"Truy vấn" 4000 giấy phép khai khoáng cấp dễ dãi

(Dân trí) – “Cần chấn chỉnh công tác cấp phép khai thác khoáng sản nhưng chấn chỉnh ai, ai dễ dãi, chủ thể nào dễ dãi phải nêu rõ”, “Phải tìm cho ra hơn 4.000 giấy phép khai thác đã cấp sai - đúng thế nào”… các ủy viên UB Thường vụ QH đặt vấn đề.

Bản báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được đưa ra UB Thường vụ QH thảo luận, cho ý kiến chiều 15/8.

Chủ nhiệm UB KH-CN&MT Phan Xuân Dũng, trưởng đoàn giám sát khái quát, thực tế có không ít bất cập, vướng mắc gây nên tổn thất tài nguyên khoáng sản rất lớn. Số lượng cấp giấy phép khai thác khoáng sản của các địa phương khá lớn, vượt quá nhu cầu làm tổn hại tới môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản.
 
Nhiều dự án khai khoáng được cấp phép dễ dãi, hiệu quả thấp, tàn phá môi trường.
Nhiều dự án khai khoáng được cấp phép dễ dãi, hiệu quả thấp, tàn phá môi trường.

Theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ trong 3 năm, từ tháng 10/2005 đến tháng 8/2008, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cấp 3.495 giấy phép khai thác, gấp hơn 7 lần số lượng Trung ương cấp trong 12 năm (Trung ương cấp là 478 giấy phép khai thác). Tổn thất tài nguyên khoáng sản được nhìn nhận là rất lớn, nhất là các địa phương có biên giới, có cảng thì xuất khẩu khoáng sản thô là khá nhiều. Số lượng giấy phép khai thác khoáng sản nhiều như vậy, nhưng số lượng dự án chế biến sâu khoáng sản còn quá ít, dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp…  

Một số địa phương cấp phép tràn lan, có lúc trái quy định của pháp luật, cấp chồng lên cả quy hoạch của TƯ. Nhiều giấy phép cấp không đúng đối tượng, một số đơn vị có tiềm năng khai thác, chế biến khoáng sản thì không được cấp giấy phép, còn nhiều tổ chức, cá nhân không hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, không có nhân lực và trang thiết bị thì lại được cấp giấy phép, đã dẫn đến tình trạng chuyển nhượng giấy phép khai thác khoáng sản.

Mặt khác, thuế suất thuế tài nguyên được quy định trong khoảng rộng (than 4-20%, dầu thô 4-40%, đất hiếm 12-25%, kim loại 7-25%, phi kim 3-15%...) tuy đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan điều hành, quản lý thuế dễ điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện cho phù hợp với thực tiễn, nhưng mặt khác dễ dẫn đến việc áp dụng có lúc, có nơi còn tùy tiện. Điều này góp phần dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ khai thác khu vực khoáng sản có chất lượng cao, bỏ khu vực khoáng sản có chất lượng thấp để hạ giá thành khai thác, tăng lợi nhuận, “dễ làm, khó bỏ”, làm tổn thất tài nguyên.

Báo cáo giám sát nêu kiến nghị siết chặt quy định để chống biểu hiện dễ dãi trong cấp phép khai thác.

Chủ nhiệm UBTài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề cần nêu rõ địa chỉ trách nhiệm khi xảy ra những vụ việc sai phạm, xác định cụ thể việc ban hành văn bản chậm là lỗi của Bộ nào, cấp nào? Bao nhiêu tỉnh cấp mỏ không đúng quy hoạch là những tỉnh nào?

“Phần kiến nghị có nêu cần chấn chỉnh công tác cấp giấy phép thăm dò rồi không được dễ dãi trong cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng chấn chỉnh ai, ai không được dễ dãi, chủ thể nào dễ dãi phải nêu rõ” - ông Hiển phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ bức xúc về nạn “quặng tặc” ngang nhiên khai thác nhiều loại khoáng sản trong khi cơ quan nhà nước không làm hết trách nhiệm. Ông cho rằng, vấn đề không phải chuyện thiếu quy định mà là thực hiện pháp luật không nghiêm.

Đồng tình với những đề xuất này, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng cần phải làm rõ hơn vai trò quản lý nhà nước, chỉ rõ xem quản lý cấp bộ ngành có trách nhiệm gì không? Bà Mai nhận xét: “Kiểm tra hàng trăm, hàng ngàn doanh nghiệp cả trung ương và địa phương mà số phạt không đáng kể, như vậy đã đảm bảo nghiêm minh chưa?”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu, phải tìm cho ra hơn 4.000 giấy phép khai thác đã cấp sai - đúng thế nào, giấy phép nào đã cấp sai thì thu hồi và xử lý cán bộ vi phạm, đồng thời cũng làm rõ thời hạn xử lý những vi phạm này.

 P.Thảo