Qua sông thèm một cây cầu

(Dân trí) - Con đò bến Lở, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa chòng chành, mong manh là phương tiện duy nhất để người dân nơi đây và gần 200 học sinh vượt sông Mã đến trường hàng ngày.

Tự chèo đò vượt sông đến trường

Chúng tôi đến bến đò Bến Lở khi trời đã quá trưa, giữa tiết trời giá rét mà không khỏi toát mồ hôi khi chứng kiến cảnh con đò cáp chòng chành chở đầy học sinh nặng nề vượt sóng, tìm đường sang bên kia sông.

Loay hoay xuống đò cùng các em, tôi buột miệng hỏi: “Có an toàn không?”. “An toàn làm sao được anh, anh nhìn là biết, đường xuống bến thì dốc, đi bộ còn khó, còn đẩy xe đạp lên thì quả là một cực hình. Người đi không quen không cẩn thận có mà lộn cổ xuống sông ấy chứ”, em Đặng văn Tú, học sinh lớp 11C6, trường THPT Cẩm Thủy 2 cho biết.
 
Qua sông thèm một cây cầu - 1
Con đường xuống bến đò dốc đứng

Hơn 100 học sinh lục đục kéo nhau xuống đò. Không ai bảo ai, đã như thông lệ, các em tự sắp xếp chỗ đứng, chỗ để xe đạp. Thấy tôi còn chần chừ, các em sốt ruột giục nhanh nhanh để các em còn qua sông kịp đi học. Loay hoay mãi không biết làm sao để đưa được chiếc xe máy xuống cái dốc thẳng đứng cho xe khỏi lao xuống sông, tôi đành nhờ 3 em giúp sức đưa chiếc xe máy lên đò.

Con đò nhỏ chở gần trăm học sinh, ba bốn người khách và mấy chục cái xe đạp, xe máy. Khi mọi người đã ổn định chỗ đứng, con đò từ từ quay đầu sang sông nhờ hai - ba em học sinh đang gồng mình chống chiếc sào cao gần 10m. Tôi băn khoăn: Chủ đò đâu mà các em phải tự chống đò? Hàng chục học sinh tranh nhau trả lời: Hôm nào mà chẳng vậy, chúng em về muộn quá chủ đò phải về ăn cơm, ai về thì tự lấy đò mà chống.

Đò đi được khoảng vài mét thì bất ngờ chao đảo. Cả mấy chục con người nhốn nháo, ôm ngực thót tim. Em Đặng Xuân Tuấn, học sinh lớp 12C2 trường PTTH Cẩm Thủy 2, than: “Nguy hiểm vậy đấy anh ạ! Mùa này nước cạn đò chở nặng quá thường xuyên đâm phải đá”.
 
Qua sông thèm một cây cầu - 2
Hàng chục em học sinh đánh liều tính mạng trên con đò nhỏ qua sông

Hồi hộp, lo âu, rồi con đò cũng từ từ cập bến. Gọi là bến nhưng thực chất là một bãi bùn lầy cách bờ gần 30m. Vì nước cạn đò không thể vào tận bến nên chủ đò phải làm cầu tre bắc vào. Nhìn cảnh các học sinh nhanh nhẹn xắn quần, tháo dép, nhảy xuống nước dắt xe, vội vàng cho kịp giờ học, mà nhói lòng.

Em Trương Thùy Trang, học sinh lớp 12C1, chia sẻ: “Những năm trước chúng em học buổi chiều nhưng sáng ăn cơm xong là đã phải chuẩn bị đi học cho kịp. Nhiều hôm nước to quá phải đạp ngược lên thị trấn rồi vòng xuống trường, cả đi cả về phải đến hơn 30km”.

Không chỉ học sinh mà khoảng 70% giáo viên là người ngoài xã cũng phải qua đò để đến trường dạy học.

Mong ước cây cầu nối đôi bờ sông

Xã Cẩm Yên nằm cách trung tâm huyện Cẩm thủy khoảng 19 km, có gần 4.000 nhân khẩu. Toàn xã có gần 200 em học sinh đang học cấp 3 ở xã ngoài.

Con đường đến trường tuy cách trở, nhưng thầy và trò trường THPT Cẩm Thủy 2 vẫn vượt khó đều đặn đến lớp. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Lộc, một chủ đò cho biết: “Hàng ngày tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để chở học sinh qua sông, mùa mưa thì lũ lụt ướt át, nhiều hôm có đò nhưng vẫn phải chịu bó tay đành để học sinh đi đường vòng vì đò quá bé không dám mạo hiểm qua sông”.
 
Qua sông thèm một cây cầu - 3
Lên đò đã vất vả, xuống đò còn vất vả hơn

Ông Quách Ngọc Trang, một người dân sống cạnh bến Lở cho biết: “Lũ về, nước sông đục ngầu, cuồn cuộn, đò không dám qua sông. Những hôm như thế, giáo viên, học sinh đến bến rồi trở về là chuyện bình thường”.

Ông Lộc buồn rầu cho biết thêm: “Năm 1995, ông cùng một số người quyên góp tiền mua con đò rồi hợp đồng với xã, nhưng những năm gần đây, người dân đi lại ít do đò quá xuống cấp, không có kinh phí để tu sửa, chỉ có học sinh qua đò thôi”.

Ông Lộc là người đã có 15 năm gắn bó với con đò bến Lở này. Cũng đã có biết bao thế hệ học sinh đến trường trên con đò của ông. Nhưng thời gian gần đây, đò xuống cấp, không đủ kinh phí để tu sửa, hơn nữa ông và những người trong tổ đò đã đề xuất lên trên xin hỗ trợ kinh phí nhưng hơn nửa năm qua chưa thấy hồi âm, nên ông đã quyết định từ bỏ cái nghề này.

Ông Trịnh Minh Thắng, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Yên cho biết: “Xã đã họp và đề nghị lên huyện xin kinh phí mua mới một con thuyền lớn hơn. Nhưng khi đã có đò rồi thì việc cấp kinh phí trả lương cho tổ đò là cả một vấn đề. Vì vậy số phận của những học sinh nơi đây cũng chòng chành như chính con đò bến Lở”.
 
Qua sông thèm một cây cầu - 4
Sau khi xuống đò, học sinh phải dắt bộ qua một đoạn sông nước cạn và bãi đất trống mới lên được bờ

Hằng năm, vào mùa nước cạn, mặt sông chỉ rộng hơn 100m, nhưng thuyền không vào gần bờ được do vướng vào các cồn cát, tổ đò phải bỏ hàng chục triệu đồng mua cọc tre và ván gỗ đóng thêm cầu tre để làm đường lên bến.

Nhiều người còn nhớ, vào năm 2009, do cầu nối từ bến lên đò xuống cấp, trời lại tối, em Nguyễn Văn An, học sinh lớp 10 trượt chân rơi xuống sông chết đuối. Trước đó năm 2007, hai người cũng lao xuống sông một được cứu sống, một bị chết đuối mà nguyên nhân cũng vì cầu xuống cấp.

Khi trời nhá nhem tối, chúng tôi bắt đầu rời bến Lở cũng bằng còn đó cáp chính tay ông Lộc chèo, khác với thời tiết buổi trưa, càng về tối, cái lạnh như xuyên thấu da thịt, những luồng gió cứ thổi thốc vào mạn thuyền. Vừa sang tới bến, hàng trăm em học sinh tranh nhau xuống đò.

Những ai đã một lần đến và đi trên con đò bến Lở, chỉ ước ao nơi này rồi đây sẽ có một cây cầu để hàng trăm em học sinh và người dân bớt khổ mỗi khi qua sông.

Hồ Điệp - Duy Tuyên