Tại sao kẻ cướp tiệm vàng luôn ra tay tàn độc?

Ngày 1/5/2012, một vụ giết người, cướp vàng dã man đã xảy ra tại tiệm vàng Kiệm Huyền tại thị tứ Bô Thời, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Cả hai đối tượng đã bị bắt giữ ngay sau đó. Tuy nhiên, nhìn vào thủ đoạn tàn độc của hai đối tượng này, một lần nữa chúng ta phải đưa ra câu hỏi, nguyên nhân nào dẫn đến những vụ thảm sát đẫm máu như vậy?

Hung khí, vũ khí trong những vụ cướp vàng

Lật lại những vụ cướp vàng táo bạo thời gian gần đây, co thể thấy rằng các đối tượng khi đi cướp vàng thường sử dụng hung khí hoặc vũ khí để tấn công chủ nhà. Có nhiều trường hợp, nạn nhân đã tử vong vì hành vi điên cuồng của những tên cướp.

Gần đây, ngoài vụ cướp tiệm vàng ở Hưng Yên kể trên thì ngay trước đó, khoảng 13 giờ ngày 10/4, một vụ cướp táo tợn xảy ra tại tiệm vàng Tuấn Anh 2 (Tuyên Quang).

Hai tên cướp dùng dao và súng khống chế, uy hiếp chủ tiệm vàng. Bị chống cự, chúng dùng dao đâm chủ tiệm vàng trọng thương và nạn nhân đã tử vong sau 9 ngày điều trị tại bệnh viện.

Ảnh minh họa

Nguyễn Hữu Dương, hung thủ trong vụ cướp tiệm vàng Vững Bắc, Thường Tín.


Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Đặng Hữu Hạnh (SN 1978, trú tại Ấp Hộ, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) và bị can Trần Văn Hà (SN 1991, trú tại xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang) – nghi can vụ án.

Trước đó, khoảng 16h30 ngày 16/2, một thanh niên đã dùng dao cứa cổ chủ tiệm vàng Vững Bắc (số 25, phố Ga, Đỗ Xá, Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội), giật chiếc dây chuyền bà đang đeo.

Lực lượng công an, ngay sau đó đã có mặt, phong toả hiện trường để điều tra làm rõ vụ việc, công bố tang vật, clip ghi lại quá trình gây án. Qua quá trình điều tra, nghi can gây ra vụ cướp dần lộ diện.

Đến tối 18/2, sau hơn hai ngày lẩn trốn, Nguyễn Hữu Dưỡng (SN 1985) quê ở xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, Thái Bình, đầu thú.

Ảnh minh họa

Sát thủ Lê Văn Luyện


Tháng 8/2011, xảy ra một vụ án giết người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang gây chấn động dư luận xã hội. Theo đó, sáng 24/8, ba người trong gia đình chủ tiệm vàng Ngọc Bích (địa chỉ số 45 phố Sàn, xã Phương Sơn, huyện Lục Nam, Bắc Giang) bị giết hại dã man, một lượng lớn vàng bị cướp. Chỉ duy nhất cháu Trịnh Thị Bích sống sót thần kỳ sau những vết chém dã man của hung thủ.

Cơ quan công an xác định và bắt giữ hung thủ vụ án là Lê Văn Luyện (sinh năm 1993) ở thôn Sơn Đình, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Sau hai phiên tòa xét xử, Lê Văn Luyện lĩnh 18 năm tù cho tội ác mình gây ra.

Truy sát đến cùng vì đâu?

Theo khai nhận của hai đối tượng trong vụ cướp tiệm vàng Kiệm Huyền, Toàn và Tính chạy tới cánh đồng thì bị đuổi kịp. Tình bị bắt. Trong khi đó, Toán đã rút dao đâm anh Lượng một nhát. Đâm xong, hung thủ trốn xuống mương nước gần đó, dùng lá phủ lên đầu nhưng không che được. Bị một người dung thanh gỗ đánh, Toán ngoi lên và dung dao đâm liên tiếp hai thanh niên truy đuổi.

Vì sao các đối tượng lại chọn việc cướp vàng và thường gây trọng tội trong những vụ án này?

Theo phân tích của Thượng tá, TS Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học- Học Viện Cảnh sát nhân dân, đối tượng phạm tội cướp bộc phát vì thiếu tiền, túng quẫn kiểu như Dưỡng ở Thường Tín không nhiều, đó là những đối tượng nhất thời phạm tội, do túng quẫn về kinh tế, do nợ nần, do làm ăn thua lỗ bí bách nên làm liều.

Chính vì vậy phương thức thủ đoạn phạm tội từ chuẩn bị gây án, đến khi thực hiện hành vi phạm tội và sau khi phạm tội không tinh vi như những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp không hiểu biết đầy đủ về pháp luật.

Nhưng, theo TS Nguyễn Minh Đức, suy nghĩ cho rằng nếu cướp trót lọt sẽ vừa có tiền để trả nợ mà chưa chắc Công an đã bắt được - đó là một sự mù quáng, bởi "lưới trời lồng lộng" bất kỳ một tội phạm nào đều bị Cơ quan điều tra không sớm thì muộn đều sẽ đưa ra ánh sáng và tất yếu họ sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.

Ảnh minh họa

Hung thủ Nguyễn Viết Toán 19 tuổi trong vụ giết người, cướp tiệm vàng Kiệm Huyền.


Do suy nghĩ như vậy, khi phạm tội thường ở trạng thái tâm lý vừa gây án vừa run, nên khi bị nạn nhân chống trả, đối tượng gây án sợ bị bắt, sợ bị bại lộ, sợ bị trả thù nên chúng ra tay sát hại chủ tài sản nhằm chống lại 3 cái sợ trên. Hành động giết người lúc này theo bản năng mà mất hết lý trí (hoảng loạn về tâm lý), do đó chúng đâm chém bừa để chiếm đoạt và tẩu thoát.

Ngoài ra còn lý do nữa vì quẫn bách cần có tiền, nên đường cùng chúng đã chọn cách thức cướp tài sản, động cơ mục đích thúc đẩy là phải chiếm đoạt bằng được tài sản, điều này thôi thúc mãnh liệt khi gây án và đương nhiên khi gặp sự kháng cự hoặc khó khống chế được chủ tài sản chúng sẵn sàng dùng sức mạnh nhằm làm tê liệt ý chí của chủ tài sản để chiếm đoạt.

Và đó chính là lý giải tại sao không phải "cộm cán" mà vẫn gây ra trọng án! Cái "sợ" trong sự sĩ diện hão của họ rất nguy hiểm, rất nhiều vụ đối tượng chỉ vào trộm con gà, cái nồi, nhưng bị chủ nhà phát hiện được, do "sợ" bị tố giác ra ngoài "xấu hổ" nên săn sàn giết chủ nhà để bịt đầu mối và từ việc chỉ bị xử phạt hành chính (thậm chí bỏ qua) về hành vi trộm, nhưng lại mang án dựa cột về hành vi giết người chỉ vì "xấu hổ" với hành vi trộm.

TS Nguyễn Minh Đức cho rằng, vấn đề tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật để mọi người hiểu biết pháp luật là vô cùng quan trọng, nội dung tuyên truyền cần chú trọng cả tình huống, khi một người "lỡ" vi phạm hãy dừng lại, pháp luật luôn khoan hồng với người đó, không ai "đánh kẻ chạy lại", đừng để cái "tôi sĩ hão" mà gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội (nỗi đau cho gia đình nạn nhân, sự tốn kém của cơ quan điều tra trong điều tra, truy tố) và bản thân bị xử lý nghiêm khắc, thậm chí bị tử hình (hậu quả gây ra rất lớn cho chính gia đình họ cả trước mắt và lâu dài - cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mồ côi bố hoặc ám ảnh bị sỉ nhục bởi người cha phạm trọng tội).

Theo Lam Nguyên
VnMedia