Kinh nghiệm đào tạo bác sĩ kế thừa tại một "bệnh viện FDI"

Tiến Thịnh Yến Lê

(Dân trí) - Với đặc thù của một bệnh viện có 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do đội ngũ các bác sĩ Pháp thành lập từ 2003, FV đã có những kinh nghiệm trong việc phát triển đội ngũ kế thừa từ thế hệ bác sĩ trẻ tài năng người Việt.

Mạnh tay trong công tác đào tạo bác sĩ trẻ tài năng

TS.BS. Đỗ Trọng Khanh, Giám đốc y khoa bệnh viện FV cho rằng, với ngành y, nhân lực y tế là vấn đề sống còn, trong đó bác sĩ được xem là một trong những nguồn lực quan trọng nhất của bệnh viện.

Từ những ngày đầu thành lập, FV định hướng đề cao hoạt động chuyển giao công nghệ và kỹ thuật điều trị giữa các bác sĩ - chuyên gia giỏi của thế giới với đội ngũ y bác sĩ Việt Nam. Đến nay, hầu hết những vị trí trưởng - phó khoa tại các chuyên khoa của FV do bác sĩ người Việt đảm nhận. Đây có thể xem như thế hệ kế thừa đầu tiên cho FV.

FV hiện có đội ngũ chuyên gia người Việt ở độ tuổi "vàng" từ 45 trở lên. Việc đào tạo thế hệ kế tiếp vẫn diễn ra ở từng chuyên khoa, thông qua đào tạo tại chỗ, cử đi tu nghiệp và tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bệnh viện đặc biệt khuyến khích và tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ năng nổ khám phá những lĩnh vực mới.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hiển - Khoa Chẩn đoán hình ảnh là một trong nhiều bác sĩ trẻ đã trưởng thành nhanh chóng nhờ chính sách đào tạo tài năng này của FV.

Kinh nghiệm đào tạo bác sĩ kế thừa tại một bệnh viện FDI - 1
Bác sĩ Nguyễn Thế Hiển (Ảnh: FV).

Trở thành bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, khoa Chẩn đoán hình ảnh bệnh viện FV từ năm 2020, bác sĩ Hiển có nguyện vọng nghiên cứu phát triển chuyên ngành can thiệp mạch máu thần kinh. Năm 2022, anh được cử đi tu nghiệp 1 năm ở Bệnh viện Đại học Montpellier, Montpellier (Pháp), chuyên ngành can thiệp mạch máu thần kinh.

Trở về FV, anh làm việc tại chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh được dẫn dắt bởi bác sĩ Trưởng khoa người Pháp - Pierre Jaillot. Anh có cơ hội áp dụng kiến thức đã học vào chẩn đoán, điều trị các bệnh lý nguy hiểm như tắc động mạch não, dị dạng mạch máu não...

Điều này đã giúp bác sĩ Nguyễn Thế Hiển là một trong số ít các bác sĩ trẻ có chuyên môn chẩn đoán hình ảnh và can thiệp thần kinh - một ngành còn rất mới tại Việt Nam.

Kinh nghiệm đào tạo bác sĩ kế thừa tại một bệnh viện FDI - 2
Bác sĩ Nguyễn Nam Bình tư vấn điều trị đau cho bệnh nhân (Ảnh: FV).

Trường hợp bác sĩ Nguyễn Nam Bình là câu chuyện thành công khác trong việc khuyến khích người trẻ khai phá lĩnh vực mới. Dù có 13 năm kinh nghiệm ở vị trí bác sĩ điều trị cấp cao chuyên ngành Gây mê hồi sức tại một bệnh viện lớn ở TPHCM, song điều khiến chị trăn trở là lĩnh vực điều trị đau cho bệnh nhân ung thư chưa được phát triển để có thể hỗ trợ bệnh nhân đúng mức.

Như một cơ duyên, bác sĩ Nam Bình được gặp bác sĩ Louis Brasseur - Trưởng Trung tâm điều trị đau bệnh viện FV. Sau khi nghe ông chia sẻ về mong ước phát triển một nơi chuyên điều trị đau, nhất là đau do ung thư, chị quyết định về FV năm 2021, cùng các đồng nghiệp khai phá một lĩnh vực mới đầy thử thách ở Việt Nam.

Nhận thấy tâm huyết của nữ bác sĩ trẻ, FV tạo điều kiện cho chị tham gia nhiều khóa học, trong đó có chuyến tham quan học hỏi tại 5 bệnh viện lớn trong ngành điều trị đau, điều trị ung thư ở Thụy Sĩ.

Bác sĩ Bình nói vui rằng 2 năm về FV là quãng thời gian chị học nhiều nhất từ trước đến nay với không dưới 30 lần tham gia các khóa học lớn nhỏ. Điều đó giúp ích rất nhiều cho công việc phát triển Trung tâm điều trị đau.

Việc học tập của các bác sĩ trẻ tại FV rất đa dạng, qua các khóa học ngắn hạn, đi tu nghiệp nước ngoài, học hỏi từ thế hệ đi trước và đặc biệt là học thông qua công việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại FV.

Trường hợp bác sĩ Nguyễn Huỳnh Hà Thu, hơn 4 năm gắn bó với Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng FV là cả một chặng đường dài học hỏi không ngừng từ các khóa học và từ bác sĩ trưởng khoa Basma M'Barek.

Kinh nghiệm đào tạo bác sĩ kế thừa tại một bệnh viện FDI - 3

BS. Nguyễn Huỳnh Hà Thu (bên trái) nhận cúp "Best poster presentation" của một hội nghị khoa học quốc tế về ung thư (Ảnh: FV)

"Không chỉ là người thầy trực tiếp chỉ dạy kiến thức, cô Basma rất quan tâm đến việc học tập của tôi và luôn cố gắng tạo điều kiện để hỗ trợ", bác sĩ Hà Thu chia sẻ.

Đào tạo thế hệ kế thừa: tập trung đào tạo tư duy quản trị hệ thống

Những năm qua, FV không ngừng tìm kiếm và thu hút các tài năng bác sĩ trẻ - những người ra trường dưới 10 năm, có kiến thức chuyên môn và đạo đức tốt, nhanh nhạy nắm bắt công nghệ, đặc biệt là có chí hướng để đào tạo thế hệ kế thừa.

"DNA" của bác sĩ tại bệnh viện FV được tóm gọn trong giá trị cốt lõi: Young (Trẻ) - Talented (Tài năng) - Ambitious (Tham vọng) - Dynamic (Năng động). "Để chọn được những bác sĩ có tố chất, có chí hướng, chúng tôi cần có nhiều thời gian," bác sĩ Khanh nhận định.

Bên cạnh đó, FV có hệ thống phân bậc để đánh giá các bác sĩ từ bậc 1-9; các bác sĩ trẻ khi được tuyển dụng vào FV phải từ bậc 4 trở lên, và sẽ được đánh giá thứ bậc hằng năm. "Hệ thống phân bậc rõ ràng của FV giúp bác sĩ trẻ biết mình đang ở đâu. Hệ thống này là một trong những cơ chế quản trị bác sĩ trẻ," bác sĩ Khanh cho biết.

Theo chị Phan Diệu Hà, Giám đốc nhân sự bệnh viện FV, trong kỳ đánh giá cuối năm tại FV sẽ có phiên họp giữa nhân viên và người quản lý, cùng trao đổi về những thành tích đạt được trong năm, định hướng kế hoạch cho năm tiếp theo. Các bác sĩ trẻ được trao đổi về lộ trình nghề nghiệp, xem cần trau dồi thêm các kỹ năng nào, từ đó lên kế hoạch đào tạo trong 1-3 năm tới.

Hiện tại các bác sĩ trẻ tập trung ở 8 chuyên khoa mũi nhọn của FV. Được làm việc và dìu dắt bởi những vị trưởng, phó khoa là những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, các bác sĩ trẻ có cơ hội học hỏi và trưởng thành.

Một điểm đặc biệt của FV trong việc đào tạo đội ngũ kế thừa ở FV là theo tư duy quản trị, chứ không nằm ở kiến thức y khoa. FV muốn hướng đến đào tạo các bác sĩ có kiến thức, tỉ mỉ ghi chép thông tin của bệnh nhân, công khai và minh bạch, làm đúng các bước theo tiêu chuẩn của bệnh viện đạt chuẩn JCI. Việc làm theo tiêu chuẩn như vậy đã hạn chế rủi ro và tạo sự khác biệt trong việc đào tạo thế hệ trẻ tại FV: các bác sĩ sẽ tự tin và trưởng thành nhanh chóng.

Kinh nghiệm đào tạo bác sĩ kế thừa tại một bệnh viện FDI - 4
Bác sĩ Vũ Duy Hiển - Khoa Tiêu hóa và Gan mật, bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Bác sĩ Vũ Duy Hiển - Khoa Tiêu hóa và Gan mật, bệnh viện FV - bác sĩ trẻ được FV cử đi tham gia nhiều khóa đào tạo - nhận xét, nhờ làm việc trong môi trường y khoa đạt chuẩn JCI, bao gồm sự cam kết với thực hành y khoa lấy bệnh nhân làm trung tâm và tập trung vào chất lượng, anh thấy mình có thể giúp được bệnh nhân tốt hơn.

Việc thực hành y khoa trong hệ thống đạt chuẩn JCI yêu cầu rèn luyện tác phong làm việc chuyên nghiệp, qua đó những người trẻ như anh dần chuẩn hóa tư duy và kỹ năng nghề nghiệp. 

Những giá trị từ việc đầu tư cho thế hệ trẻ

Là người phụ trách các vấn đề chuyên môn của bệnh viện, Giám đốc y khoa Đỗ Trọng Khanh cho rằng, việc đầu tư cho các bác sĩ trẻ là có giá trị, đặc biệt khi chọn lựa được những bác sĩ trẻ có tầm nhìn. Đây là những người mang tư duy mới cho bệnh viện, nỗ lực học hỏi, phối hợp với đồng nghiệp trong khoa xây dựng chiến lược mới cho 5-10 năm sau.

Cùng hỗ trợ và học hỏi từ các thế hệ trước, những người trẻ sẽ nhanh chóng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, từ đó có thể giúp được cho hàng nghìn bệnh nhân.

Với bản tính tuổi trẻ năng động, ham học hỏi và nắm bắt công nghệ nhanh, các bác sĩ trẻ sẽ hỗ trợ các chuyên gia trong khoa để triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của khoa cũng như đóng góp các giá trị chung cho cộng đồng y khoa.

Trong môi trường chuẩn quốc tế tại FV, một lớp bác sĩ trẻ đang trưởng thành nhanh chóng và sẽ là thế hệ kế tiếp đầy tài năng và tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp y khoa. Như bác sĩ Stéphane Romano - một trong 10 nhà sáng lập người Pháp của FV đánh giá: "Chất lượng đội ngũ bác sĩ người Việt rất tốt. Đó cũng là lý do vì sao bệnh nhân hài lòng với dịch vụ của FV".