Mỗi lần đi chở, lúa, ngô… nặng qua cầu, anh Chương cho biết, vừa đi vừa run, xuống xe dắt cũng không được vì mặt cầu quá hẹp, chỉ dám ngồi trên xe di chuyển từ từ, chắc chắn để lấy thăng bằng.

"Ngày nào mưa là xác định không thể đi đâu, làm gì do cây cầu - lối đi duy nhất bị ngập, chia cắt với bên ngoài. Vì thế, bà con ở đây mong mỏi có một cây cầu để tiện đi lại, sản xuất", anh Chương nói.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Bùi Trịnh Hải, Chủ tịch UBND xã Việt Tiến, cho hay hệ thống giao thông nông thôn bị ảnh hưởng nặng nề do sạt lở đất sau cơn bão số 3.

Ngoài ra, nước lũ dâng cao cuốn trôi một số cây cầu dân sinh đặc biệt là cầu dân sinh tại thôn Già Thượng kết nối với đường tỉnh lộ 160. Hiện nay, người dân phải đóng tạm ván gỗ để đi qua.

"Chúng tôi đã nhiều lần làm đề xuất xây cầu cho bà con nhưng chưa có nguồn kinh phí. Cứ mưa đến là khu vực này lại bị cô lập với bên ngoài, cuộc sống đảo lộn, trẻ con không thể đến trường, người bệnh không thể đi khám.

Đặc biệt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác sản xuất nông lâm nghiệp của trên 100 hộ dân tại thôn Già Thượng. Người dân trong thôn đang rất cần 1 cây cầu để đi lại, phục vụ sản xuất và giao thương", ông Hải nói.

Việt Tiến là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ. 100% thôn bản bị chia cắt, hàng trăm căn nhà (90%) bị ảnh hưởng, 10 căn nhà bị vùi lấp, hư hại hoàn toàn; 100% diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại. Đặc biệt, mưa lũ đã khiến 3 người trong xã thiệt mạng do bị sạt lở đất.

Trong những ngày qua, người dân trong xã bị chia cắt, cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Con đường độc đạo dẫn vào xã bị sạt lở nghiêm trọng, nước dâng lên cao. Cuộc sống của người dân rất khó khăn. Để có sóng điện thoại liên lạc ứng cứu với bên ngoài, bản thân các cán bộ xã Việt Tiến phải đi bộ hàng km ra các khu vực xã lân cận.

Ngay sau khi báo Dân trí tiếp nhận thông tin về những thiệt hại tại địa phương, sáng 16/9 đoàn phóng viên báo đã nhanh chóng xuất phát từ Hà Nội về xã Việt Tiến mang theo nhiều nhu yếu phẩm như gạo, đèn năng lượng mặt trời, máy phát điện, nhu yếu phẩm…

Trong 2 ngày, 227 hộ dân của hai thôn Già Thượng và Tân Bèn đã được nhận 3,2 tấn gạo, 2 máy phát điện, 500 đơn vị thuốc, 220 đèn năng lượng mặt trời, 220 chai dầu ăn, 220 gói gia vị, 190 đèn pin tích điện, 15 thùng vật tư y tế; trao tặng cho UBDN xã 1 máy phát điện...

Đại diện báo Dân trí thay mặt độc giả đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ 3 gia đình của xã bị thiệt hại, mỗi gia đình 5 triệu đồng. 

Mã số 240601:

Cầu tre bị lũ cuốn trôi, chủ tịch xã ở Lào Cai kêu gọi xây cầu mới giúp dân

19/09/2024

Nhân ái

Đồng hành cùng dự án

Báo Dân trí