Tâm sự của người chuyển giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam
(Dân trí) - Mặc cảm vì có thân hình con trai nhưng tâm hồn con gái, Trâm đã làm tất cả để có tiền chuyển giới, thay đổi số phận. Ngày được nhận quyết định công nhận chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ, Trâm không cầm được nước mắt…
Ngồi với tôi ở góc khuất của quán cà phê ồn ào giữa trung tâm Sài Gòn, Quỳnh Trâm không giấu được niềm hạnh phúc khi kể cho tôi nghe về ca phẫu thuật chuyển giới thành công và được chính quyền xác định lại giới tính. Thế nhưng, để có được niềm hạnh phúc ấy, Quỳnh Trâm đã trải qua cả một hành trình dài vượt lên nghịch cảnh và thay đổi số phận.
Hàng ngày, Hiệp đến trường trong cơn đói khát dật dờ. Lạ thay, giữa cái khốn khó của cuộc sống thường nhật nhưng Hiệp lại thông minh lạ thường. Mới bước vào lớp 1 nhưng Hiệp đã biết đọc, biết viết một cách trôi chảy nên được cô giáo đặc cách lên học lớp 2. Vào năm lớp 8, Hiệp thấy trong cơ thể mình có nhiều sự thay đổi, ngực nhô lên như trái chàm. Thân xác con trai nhưng giọng nói, tâm hồn và cách đi đứng của Hiệp không khác gì các bạn nữ. Hiệp bị đám bạn tinh nghịch gắn với biệt danh “Hiệp pê-đê”. Để “che đậy” sự bất thường của mình, Hiệp quyết định tăng cân và không chịu bỏ áo vào quần theo nội quy của nhà trường.
Cậu học trò tên Hiệp trở thành “hiện tượng” lạ của trường. Thân hình ục ịch như con trai nhưng giọng nói trong veo như con gái. Hiệp nằm trong đội tuyển học sinh giỏi Văn, Toán cấp huyện. Không những học giỏi mà Hiệp còn hát rất hay. Thế nhưng càng ngày Hiệp càng nhận thấy những ánh mắt soi mói, thiếu thiện chí dồn về phía mình. Ai cũng ngại làm bạn với Hiệp. Hiệp buồn, tủi phận. Càng lớn càng hiểu số phận mình, Hiệp trở thành cái bóng đơn độc trong những buổi cắp sách đến trường.
Thời sinh viên nhưng Hiệp đã có tiền thuê nhà trọ ở trung tâm Sài Gòn, sắm được xe máy… Nhưng Hiệp vẫn là “vật thể lạ” trong mắt mọi người. Càng lớn, khát khao yêu đương cháy bỏng trong lòng nhưng Hiệp chỉ biết… ôm gối khóc. Trong một lần đi dạy về, qua cầu ông Lãnh (quận 1), Hiệp thấy một đôi nam nữ chở nhau trên xe đạp. Lúc đó, Hiệp cũng khát khao được một chàng trai ngỏ lời yêu và chở mình đi chơi như cô gái kia… Từ đó, khát khao hạnh phúc thôi thúc Hiệp tìm lại chính mình. Hiệp lên mạng tìm hiểu về giới tính thứ 3 và cách chữa trị. Nhưng để có số tiền lớn sang Thái Lan phẫu thuật không phải là chuyện một sớm, một chiều.
Hiệp quyết định bỏ học, toàn tâm toàn ý vào việc dạy kèm để kiếm thật nhiều tiền thay đổi cuộc đời. Với kiến thức có sẵn, Hiệp tự tin nhận những học trò trung bình, yếu. Hiệp không lấy tiền trước mà khi nào học sinh đậu thì mới lấy tiền, chính vì vậy mà số tiền học phí sẽ cao hơn. Hiệp chấp nhận "được ăn cả, ngã về không". Nào ngờ, học sinh của Hiệp thi đỗ nhiều, đồng nghĩa với số tiền thù lao cũng cao hơn.
Trong những lần lang thang internet, Hiệp đóng giả một nickname nữ có tên là Quỳnh Trâm. Những chàng trai tha hồ nhảy vào tán tỉnh. Nhưng Quỳnh Trâm chỉ muốn tâm sự với một chàng trai Việt kiều đang ở bên nước Mỹ xa xôi. Qua nhiều lần nói chuyện, anh chàng Việt kiều bỗng ngỏ lời yêu thương với Quỳnh Trâm. Anh yêu Trâm qua giọng nhỏ nhẹ và cách nói chuyện hiểu biết. Nhưng khi người yêu muốn nhìn thấy mặt thì Trâm nhất quyết không cho. Rồi một ngày, Trâm công khai thân phận của mình. Người yêu không chối từ mà còn đồng cảm, gửi tiền và động viên tinh thần cho Quỳnh Trâm sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới.
Ngày trở về Bình Phước, cậu bé Hiệp ngày nào nay trở thành một thiếu nữ điệu đà. Thế nhưng, người một nơi, giấy tờ ghi một nẻo đã khiến cho Trâm thêm một lần mếu dở, khóc dở. Trâm làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng xin xác định lại giới tính. Khi có kết luận Trâm đầy đủ chức năng của một phụ nữ bình thường từ bệnh viện, trên cơ sở đó, chính quyền địa phương thuộc tỉnh Bình Phước đã ra quyết định cho phép người có tên Phạm Văn Hiệp xác định giới tính từ nam sang nữ với tên Phạm Lê Quỳnh Trâm.
Trong những ngày chạy đôn chạy đáo làm giấy tờ, Trâm vẫn dành thời gian mở lò luyện thi đại học miễn phí cho học sinh quê nhà đúng như tâm nguyện. Nhờ thế, nhiều học sinh của xứ cao su bạt ngàn đã đỗ vào đại học. Hơn 1,5 năm sau, giấy tờ công nhận về việc chuyển đổi giới tính của Trâm thành hiện thực. Cầm tờ giấy trên tay, Trâm đã không ngăn được dòng nước mắt.
Giờ đây, khi trở về đúng nghĩa của một người phụ nữ, điều mơ ước duy nhất còn lại của “người chuyển giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam” là sớm được gặp mặt chàng người yêu Việt kiều, người đã có những tác động, ảnh hưởng lớn để Trâm thay đổi cuộc đời. Trâm đang mong đợi ngày hạnh phúc nở hoa.
Công Quang