Tai họa bất ngờ và số phận bi đát của một cô giáo trẻ
(Dân trí) - Trung thu năm 2006 cũng là ngày đầu tiên cô giáo Xuân nhận học sinh lớp mới. Đúng lúc đó thì tai họa bất ngờ ập đến. Một người đàn ông đi xe máy với tốc độ cao đã đâm thẳng vào Xuân. Kể từ đó đến nay, cô giáo trẻ phải sống đời thực vật.
Cách đây mấy ngày, Văn phòng thường trú báo Dân trí tại Cần Thơ nhận được cuộc gọi da diết từ một người đàn ông. Ông này ôn tồn kể về hoàn cảnh bất hạnh của cô con gái. Trong cuộc điện thoại, giọng ông cứ ngắt quãng buồn bởi cách hành xử vô tâm của người đã gây ra tại nạn cho con gái ông.
Ông là Trần Cảnh Ngợi, ngụ ở ấp Hòa Quới A, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Khi chúng tôi đến nhà thăm ông, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là một cô gái khoảng 30 tuổi, đắp một tấm chăn mỏng, khuôn mặt vẫn còn lưu lại một vài nét của tuổi thanh xuân xinh đẹp nhưng thân hình gầy gò, nằm than khóc trên chiếc xe lăn, nhìn chúng tôi với cặp mắt vô thức.
Ông Ngợi kể, ngày 7/10/2006, con gái ông là chị Trần Hoàng Xuân (SN 1981) đang đứng ở lề trái của quốc lộ 61 chuẩn bị qua đường thì bị ông Đặng Văn Đạt điều khiển xe máy phóng nhanh, lấn qua lề trái tông mạnh vào. Hoàng Xuân bị thương tật rất nặng, đến 87%.
Ông Ngợi đưa con gái đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ rồi lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) điều trị trong thời gian 4 tháng. Ông dốc toàn bộ gia tài, tiền của và vay mượn thêm hết 530 triệu đồng chạy chữa cho Xuân nhưng cô con gái xinh đẹp của ông vẫn phải sống đời tàn phế.
Về phía người gây tai nạn là ông Đặng Văn Đạt đã hỗ trợ cho gia đình ông 2 lần, tổng cộng 28 triệu đồng rồi sau đó biệt vô âm tín, không đến thăm hỏi Xuân dù chỉ một lần. Quá bức xúc trước cách hành xử thiếu tình người của người gây tai nạn nhưng vì mải lo cho con nên đến gần 3 năm sau, tức ngày 2/10/2009, ông Ngợi mới viết đơn khởi kiện ông Đạt lên Tòa án Nhân dân huyện Phụng Hiệp.
Ngày 26/10/2011, Tòa án huyện Phụng Hiệp xử phiên sơ thẩm tuyên buộc ông Đặng Văn Đạt phải bồi thường cho Trần Hoàng Xuân 75 triệu đồng. Bản án cũng ghi rõ ông Đặng Văn Đạt phải chịu trách nhiệm bồi thường tiền chăm sóc, nuôi dưỡng chi phí hàng tháng là 1.165.000đ đến khi chị Xuân chết.
Đến ngày 8/11/2011, người đại diện cho chị Xuân là ông Trần Cảnh Ngợi có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm. Ngày 16/5/2012, Tòa án Nhân dân tỉnh Hậu Giang mở phiên xét xử phúc thẩm. Tại bản án số 57/2012/DS-PT xác định lỗi của ông Đặng Văn Đạt trong vụ tai nạn là 70%, vì vậy ông Đạt có trách nhiệm bồi thường cho chị Xuân 117 triệu đồng; ngoài ra kể từ ngày xét xử, ông Đạt phải bồi thường thiệt hại cho chị Xuân chi phí hàng tháng cho việc điều trị nuôi dưỡng là 1,6 triệu đồng, tới khi chị Xuân chết.
Sau đó, ngày 5/6/2012, ông Trần Cảnh Ngợi có đơn yêu cầu thi hành án gửi Cục Thi hành án dân sự huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên từ đó tới nay, việc thi hành án vẫn chìm trong im lặng, trong khi cô giáo trẻ Trần Hoàng Xuân bệnh ngày càng trở nặng, ngày ngày đau đớn trên chiếc xe lăn. Cũng trong 6 năm nay, ông Ngợi phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc chị Xuân nên hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.
Một người hàng xóm của cô giáo Xuân cho biết: Ông Đặng Văn Đạt cũng như gia đình ông biết rõ hoàn cảnh của người bị nạn rất éo le nhưng dường như họ quá vô tâm, coi như không có chuyện gì xảy ra, không có một lời an ủi. Người hàng xóm này cũng cho biết cô giáo Xuân trước đây vốn là một cô gái đẹp người tốt nết, được bạn bè đồng nghịệp quý mến, học trò tôn trọng thương yêu. Chỉ vì một phút không làm chủ tay lái của ông Đặng Văn Đạt mà người con gái trẻ ấy đã mất đi cả tương lai, đồng thời dồn lên vai ba mẹ Xuân một gánh nặng bi thảm.
Đã 6 năm nay, trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp của gia đình ông Ngợi, 2 người “đầu bạc” phải thường xuyên ở nhà thay nhau túc trực chăm sóc Xuân. Hôm PV tới nhà, chị Xuân lên cơn đau nên nằm khóc suốt buổi, chân tay teo tóp, tê liệt.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Hồng Thơ (vợ ông Đạt) có tới nhà cô giáo Xuân. Đến tiếp xúc với người bị nạn, bà Thơ cùng 2 công an địa phương chỉ ngồi ngoài hiên chứ không buồn vào nhà thăm hỏi nạn nhân một câu. Bà Thơ đặt lên bàn một bọc trái cây và 5 triệu đồng bảo là hỗ trợ cô giáo Xuân mua thuốc và yêu cầu gia đình phải viết giấy biên nhận. Ông Trần Cảnh Ngợi không không chấp nhận vì ông cho rằng đã làm từ thiện thì không đòi biên nhận, còn nếu bà Thơ đóng tiền thi hành án thì ông viết biên nhận. Bà Thơ nghe vậy thì cầm tiền bỏ ra về…
Cùng ngày, tại Bạc Liêu, PV Dân trí có cuộc trao đổi ông Đặng Văn Đạt là người đã gây ra tai nạn cho chị Xuân. Ông Đạt thừa nhận: "Đúng là cuối tháng 10/2006, khi chạy xe gắn máy, tôi có va chạm với một người phụ nữ. Tôi vẫn biết mình gây tai nạn cho cô ấy nên tôi đã khắc phục ngay sau khi xảy ra vụ việc 3 ngày là vay mượn người thân được 28 triệu đồng đưa cho gia đình cô giáo đó để hỗ trợ những ngày cô nằm viện. Do hoàn cảnh gia đình mình cũng khó khăn nên tôi cũng chỉ lo được đến chừng đó. Sau khi tòa án huyện Phụng Hiệp xử và buộc tôi phải bồi thường cho người bị nạn 104 triệu đồng. Đến phiên phúc thẩm, tòa án tỉnh Hậu Giang tuyên buộc tôi phải bồi thường 145 triệu đồng tôi cũng không kháng cáo".
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Thơ, vợ ông Đạt, thì nói: "Tôi không trả lời bất cứ câu hỏi nào của nhà báo đâu. Nếu nhà báo xuống, tôi sẵn sàng tiếp, mời vào nhà uống nước nhưng dứt khoát không trả lời bất cứ một câu hỏi nào. Nếu báo chí đưa tin về gia đình mà không được sự đồng ý của chúng tôi là không được, chúng tôi sẽ kiện. Riêng anh, đã xuống tới đây rồi thì tôi sẽ kể cho anh nghe nhưng với điều kiện không ghi chép gì cả, mấy tờ giấy anh ghi những chuyện anh Đạt kể, anh cho tôi xin lại".
Cũng theo bà Thơ, nhận thấy chồng mình cũng có phần nào trách nhiệm trong vụ tai nạn nên gia đình không kháng án, không chối bỏ trách nhiệm của mình đối với nạn nhân, nhưng "gia đình cô Xuân lại gây khó dễ cho gia đình tôi. Ngày 10/9 vừa qua, tôi đến nhà cô Xuân thăm và hỗ trợ cô 5 triệu đồng tiền thuốc men theo thiện chí. Anh Đạt lại nói số tiền 5 triệu này là vợ chồng tôi hỗ trợ cho cô Xuân chứ không phải là tiền thi hành án".
Tiếp xúc với cả hai gia đình hai bên, chúng tôi trộm nghĩ: Gia đình ông Đạt cũng có con gái đang tuổi thiếu nữ và vô cùng xinh đẹp. Nếu ông và bà Thơ đặt mình vào hoàn cảnh người làm cha làm mẹ, chứng kiến nỗi đau của gia đình ông Ngợi, thấu hiểu những mất mát lớn lao của cô giáo trẻ Trần Hoàng Xuân, có thể ông bà sẽ bớt vô cảm hơn chăng?
Phạm Tâm - Xuân Lương