Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV- Kỳ 2: Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến

Trường Thịnh

(Dân trí) - Kể từ khi Bệnh viện FV tiếp nhận điều trị bệnh nhân F0, mỗi ngày trôi qua đều là một cuộc chiến đối với đội ngũ y tế tại khoa Điều trị Covid-19, khó khăn về nhân lực, sức nặng tâm lý khi đối mặt với chuyện sinh tử diễn ra thường xuyên hơn.

Nhân dịp tổ chức triển lãm ảnh "Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV" trong tháng 12, những câu chuyện, quyết định cân não được chia sẻ lại, như một sự nhắc nhớ về tháng ngày khó khăn, thêm động lực vượt qua thách thức phía trước.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV- Kỳ 2: Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến - 1
Bác sĩ Hồ Minh Tuấn - Trưởng khoa Tim mạch kiêm trưởng khoa Điều trị Covid-19 (Ảnh: FV).

Sau cánh cửa khoa điều trị Covid-19

Khoảnh khắc khó quên trong cuộc chiến chống Covid-19 ở FV

Từ tuần thứ 2 của tháng 7/2021, lầu 4 - khu điều trị nội trú khoa Nội Bệnh viện FV - trở thành một phần của khoa Điều trị Covid-19. Toàn bộ tầng lầu được phân tách thành khu điều trị Covid-19, các vùng đệm và khu sạch cho đội ngũ điều trị làm việc. Quầy điều dưỡng trung tâm của phía Cánh Đông trở thành "văn phòng" - nơi 8h sáng mỗi ngày - bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch Can thiệp kiêm Trưởng khoa Điều trị Covid-19, họp giao ban các vấn đề điều trị F0 tại FV.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV- Kỳ 2: Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến - 2
Khoa điều trị Covid-19, bệnh viện FV luôn trong tình trạng khẩn trương, căng thẳng (Ảnh: FV).

Phía sau phòng họp, các điều dưỡng vẫn đang tất bật chuẩn bị cho "tour" điều trị buổi sáng: Đồ bảo hộ, thuốc cho từng người bệnh, các vật tư tiêu hao và dụng cụ cần thiết… Tất cả đều được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi vào khu điều trị, để hoàn thành một "tour" rồi trở lại "khu sạch" vào giờ trưa.

Cứ khoảng 10 phút lại có ít nhất 5 lần tín hiệu bệnh nhân gọi hỗ trợ reo lên. Dưới sự điều phối của chị Chu Thị Nguyệt Anh - Điều dưỡng trưởng khoa Nội - các điều dưỡng nhanh chóng vào khu điều trị xem xét tình hình, vừa ra khỏi phòng này đã phải chạy đến phòng khác. Cứ thế, ngày nào cũng như ngày nào.

"Có đêm, tại đây có tới 14-15 ca thở máy trong cùng một lúc. Thật sự là quá tải đối với mọi người", chị Nguyệt Anh nhớ lại. 

Hành lang trong khu vực điều trị, mọi người đều kín bưng trong trang phục bảo hộ, liên tục di chuyển không lúc nào ngơi. Ai cũng tất bật với công việc, chẳng mấy khi nghe ai bảo ai tiếng nào.

Chiếc băng ca dùng để chuyển bệnh theo mã xanh (blue code), có khi cả tháng mới có một ca trước đó, giờ đây không lúc nào ngưng nghỉ. Có những loại thuốc và vật dụng y tế, mà trước đây hàng tháng trời mới có điều kiện sử dụng vài lần, thì lúc cao điểm dịch, ngày nào cũng phải "nhập sỉ" và "dùng sỉ", số lượng lên cả trăm đơn vị mỗi ngày.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV- Kỳ 2: Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến - 3
Các giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 luôn kín chỗ (Ảnh: FV).

Nhưng bận rộn nhất có lẽ là những chiếc giường bệnh. Bình thường sẽ có vài phòng trống để người bệnh nằm tạm trong khi chờ vệ sinh phòng cũ hoặc chờ chuyển phòng điều trị; thì lúc đó việc chuyển bệnh diễn ra ngay trên hành lang, người bệnh này rời đi thì ngay lập tức người kia được chuyển vào.

Khi một ca bệnh được chuyển từ phía Cánh Tây (điều trị bệnh nặng) sang phía Cánh Đông (điều trị bệnh nhẹ, chờ xuất viện), mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cũng có những bệnh nhân đã ở lại Cánh Tây rất lâu và có những bệnh nhân không còn cơ hội chuyển đi đâu nữa. Khu vực này trở thành nơi diễn ra nhiều cuộc chia ly, với vô vàn cảm xúc và suy nghĩ khác nhau. Đó cũng là một gánh nặng tâm lý đối với đội ngũ làm việc tại đây, cho đến tận bây giờ.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV- Kỳ 2: Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến - 4
Cánh Tây của khoa Nội Bệnh viện FV trong thời gian đại dịch là nơi chứng kiến nhiều cuộc chia ly với vô vàn cảm xúc (Ảnh: FV).

"Thật sự bệnh nhân ra đi rất nhiều và rất nhanh, chỉ vài tiếng đồng hồ hoặc 1-2 ngày. Bản thân tôi là một bác sĩ 30 năm trong nghề cũng chưa bao giờ gặp tình huống như thế này. Nó gây một vết hằn rất lớn trong tâm lý của các y bác sĩ", bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang - Nguyên Trưởng khoa Gây mê Hồi sức Bệnh viện FV - hồi tưởng.

Tinh thần không lùi bước

Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn, trong giai đoạn đầu, người dân chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên bệnh rất nặng. Nhiều bệnh nhân phải thở máy hoặc hỗ trợ HFNC (High flow nasal cannula - Liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi). Hơn nữa, hầu hết các ca nặng đều đi kèm với những bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, ung thư… Trong khi, các y bác sĩ chưa có nhiều thông tin về căn bệnh mới. Đội ngũ điều trị phải vừa làm vừa cập nhật lượng kiến thức rất lớn, thực hành theo những hướng dẫn quốc tế của Anh, Mỹ, EU và Bộ Y tế Việt Nam.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV- Kỳ 2: Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến - 5
Các cuộc hội chẩn liên chuyên khoa diễn ra thường xuyên trong ngày (Ảnh: FV).

Hầu như ngày nào, các bác sĩ cũng phải tổ chức hội chẩn liên chuyên khoa, thậm chí có ca phải hội chẩn 2-3 lần/ngày. Đó là chưa nói đến việc mất thời gian mặc đồ bảo hộ mỗi lần ra vào khu điều trị.

Đội ngũ điều dưỡng, áp lực cũng không nhẹ nhàng hơn. Chị Nguyệt Anh chia sẻ, với Covid-19, một điều dưỡng lâu năm giờ cũng như mới vào nghề, hoàn toàn mới mẻ. Các điều dưỡng tại khoa Nội trước đó còn chưa bao giờ chăm sóc bệnh nhân thở máy. Bản thân chị cũng chưa từng điều phối nhân sự cho số lượng bệnh nhân lớn như vậy.

Khi nhận một bệnh nhân mới, các điều dưỡng phải làm rất nhiều thứ từ đánh giá sơ bộ thể trạng, theo dõi các chỉ số sức khỏe, sắp xếp phòng bệnh… Các bệnh nhân thở máy hầu như không thể tự ăn, vì mỗi lần tháo mặt nạ thở ra thì chỉ số oxy sẽ tụt xuống. Do đó, các điều dưỡng phải chia nhau đút nhanh từng muỗng cơm, vừa ăn được một muỗng là bệnh nhân lại phải gắn mặt nạ vào thở tiếp.

"Bình thường một điều dưỡng chăm sóc 2-3 bệnh nhân, thì nay một điều dưỡng phụ trách 5-6 bệnh nhân. Nhưng chúng tôi hiểu, bệnh nhân vào với mình là không có người thân bên cạnh, nên lúc nào cũng cố gắng giúp họ hết sức có thể. Có những hôm đuối quá, không về khách sạn được, chúng tôi trải ghế xếp nằm ngay trong phòng trực", chị kể.

Để giảm tải cho lực lượng tuyến đầu, ban lãnh đạo bệnh viện đã huy động thêm nhân lực từ các bộ phận khác. Đồng thời, bệnh viện động viên, kêu gọi đông đảo các bác sĩ ở nhiều khoa khác nhau tự nguyện tham gia vào công tác điều trị tại khoa Covid-19 của FV - nơi mỗi ngày là một cuộc chiến cân não với chuyện sinh tử khốc liệt và gần như phải ăn - ngủ - làm việc tại chỗ; vừa làm vừa đào tạo nhanh nhất có thể.

Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV- Kỳ 2: Nơi mỗi ngày là một cuộc chiến - 6
Đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện FV làm việc với một tinh thần quả cảm trong suốt đại dịch (Ảnh: FV).

Vượt trên tất cả - nỗi sợ hãi, gánh nặng tâm lý, sự quá tải - đội ngũ vẫn ở đó, vẫn cần mẫn kiểm tra từng li, từng tí ngoài khu sạch, vẫn mặc trang phục bảo hộ chạy như con thoi trên các hành lang của khu điều trị, vẫn ở cạnh bên để động viên và chăm sóc bệnh nhân mỗi ngày.

Chị Nguyệt Anh chia sẻ: "Ai mà không lo sợ, các bạn ở đây đều thấy sợ cả. Nhưng nỗi sợ bệnh tật nhiều lúc không lớn bằng sự bất an khi mình nhỡ có sơ suất và gây ra vấn đề gì đó cho bệnh nhân".

Có lẽ trong những ngày đó, điều giữ cho đôi chân và bàn tay của các "thiên thần áo trắng" không mỏi mệt, không phải là sự can đảm hay tinh thần quyết chiến gì cả, đơn giản chỉ là nỗi lo mình chưa đủ cố gắng vì bệnh nhân. Trái tim của người làm ngành y đã không cho phép họ bỏ cuộc. 

Từ ngày 8/12/2022, Bệnh viện FV tổ chức triển lãm ảnh "Cuộc chiến chống Covid-19 tại Bệnh viện FV", nhằm tôn vinh những cống hiến của đội ngũ FV đã cùng nhau vượt qua khó khăn và đưa bệnh viện FV vững vàng đi qua đại dịch với tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng trong đại dịch vừa qua. Triển lãm trưng bày tại khuôn viên bệnh viện những bức ảnh ghi lại thời khắc khốc liệt trong đại dịch dưới ống kính nhiếp ảnh gia người Pháp Pier Laurenza, cũng là một bệnh nhân Covid-19 tại FV. Sau khi được tiêm vaccine mũi thứ 2, Pier Laurenza đã đề nghị được ở lại trong bệnh viện, âm thầm ghi lại thời khắc chưa từng có trong lịch sử gần 20 năm hình thành và phát triển của FV và cũng là mảnh ghép tư liệu trong bức tranh dịch bệnh của Việt Nam và toàn cầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm