Dùng ĐTDĐ để điều chỉnh tâm trạng giới trẻ

Các nhà nghiên cứu Australia đang dựa vào niềm đam mê điện thoại di động (ĐTDĐ) trong thanh thiếu niên để nhận biết những cảm giác lo lắng và dấu hiệu có khả năng dẫn đến tự tử của chúng.

Sophie Reid, chuyên gia tâm lý học tại Viện nghiên cứu trẻ em Melbourne, nảy ra ý tưởng này sau khi thấy thật khó để thuyết phục bọn trẻ điền vào những tài liệu định hướng thông thường như câu hỏi điều tra hay nhật ký.

Theo Reid, thanh niên thường rất miễn cưỡng mỗi khi phải đi gặp chuyên gia tâm lý, và việc điền vào bản điều tra đối với chúng cũng cực hình như làm bài tập về nhà vậy. Do đó, cần những biện pháp thân thiện, năng động hơn mới lôi kéo được trẻ em tham gia. Có thể tận dụng một trong những điều chúng rất quan tâm là điện thoại di động - thứ mà giới trẻ yêu quý và sử dụng chuyên nghiệp hơn người lớn nhiều.

Reid phát biểu: "Chúng tôi đang cố gắng xây dựng bức tranh toàn cảnh về những nhân tố dẫn đến sự suy nhược, chán nản trong giới trẻ. Đơn giản bởi chúng ta không thể chữa khỏi bệnh mà hoàn toàn không hiểu nguyên nhân gây ra nó".

Theo chương trình, các em sẽ cài một phần mềm đặc biệt vào điện thoại và trả lời câu hỏi hai lần mỗi ngày. Câu hỏi chủ yếu dưới dạng 'Bạn đang cô đơn phải không?', 'Gần đây có gì làm bạn căng thẳng?' hay 'Bạn đã làm gì để giải quyết khó khăn hôm qua?'... Cuối tuần, thông tin lưu trong điện thoại sẽ được chuyển đến các chuyên gia nghiên cứu qua kết nối hồng ngoại hoặc Bluetooth.

"Có tới 30% giới trẻ Australia hiện nay đang ở trong tình trạng suy sụp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình hình tự tử ngày càng gia tăng và là mối quan tâm của toàn xã hội", Reid bức xúc.

Chương trình vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm với 400 thiếu niên và kéo dài 1 năm. Mục đích là xác định sớm các dấu hiệu bất thường, sau đó xây dựng một phần mềm khác phổ biến rộng rãi trên mạng, bao gồm những câu hỏi, phương pháp có thể giúp thanh thiếu niên tự vượt qua khó khăn.

Kết quả thử nghiệm ban đầu khá khả quan vì giới trẻ dường như rất nhiệt tình hưởng ứng hình thức điều tra thân thiện này.

Theo P.Thúy 
Vnexpress/AFP