Khả năng trồng cây trên sao Hỏa có thể được hiện thực hóa

(Dân trí) - Việc trồng cây ngay trên sao Hỏa nói riêng các hành tinh ngoài không gian nói chung đang là mục tiêu cần thiết của các nhà khoa học nhằm cung cấp thực phẩm tốt hơn cho các phi hành gia đang làm việc trên đó.

Khả năng trồng cây trên sao Hỏa có thể được hiện thực hóa

Đã từ lâu, việc sản xuất nông nghiệp ngoài không gian như trồng các loại rau, cây gia vị, cây ăn quả ngắn ngày… đã được các phi hành gia thực hiện, tuy nhiên chúng đều sống trong môi trường nhà kính trên tàu vũ trụ. Việc này dù mang lại lợi ích như cung cấp oxy cho tàu, thực phẩm… có khá nhiều hạn chế nhất định như chiếm dụng không gian, chất thải… Do đó, việc trồng cây ngay trên hành tinh mình đáp xuống đang được đề cập đến khá lâu và cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về nó.

Mới đây, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng việc trồng cây trên các hành tinh ngoài không gian, đặc biệt là trên sao Hỏa hoàn toàn có khả năng trở thành hiện thực.

Theo đó, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã tiến hành trồng thử nghiệm 14 loài thực vật khác nhau trên môi trường mô phỏng môi trường ở Trái đất (điều kiện khô cằn), Mặt trăng và sao Hỏa. Khu vực mà nhóm thử nghiệm là trên Trái Đất.

Nhóm tiến hành trồng các cây quen thuộc như cải, cà chua, lúa mạch đen, cà rốt, lúa mì và cải xoong vào 840 chậu khác nhau, mỗi loại cây có 20 bản sao trồng trong ba điều kiện môi trường nêu trên. Sau đó, tất cả chúng sẽ được đặt trong nhà kính với 16 giờ sáng/ngày và ở 60 độ F (15,55 độ C) trong vòng 50 ngày.

Kết quả thu được khá khả quan khi nhiều trong số đó có thể bén rễ và phát triển tốt mà không cần phải bổ sung chất dinh dưỡng. Đặc biệt, 20% các cây ở môi trường Mặt trăng còn sống, trong khi tỷ lệ trên ở môi trường Trái đất là 50% và đặc biệt là tới 60% ở môi trường sao Hỏa.

Cũng theo kết quả thu được, những cây có thể sống tốt trên sao hỏa nhất là cà chua, lúa mạch đen, cà rốt, cải xoong vởi tỷ lệ lên đến 80%.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng vấn đề khó khăn nhất vẫn là tưới nước, bón phân cho chúng bởi điều kiện ngoài hành tinh hạn chế khả năng làm điều này.

Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí PLoS One.

Lâm Anh