Vợ chồng ông Nghĩa đều bệnh tật, sinh được người con gái cũng nhiều bệnh. Người con gái làm mẹ đơn thân, sinh đứa cháu ngoại bị thiểu năng. 4 người sống khổ sở trong ngôi nhà tồi tàn, chờ sập.
Một ngày giữa tháng 8, phóng viên báo Dân trí cùng ông Trang Văn Cửa, Phó trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tới thăm gia đình ông Trần Văn Nghĩa (71 tuổi), ở ấp 2, xã Tân Thành B, hoàn cảnh được giới thiệu thuộc nhóm hộ khó khăn của huyện.
Ngôi nhà nằm trên bờ đê, không có cổng hay hàng rào phía trước, khoảng sân nền đất được quét dọn rất sạch sẽ. Mặt tiền ngôi nhà cũng không biểu hiện quá tồi tàn nhưng bên trong và phía sau thì xập xệ rách nát.
Nền đất ngôi nhà có chỗ trồi lên, có chỗ lõm xuống. Vách tôn quanh nhà đều cũ nát, phần tiếp giáp mặt đất có thể dùng tay bẻ vụn. Một số đoạn vách do tôn đã hỏng, ông Nghĩa dùng lá dừa nước thế vào.
Thấy khách, bà Nguyễn Thị Dứ (64 tuổi, vợ ông Nghĩa) từ trong nhà đi nhanh ra và cất lời: "Chào các anh đến thăm. Nhà sắp sập rồi..."
Vừa nói, người phụ nữ cứ liên miệng cười khà khà khiến ai cũng khó hiểu. Vài phút sau, ông Nghĩa mới vừa làm xong việc gì đó, vội vã chạy ra. "Vợ tôi bị thần kinh đấy, cứ nói thế chứ không ý thức gì đâu, nói không ngừng", ông Nghĩa ái ngại.
Ông Nghĩa cho biết thêm, bà Dứ còn bị nhiều bệnh khác như hở van tim, tai biến nhẹ, dạ dày, xương khớp. Thường ngày bà Dứ chỉ ở nhà, đều đặn sáng chiều phải uống thuốc.
Bản thân ông Nghĩa cũng có bệnh đau mắt đã nhiều năm nhưng không khỏi. Vừa nói, ông vừa cất cặp kính để mọi người thấy đôi mắt đỏ hoe.
"Ngoài đau mắt thì tôi cũng bị bệnh già như xương khớp, rồi uống thuốc nhiều thành ra đau dạ dày. Không kiêng được nên bệnh không khỏi, ngày nào cũng đi bán vé số từ sáng đến chiều, phải tiếp xúc với khói bụi, mà không đi làm thì không có tiền mua gạo", ông Nghĩa nói.
Vợ chồng ông Nghĩa có người con gái là chị Trần Thị Nhiên (38 tuổi). Chị Nhiên sức khỏe yếu. Người phụ nữ không lấy chồng, là mẹ đơn thân có con gái 8 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Lúc chúng tôi đến thăm, chị Nhiên đang đi bán vé số. "Nó cũng có biểu hiện bệnh thần kinh như mẹ nó, ngày nào cũng phải uống thuốc, ngưng là khổ liền. Bởi vậy mà nó không đi làm gì được, chỉ bán vé số, cũng không lấy chồng", ông Nghĩa cho biết.
Con gái chị Nhiên được bác sĩ xác định bị thiểu năng trí tuệ, dù 8 tuổi nhưng cháu bé gần như không biết gì cả. Thường ngày khi ông ngoại và mẹ đi bán vé số, cháu bé sẽ ở nhà với bà.
"Nó lớn vậy nhưng không biết gì đâu, đặt đâu là ngôi im như thế, nó cũng phải uống thuốc đều. Vé số bữa nắng thì còn bán được, bữa mưa đi mỏi chân cũng không ai mua, bởi vậy bao nhiêu năm nay vẫn phải sống trong cái nhà xập xệ như vậy", ông Nghĩa buồn rầu.
Trong nhà ông Nghĩa có nhiều đồ điện tử của thế kỷ trước, ông Nghĩa nói rằng chúng đều được họ hàng cho từ nhiều năm trước, nhưng từ khi mang về cũng chỉ để trang trí chứ không dùng được.
"Hai cha con tôi mỗi ngày bán vé số nhiều lắm cũng chỉ lãi được 200.000 đồng, thì một nửa tiền ăn, một nửa tiền thuốc là hết. Ngày không bán được thì tiền ăn cũng chẳng đủ. Gia đình cũng ao ước có được ngôi nhà để sống an tâm, nhưng khó lắm", ông Nghĩa ngậm ngùi.
Ông Trang Văn Cửa cho biết, hoàn cảnh của gia đình ông Nghĩa thuộc nhóm khó khăn về nhà ở bậc nhất của địa phương.
Huyện đã lập danh sách hỗ trợ cho ông Nghĩa, nhưng chưa có nguồn kinh phí, thay mặt địa phương, ông Cửa mong mạnh thường quân gần xa chung tay giúp đỡ để gia đình ông Nghĩa sớm có ngôi nhà mới, cuộc sống bớt đi phần nào khốn khó.