TS. Trương Gia Bình và giấc mơ “nông nghiệp thông minh”
(Dân trí) - Một thực tế buồn đối với nền nông nghiệp Việt Nam là nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này đã giảm 14 lần, trong khi đó CNTT gần như không được triển khai mạnh mẽ, năng suất tụt giảm, khiến người nông dân phải rời bỏ nông nghiệp, phải rời bỏ quê hương.
Giấc mơ giúp nông dân “ngẩng mặt lên với đời”
Tại Diễn đàn Cấp cao CNTT Việt Nam - ASOCIO 2014 (Vietnam - ASOCIO ICT Summit), ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT và với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), đã chia sẻ những trăn trở của mình với nền nông nghiệp kém phát triển của Việt Nam. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, hiện nay năng suất lao động về mặt nông nghiệp trên 1ha đất của Việt Nam đang thấp hơn Lào, Campuchia và chỉ bằng 1% so với Israel. Đất nước Israel được xem là một ví dụ điển hình của ứng dụng CNTT trong nông nghiệp khi điều kiện thời tiết và thiên nhiên ở đây không tạo nhiều điều kiện cho nông dân. Cụ thể, ở nước này, chỉ với 1 hecta đất có thể đạt năng suất hơn 3 triệu bông hồng, một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm. Chỉ với khoảng 3% dân số làm nông nghiệp và điều kiện thời tiết không thuận lợi, nền nông nghiệp điện tử của Israel tạo ra tổng giá trị sản lượng gần 23 tỷ USD, không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thục mà còn xuất khẩu 3 tỷ USD nông sản/năm.
Trong khi đó, theo ông Bình, Việt Nam với điều kiện thời tiết thuận lợi, thiên nhiên ưu đãi nhưng đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn.
Ông Bình cho rằng, công nghệ gần như đã không được triển khai mạnh mẽ trong nông nghiệp tại Việt Nam. Hiện tại mới chỉ có một số ít doanh nghiệp ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp, như tập đoàn TH TrueMilk, HasFarm, còn lại phần lớn người dân đều canh tác thủ công, năng suất tụt giảm, điều đó đã dẫn đến vấn đề người nông dân phải rời bỏ nông nghiệp, rời bỏ quê hương, nông dân bị mất đất vì các dự án khu công việc, khiến đời sống nông dân bị tổn thương, đặc biệt tệ nạn xã hội tràn lan.
Ông Bình trăn trở với nền nông nghiệp tăng trưởng chậm, đầu ra thì giảm giá còn đầu vào thì tăng giá, cho nên người nghèo thì vẫn cứ nghèo.
Theo đánh giá của ông Bình, CNTT sẽ là nền tảng cho nông nghiệp thông tin, kết nối các đối tượng liên quan, tạo ra năng suất vượt trội và thích ứng nhanh nhất. Khi mà có kết nối giữa cung và cầu thì người mua và người bán sẽ dễ dàng gặp nhau. Ví dụ khi đến mùa Dưa hấu, các siêu thị đặt hàng chừng này kg, người dân cung ứng theo thỏa ước. Từng người nông dân kết nối với nhau tạo nên công tác nông nghiệp có kế hoạch hóa.
Giấc mơ nền nông nghiệp thông minh đã được ông Bình nhen nhóm từ lâu, và đây cũng là ý tưởng được các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đồng tình. Tuy nhiên, tất cả đều phải thừa nhận việc ứng dụng CNTT mới chỉ dừng lại ở “ý tưởng”. Theo TS Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn bởi khả năng ứng dụng CNTT của nông dân còn hạn chế. Nông dân chân lấm tay bùn quanh năm dầm sương dãi nắng thì việc kết nối máy tính, Internet, di động thông minh dường như là một điều xa xỉ và viễn vông đối với họ.
Theo TS. Nguyễn Ái Việt, để đem CNTT ứng dụng thành công vào nông nghiệp, cần hội tụ đủ 5 yếu tố: Giúp người nông dân có thể biết truy cập, sử dụng máy tính, điện thoại di động; Đảm bảo hạ tầng tốt; Xây dựng được hệ thống thông tin nông nghiệp; Đào tạo cho người dân biết khai thác hệ thống thông tin; Các ứng dụng phục vụ nông nghiệp phải có sự liên thông giữa các bộ, ngành.
Ông Trương Bình cũng thừa nhận việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp hiện nay tại Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, theo ông, trách nhiệm lớn trong giấc mơ của ông chính là sự góp sức của các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ.
“Tôi còn nhớ những ngày đầu chúng tôi thực hiện tin học hóa ngân hàng, chúng tôi phải dạy những bộ lệnh đầu tiên cho các nhân viên nhân hàng, và bây giờ doanh nghiệp cũng phải làm như vậy với người nông dân. Tôi tin doanh nghiệp sẽ đào tạo người dân trồng cây này như thế nào, doanh nghiệp phải ở với người dân, và phải huy động vốn từ ngân hàng để đầu tư cho người dân, người dân chỉ việc đóng công sức lao động. Vai trò còn lại là doanh nghiệp phải làm. Tôi tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp trẻ xuống dự cuộc họp tại Quảng Ninh vào tháng 11 để chúng ta cùng chia sẻ trách nhiệm với nông dân và đối với đất nước”, ông Bình nhấn mạnh.
Vai trò của doanh nghiệp là đưa ra kế hoạch. Ví dụ có dự án trồng cây cà chua 500 tấn/ha, doanh nghiệp sẽ hướng dẫn nông dân canh tác để năng suất có thể tăng lên 3 lần. Nếu người dân đồng ý thì doanh nghiệp sẽ đến để xây dựng nhà kính. Sau 3 tháng thì có thể bán lượng cà chua đó ở Việt Nam, và cũng có thể bán sang Nhật Bản và đối tượng nhắm đến các tầng lớp trung lưu của Ấn Độ, Trung Quốc.... Thì lúc đó doanh nghiệp mới thu được lợi nhuận, đấy là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp.
“Việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải thể hiện rõ người dân sẽ được gì? Nếu tôi làm trên ruộng đó, 1 năm sớm nắng hai sương mà chỉ có một nguồn thu ít ỏi, nhưng nếu có một giải pháp thì từ đồng ruộng đó, bạn sẽ có một nguồn thu lớn hơn đến 2,3 lần với nguồn thu cũ thì người nông dân cần phải nghĩ mình nên làm theo cách cũ hay cách mới. Điều này do sự lựa chọn của người dân. Chúng ta sẽ có những cuộc vận động, nguồn thu nhập ấy có thể sử dụng để phát triển hạ tầng của nông dân, có thể xây thêm các trung tâm đào tạo, các doanh nghiệp có thể xây thêm các khu chế biến ở các địa phương, lúc ấy người nông dân không hẳn là người nông dân nữa, họ có thể là một phần công nhân, một phần công nghiệp, một phần du lịch, dịch vụ. Tức là chúng ta sẽ tạo ra một nền nông thôn mới. Đó là thay đổi khi đưa công nghệ cao vào, ông Bình say sưa nói về giấc mơ của nền nông nghiệp thông minh.
Cơ hội trong vòng 6 tháng
Ông Bình cho biết, trong tháng 4/2015, FPT và tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) sẽ bắt tay thiết lập 2 nhà kính tại Hà Nội, TPHCM và thử nghiệm ứng dụng Akisai của Fujitsu trên một loại cây trồng phù hợp. Khu vực nhà kính này cũng được xem như một khu trưng bày cho tất cả các đối tác có liên quan, các cơ quan chính phủ của Việt Nam và Nhật Bản quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ cao nhằm phát triển ngành nông nghiệp thông minh tại Việt Nam.
“Chúng ta có một cơ hội trong vòng 6 tháng đến 1 năm và thu nhập người nông dân cao hơn vài lần so với thực tại, và cơ hội này đến đòi hỏi rất nhiều việc để doanh nghiệp phải làm. Nếu không có sự chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển trên thế giới thì chúng ta không thể triển khai được”, ông Bình nói.
Thực ra việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp chỉ là việc ứng dụng dịch vụ theo kiểu điện toán đám mây, người dùng bao nhiêu thì trả, mỗi người trả một ít, nên chi phí sẽ không lớn.
Đối với các doanh nghiệp trẻ, có hay không việc doanh nghiệp hào hứng với ý tưởng ứng dụng CNTT trong nông nghiệp. Ông Bình tâm sự: “Thực sự đối với doanh nghiệp, cái họ thiếu chính là cơ hội. Và đây sẽ là cơ hội đối với họ”.
“Mỗi lần tôi xuất hiện với doanh nhiệp trẻ, họ quan tâm vô cùng, họ bảo: Anh ơi, sao anh nói lâu thế mà chưa làm gì cả?”. Theo ông Bình, thực sự ông và các doanh nghiệp nhỏ đã có sự chuẩn bị rất nhiều từ phía sau, chuẩn bị từ nhận thức là nếu không đi vào sản xuất với giá trị gia tăng cao, không đưa công nghệ cao vào thì đất nước không có tương lai, nếu tiếp tục ly nông để làm gia công thì chỉ một thời gian nữa thôi các nhà máy cũng sẽ chuyển sang các nước nghèo hơn, và chúng ta ko có việc gì làm. Chưa nói sẽ có những bãi rác nông nghiệp mà các nước khác muốn đẩy sang Việt Nam”.
Nhật Bản đã thành công với nền nông nghiệp thông minh, và giờ chúng ta phải đưa nền nông nghiệp thông minh vào Việt Nam, ông Bình nhấn mạnh. “Chúng ta cần phải đột phá để khỏi tình trạng này, chúng ta cần có góc nhìn mới. Tại sao Việt Nam không trở thành kho thực phẩm của thế giới? Tại sao Việt Nam không phải là nguồn cung ứng các sản phẩm có đẳng cấp như Nhật Bản, trong bối cảnh Nhật Bản mở thị trường lương thực thực phẩm theo thỏa thuận TPP? Tại sao ko có sự liên kết chặt chẽ giữa các tập đoàn công nghệ giữa hai nước, giữa các lĩnh vực để tạo cơ hội mới cho các ngành tham gia. Nông nghiệp thông minh có thể là sự đột phá, đẩy năng suất lao động lên cao lên nhiều lần, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tạo ra các chuỗi giá trị gia tăng và hình thành những định chế mới cho nông nghiệp, nâng cao sức mạnh và vị thế quốc gia. Để cuối cùng VN có thể trở thành kho thực phẩm thông minh, có nguồn nhân lực và hạ tầng thông minh, và điểm đến của du lịch thu hút thế giới”.
Khôi Linh