Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới
(Dân trí) - Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Đông Dương nhấn mạnh Việt Nam đang trong thời điểm vàng thu hút đầu tư từ nước ngoài, nhưng vẫn còn các khó khăn cần tháo gỡ.
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị và Triển lãm quốc tế ITU Virtual Digital World 2020, Tọa đàm Đầu tư ICT Việt Nam với chủ đề "Why Việt Nam" (Tại sao lại là Việt Nam) đã thu hút sự quan tâm thảo luận của các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tọa đàm gồm những khuyến nghị, ý kiến đánh giá của các khách mời, nhằm giải đáp tại sao Việt Nam đang hội tụ những điều kiện quan trọng để trở thành một quốc gia số, cũng như là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
Việt Nam sử dụng Covid-19 tạo ra sức bật phát triển công nghệ
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) nhấn mạnh mặc dù Covid-19 mang đến những tác động tiêu cực trong mọi ngành nghề, nhưng riêng ngành ICT tại Việt Nam đã "tận dụng được lợi thế để tạo ra sức bật rõ rệt".
Ông khẳng định Việt Nam đang biến Covid-19 từ một đại dịch, trở thành một bước ngoặt, có khả năng tạo ra cuộc cách mạng về công nghệ tại Việt Nam, giúp Việt Nam có những tăng trưởng vượt bậc, mạnh mẽ hơn so với các nước trong khu vực.
Ông cũng trích dẫn một báo cáo thống kê từ Singapore, cho biết lượng người sử dụng công nghệ tại Việt Nam hiện là 59 triệu, trong đó số lượng người sử dụng Internet chiếm 70%. Một tín hiệu đáng mừng đó là trong năm 2020, dự kiến Việt Nam có tổng sản lượng bán hàng trực tuyến tăng 3,7 lần, cao nhất trong số 6 nước Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Giám đốc điều hành Công ty NashTech Việt Nam cũng khẳng định thị trường đang chín muồi cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn sang Việt Nam làm ăn.
Ông Cường dùng thuật ngữ "Now or Never" (bây giờ hoặc không bao giờ) để nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài để đầu tư vào những mảng ICT còn mới tại Việt Nam như AI, dữ liệu lớn, blockchain,...
Dưới góc độ của một tập đoàn lớn đa quốc gia, đã đầu tư vào Việt Nam rất nhiều năm, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) khẳng định: "Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ mới của thế giới".
"Việt Nam hội tụ rất nhiều cơ hội, thuận lợi để đầu tư, có thể kể đến như việc Chính phủ đang liên tục ra những Nghị định để cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghệ", Ông Nam chia sẻ. "Ngoài ra, Việt Nam cũng có điểm mạnh về thuế, và về mặt thương mại rất thuận lợi, khi có nhiều hiệp định thương mại với các nước lớn và các khu vực quan trọng trên thế giới".
"Đặc biệt trong ngành công nghệ, chúng tôi nhận thấy năng lực các kỹ sư Việt Nam rất tuyệt vời, không thua kém gì các thị trường khác mà chúng tôi có trung tâm phát triển".
Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam khẳng định rằng Qualcomm sẽ tiếp tục mở rộng phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực là R&D, do nhận thấy được những tiềm năng, và cơ hội của thị trường. "Qualcomm muốn đồng hành với chính phủ Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng sản phẩm chuyển giao công nghệ, và đưa những sản phẩm tới từ Việt Nam đi ra thế giới", ông cho biết.
Cũng dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông James Dong, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, đánh giá cao những hành động tích cực của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số. Nhờ đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã cố gắng tận dụng cơ hội và đã tìm thấy nhiều cơ hội trong thách thức, ông James nhấn mạnh.
Thiếu hụt nhân lực và công tác đào tạo là những thách thức của Việt Nam
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rộng mở, tuy nhiên cùng với đó là rất nhiều thách thức trước "ngưỡng cửa" 4.0, một trong số đó là vấn đề về nhân lực.
"Nguồn lực của Việt Nam trước nhu cầu đang tăng rất nhanh chính là một trở ngại", ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm. "Chúng tôi phải mất 2 năm để tìm đủ lượng kỹ sư tại Việt Nam, đặc biệt là trong một số ngành lĩnh vực còn mới như thiết kế thiết bị mobile, về sóng radio, kỹ năng xử lý hình ảnh camera, IoT".
Ông khẳng định Việt Nam cũng còn rất nhiều lĩnh vực mới, như AI, Machine Learning, IoT,.. chưa đáp ứng được do tốc độ phát triển quá nhanh của công nghệ, cũng như nhu cầu của thị trường. "Đây là vấn đề mà không chỉ Qualcomm, mà có lẽ tất cả các công ty công nghệ đang muốn mở rộng hoạt động ở Việt Nam đều gặp phải", ông Nam chia sẻ.
Còn theo ông Dennis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, thị trường sẽ phải đối phó với nhu cầu thay thế, đáp ứng việc làm mới. "Sẽ có tới 70% những công việc lao động chân tay trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, sản xuất bị thay thế bởi máy móc", ông Dennis nhận định. "Do đó, Việt Nam sẽ phải tăng cường đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ tiên tiến như 5G, IoT... để tạo lợi thế cạnh tranh".
"Ngoài ra, Việt Nam sẽ phải tìm ra những việc làm mới. Đây là nhiệm vụ của ngành GD&ĐT, sẽ phải tập trung phát triển nhiều hơn các kỹ năng về đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên ở trường phổ thông, đại học".
Chính sách cũng là một vấn đề quan trọng, trong bối cảnh công nghệ phát triển quá nhanh, với sự xuất hiện của nhiều mô hình mới, công nghệ mới, mà chưa kịp thử nghiệm tính hiệu quả, cũng như xây dựng ra hành lang pháp lý phù hợp.
Liên quan tới câu chuyện này, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Đỗ Công Anh chia sẻ quan điểm của Chính phủ Việt Nam, coi thể chế và công nghệ là động lực cho chuyển đổi số, trong đó, thể chế phải đi trước nếu có thể.
Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng phương thức quản lý mới với những mối quan hệ mới phát sinh, với các mô hình kinh doanh mới. Sẽ dần hình thành văn hóa cho thử nghiệm cái mới. Việc thử nghiệm được kiểm soát chặt chẽ khi hành lang pháp lý chưa sẵn sàng.
Minh họa bằng câu chuyện thực tế tại địa phương, bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư, UBND TP. Đà Nẵng, khẳng định Đà Nẵng đang có những bước đi chủ động trong làn sóng đầu tư công nghệ số tại Việt Nam.
"Chính quyền Đà Nẵng đã cố gắng liên tục cập nhật văn bản từ Trung ương đến địa phương, kịp thời điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp", bà Trâm chia sẻ. "Từ đó, chúng tôi định hướng sớm trở thành thành phố công nghệ, góp phần tích cực vào hành trình phát triển công nghệ số của Việt Nam".
"Nếu doanh nghiệp thực sự có năng lực, quyết định mở rộng vốn đầu tư thì chính quyền rất trân trọng và sẵn lòng hỗ trợ tối đa", bà Trâm cho biết thêm.