U23 Việt Nam trả giá quá đắt
(Dân trí) - Tham vọng “vàng” của U23 Việt Nam đã bị chặn đứng bởi Indonesia, thêm một lần nữa người hâm mộ lại phải đón nhận nỗi thất vọng tràn trề. Trận thua trên sân Gelora Bung Karno càng trở nên đau hơn, khi đối thủ thi đấu chẳng phải quá xuất sắc so với Việt Nam.
Với lợi thế sân nhà và nguồn tiếp sức mạnh mẽ từ hơn 80.000 khán giả, chẳng có gì bất ngờ khi U23 Indonesia là đội bóng chủ động đẩy cao đội hình lên tấn công dồn dập. Tuy nhiên, nếu nói rằng đối thủ vượt trội hơn U23 Việt Nam về đẳng cấp thì chưa hẳn chính xác. Dù là người kiểm soát bóng tốt hơn, Indonesia lại hoàn bế tắc ở khâu ghi bàn suốt 45 phút đầu tiên do hàng tiền đạo quá “gỗ”.
Trong bối cảnh đó, việc bình tĩnh triển khai đúng ý đồ phòng ngự - phản công với những tình huống chủ động áp sát giúp U23 Việt Nam hạn chế được tối đa sức mạnh, cùng tầm hoạt động của các ngòi nổ tấn công bên phía đội chủ sân Gelora Bung Karno. Không chỉ phòng ngự tốt, các tuyển thủ còn biết cách tạo ra được một số cơ hội phản công thuận lợi.
Sau khi đã đứng vững suốt 45 phút thi đấu đầu tiên, tiếc rằng U23 Việt Nam lại không thể duy trì áp lực cần thiết trên phần sân đội chủ nhà. Hệ quả tất yếu là bị U23 Indonesia dồn ép, dần đánh mất khu trung tuyến vì liên tục chuyền bóng hỏng, hoặc dễ dàng để mất bóng khi đối phương chủ động vào bóng cứng rắn.
Khi hàng tiền vệ thi đấu lóng ngóng, đồng nghĩa khu phòng ngự phải căng sức đối chọi với những sức ép nặng nề. Đúng vào lúc cần tập trung nhất, “tử huyệt” phòng ngự lại lộ diện như nỗi lo của người hâm mộ. Trong tình huống cản phá ngoài vòng cấm, Chu Ngọc Anh đã phạm lỗi không mấy cần thiết, mang đến tình huống đá phạt trực tiếp để Patrich đưa chủ nhà vượt lên.
Thế trận phòng ngự phá sản, đó cũng là lúc U23 Việt Nam chẳng còn duy trì được cự ly đội hình. Thay vì bình tĩnh tổ chức tấn công, các tuyển thủ Việt Nam lại lựa chọn giải pháp thực hiện những cú dứt điểm từ xa mang tính cầu may, chứ không phải các tình huống tổ chức phối hợp tấn công có đường nét để xuyên phá hàng phòng ngự được đội chủ sân Gelora Bung Karno bố trí rất chắc chắn.
Ngoài khu kỹ thuật, HLV Falko Goetz liên tục hối thúc học trò dâng cao tấn công về phía khung thành U23 Indonesia. Tuy nhiên, vị “thuyền trưởng” người Đức lại không thể tìm ra một công thức tấn công đủ mạnh để xé vỡ hệ thống phòng ngự nhiều lớp, sau khi đội chủ nhà chủ động hạ thấp đội hình nhằm bảo toàn lợi thế.
U23 Việt Nam kiểm soát được nhiều bóng hơn nửa cuối hiệp 2, nhưng ý đồ tấn công thì vẫn rơi vào cảnh bế tắc và HLV Falko Goetz gần như bất lực chứng kiến học trò tìm vận may bằng những cú sút tầm xa chẳng đủ tạo ra sóng gió trước khung thành Indonesia. Cơ hội đáng kể nhất U23 Việt Nam tạo ra chỉ là cú sút cận thành bị thủ môn Kurnia Meiga cản phá, từ nỗ lực đột phá và dứt điểm của Văn Quyết.
Ở thời điểm U23 Việt Nam rất cần sự phục vụ của các cầu thủ kinh nghiệm, ông thầy người Đức lại khiến nhiều người khó hiểu với những quyết định thay đổi nhân sự. Ngô Hoàng Thịnh đang cầm bóng tốt được thay bằng cầu thủ non kinh nghiệm Hoàng Thiên, ít phút sau Đình Tùng cũng ra để nhường chỗ cho Tuấn Anh, chân sút chưa từng được đánh giá cao ở khả năng duy trì sức ép.
Học trò thi đấu trên sân nôn nóng, trong khi “thuyền trưởng” không thể tìm ra công thức khoan phá “bê tông”. Việc U23 Việt Nam bất lực trong nhiệm vụ ghi bàn, để rồi dính đòn phản công phút chót cũng không phải là cái kết quá “sốc”.
Chứng kiến cảnh U23 Việt Nam rời sân trong nỗi thất vọng, rất nhiều người hâm mộ bỏ công sang tận Jakarta đều cảm thấy tiếc nuối. Nếu những hạn chế phòng ngự được giải quyết ngay trước trận bán kết, nếu “thuyền trưởng” Falko Goetz có những quyết định điều chuyển nhanh và phù hợp hơn, có thể U23 Việt Nam đã tìm được một kết quả khả quan hơn.
Không ai phủ nhận sự thật U23 Indonesia là đội bóng sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Nhưng thầy trò HLV Falko Goetz cũng phải tự trách chính bản thân mình vì để mắc quá nhiều sai lầm. Mọi lời bao biện lúc này đều vô nghĩa, ngay cả khi có giành được HCĐ trong cuộc tái ngộ Myanmar, sân chơi SEA Games vẫn là nỗi thất vọng tràn trề của bóng đá Việt Nam.
Quang Vinh (từ Jakarta)