Xóa bỏ một trong ba điểm nóng dioxin ở Việt Nam
(Dân trí) - Hơn 7.000 m3 đất ô nhiễm dioxin tai sân bay quân sự Phú Cát (Bình Định), có chứa khoảng 79 gram hệ số độc hại tương đương (TEQ) của dioxin, đã được chôn lấp an toàn.
Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 33) cho biết, ngày 18/8, lễ đóng bãi chôn lấp đất ô nhiễm dioxin đã được tiến hành. Cụ thể, hơn 7.000 m3 đất ô nhiễm dioxin tại sân bay Phú Cát, có chứa khoảng 79 gram hệ số độc hại tương đương (TEQ) của dioxin, đã được chôn lấp an toàn trong bãi chôn lấp này - với thiết kế và quá trình xây dựng tuân thủ theo các qui định của Việt nam và đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Việc hoàn thành bãi chôn lấp này đã loại bỏ các rủi ro phơi nhiễm của dioxin đến môi trường và sức khoẻ của người dân ở các khu vực xung quanh.
Như vậy, sân bay quân sự này được loại bỏ khỏi danh sách các điểm nóng bị ô nhiễm dioxin. Được biết, bãi chôn lấp là một phần của dự án 5 triệu đô la của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) có tên gọi là “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các điểm nóng ô nhiễm nặng dioxin ở Việt Nam”. Dự án bắt đầu được triển khai vào tháng 7 năm 2010 và được thực hiện bởi Văn phòng 33 thuộc Bộ Tài Nguyên Môi trường, với sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng.
Phú Cát là một trong ba sân bay quân sự (2 sân bay còn lại là Đà Nẵng và Biên Hoà) vẫn còn bị ô nhiễm dioxin nghiêm trọng, do một khối lượng lớn các chất diệt cỏ được lưu kho và xử lý tại đây trong thời gian chiến tranh. Nồng độ ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng này là rất cao, khoảng 365.000 ppt của mức độc hại tương đương quốc tế và cao hơn hàng trăm lần so với mức phải xử lý theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Giám đốc Văn Phòng 33 kiêm Giám đốc dự án, khẳng định: “Với việc đóng bãi chôn lấp, Sân bay Quân sự Phú Cát đã được đưa ra khỏi danh sách ba điểm nóng dioxin ở Việt Nam. Dioxin sẽ không lan toả ra khỏi khu vực và sẽ không còn tác động đến môi trường, đến những người dân sống ở các khu vực xung quanh. Cùng với chính phủ Mỹ, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc và các đối tác khác, chúng ta sẽ tiếp tục xử lý ô nhiễm dioxin tại các sân bay quân sự Đà nẵng và Biên Hoà.”
Phạm Thanh