Chuyên gia truyền nhiễm nói gì về sự việc tiêu hủy 16 con chó mèo ở Cà Mau
(Dân trí) - Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, chuyên khoa Nhiễm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết có một số nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 xuất hiện trên tê tê, dơi hay thú cưng nuôi trong nhà.
Sự việc đàn chó, mèo (15 con chó, một con mèo) bị lực lượng chức năng tại khu cách ly tiêu hủy, sau khi chủ nhân dương tính với SARS-CoV-2, xảy ra tại xã Khánh Hưng, huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) được dư luận chú ý.
Theo thông tin từ UBND huyện Trần Văn Thời, việc quyết định tiêu hủy đàn chó mèo diễn ra trước áp lực về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, để bảo đảm không lây lan dịch bệnh cũng như tác động của những người trong khu cách ly. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hành động trên là vội vàng.
Liên quan đến nguy cơ lây lan Covid-19 của động vật, trong hướng dẫn chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà được ban hành vào tháng 8/2021, Bộ Y tế cho biết đối với gia đình có vật nuôi, F0 không nên tiếp xúc với vật nuôi vì đã có bằng chứng cho thấy virus lây lan sang động vật.
Còn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 từ động vật là thấp. Tuy nhiên, con người có thể truyền virus trên sang động vật, đặc biệt là khi tiếp xúc gần, khi thú cưng ở gần chủ, người chăm sóc nhiễm SARS-CoV-2.
Phân tích chi tiết hơn, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) chia sẻ, có 2 loại virus gây bệnh Covid-19 cho con người và động vật là human coronavirus và animal coronavirus. Khi thực hiện một xét nghiệm ở thú cưng thấy dương tính với Covid-19 thì rất có thể do nhiễm một chủng animal coronavirus.
Theo bác sĩ Khanh, trên lý thuyết virus gây bệnh Covid-19 ở người và động vật không lây nhiễm qua lại. Tuy nhiên nếu có F0 trực tiếp ôm hôn, khạc nhổ… vào lông, da, móng động vật, thú cưng... rồi người khác cũng tiếp xúc gần thú cưng là vật trung gian này thì nguy cơ cao sẽ bị lây lan Covid-19 từ người nhiễm ban đầu.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, chuyên khoa Nhiễm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết đã có một số nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 xuất hiện trên tê tê, dơi hay súc vật, thú cưng nuôi trong nhà. Tuy nhiên việc tiêu hủy đàn chó, mèo là không cần thiết, vì muốn lây nhiễm từ động vật qua người cần nhiều yếu tố.
Nếu lo ngại lây lan dịch bệnh, có thể cho đàn thú nuôi cách ly chung với chủ hoặc tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cho đàn vật nuôi.