Nghệ An:

Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn

(Dân trí) - Trong đợt điền dã khảo sát di tích đầu xuân Nhâm Thìn tại địa bàn xã Nghi Hợp, Nghi Lộc, đoàn cán bộ thư viện tỉnh Nghệ An đã phát hiện 12 đạo sắc phong quý tại đền thờ Thái Bảo Nguyễn Kế Sài.

Trong số 12 đạo sắc phong này có 3 đạo từ thời Lê mang niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), còn lại là các đạo thời Nguyễn gồm: 1 đạo mang niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 5 (1824), 2 đạo mang niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 3 (1842), 2 đạo mang niên hiệu Tự Đức năm thứ 3 và thứ 6 (1849 & 1852), 1 đạo mang niên hiệu Thành Thái thứ 2 (1890) và 3 đạo mang niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (1924).

Sắc hình chữ nhật có kích thước 60x130cm. Giấy được làm bằng chất liệu tốt màu vàng đậm, có hoa văn Rồng mây rất tinh tế và rõ nét. Ở cuối mỗi đạo sắc là con dấu “Sắc mệnh chi bảo” khắc bằng chữ Triện được in ngay dưới niên hiệu nhà vua. Tất cả các đạo sắc phong đều được bảo quản tuyệt đối kỹ càng tại nhà thờ Thái Bảo Nguyễn Kế Sài. Do đó trải qua thời gian lâu năm nhưng những đạo sắc phong này vẫn còn tươi nguyên màu mới, chưa hề bị hư rách, kể cả quăn mép giấy. Có thể khẳng định đây là những sắc phong còn nguyên vẹn nhất so với các sắc phong mà chúng tôi đã sưu tầm được trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thái Bảo Nguyễn Kế Sài là con trai thứ 5 của Cương Quốc Công Nguyễn Xí và là một danh tướng của triều Lê trong lịch sử. Do có công lớn trong việc trung hưng triều Lê nên được tấn phong là Thái Bảo Thượng trụ quốc. Ông không những có công với triều Lê mà còn có công lớn trong việc chiêu mộ nhân dân khai phá và mở mang thêm nhiều vùng đất ven biển, lập nên nhiều làng xóm ở phía đông huyện Chân Phúc phủ Đức Quang cũ, nay là huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Vì công lao to lớn đó mà trải qua các triều đại ông đều ban tặng sắc phong chuẩn cho thờ phụng.

Sau khi tìm hiểu nội dung các đạo sắc thấy rằng ngoài các đạo sắc phong cho vị Thần chính được thờ là Thái bảo Huân quận công còn có các đạo sắc phong cho Thái úy An quốc công và vị Thành hoàng tại bản xã. Các sắc phong đều mang nội dung tặng thêm mỹ tự cho các vị thần được thờ tự. Dưới đây là sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng triều Lê năm thứ 44 (cách thời điểm hiện tại 229 năm) cho Thái bảo Nguyễn Kế Sài.

Phiên âm

Sắc Thái bảo Huân quận công gia phong Dực thánh Tế trị Hưng bình Tán chính Long công Mậu đức Dương uy Đại vương. Sơn xuyên anh dục, hà hải tú chung. Cao phối thiên, hậu phối địa, tham huyền thần trợ thuận chi cơ. Hách quyết thanh, trạc quyết linh, bảo xích đại trừ tai chi lực. Hiển tướng lịch chiêu tuấn liệt, vinh phong nghi bí long chương. Vi tự vương tiến phong vương vị, lâm cư chính phủ, lễ hữu đăng trật, tái phụng chuẩn gia triêm. Ứng gia phong mỹ tự nhị tự, khả gia phong: Thái bảo Huân quận công gia phong Dực thánh Tế trị Hưng bình Tán chính Long công Mậu đức Dương uy Hiển hựu Phổ tế Đại vương. Cố sắc!

Cảnh Hưng tứ thập tứ niên thất nguyệt nhị thập lục nhật (Sắc mệnh chi bảo).

Tạm dịch

Sắc cho Thái bảo Huân quận công (vốn được tặng phong là) Dực thánh Tế trị Hưng bình Tán chính Long công Mậu đức Dương uy Đại vương. Sông bể gồm thâu tinh tú, nước non hun đúc anh linh, cao sánh với trời, dày so cùng đất, anh thanh hiển hách, rỡ rỡ linh thiêng, đã nhuần thấu cơ trời màu nhiệm, lại kiêm gồm sức mạnh trừ tai.

Hiển ứng làm nên tuấn kiệt, tặng phong tỏ rõ điển chương. Vì tự vương đăng quang ngôi báu, ngự vào chính phủ, lễ có tăng cấp bậc, lại phụng chuẩn ban ơn, nên tặng thêm 2 chữ mỹ tự, đáng được tặng thêm là: Thái bảo Huân quận công gia phong Dực thánh Tế trị Hưng bình Tán chính Long công Mậu đức Dương uy Hiển hựu Phổ tế Đại vương. Cho nên ban sắc! Ngày 26 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783). Ấn Sắc mệnh chi bảo

Theo ông Nguyễn Đình Thái thì nhà thờ Thái Bảo Nguyễn Kế Sài được xây dựng từ rất lâu và những sắc phong này cũng được lưu trữ tại đây cũng trong khoảng thời gian đó. Đây là những di vật thiêng liêng của tổ tiên dòng họ nên phải được bảo quản cẩn thận, kĩ càng để tôn vinh công đức tổ tiên, nêu cao truyền thống dòng họ nhằm giáo dục con cháu những điều tốt đẹp cao cả.

Việc sưu tầm thêm được 12 sắc phong quý tại nhà thờ Thái Bảo Nguyễn Kế Sài là một đóng góp lớn cho Thư viện tỉnh Nghệ An trong việc biên soạn cuốn Sắc Phong Nghệ An trong thời gian tới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản quý báu này.
 
Dưới đây là 12 sắc phong thời Lê, Nguyễn do cán bộ thư viện tỉnh Nghệ An vừa mới phát hiện được:
 
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  - 1
Đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783) phong tặng thêm 2 mỹ tự “Hiển hựu Phổ tế” cho Thái bảo Nguyễn Kế Sài
  
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  - 2
Sắc phong niên hiệu Minh Mệnh triều Nuyễn.
 
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  - 3
Sắc phong niên hiệu Thiệu Trị.
 
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  - 4
Sắc phong niên hiệu Tự Đức
 
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  - 5
Sắc phong niên hiệu Thành Thái
 
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  - 6
Sắc phong niên hiệu Khải Định.
 
Phát hiện nhiều đạo sắc phong quý thời Lê, Nguyễn  - 7
Cán bộ thư viện tỉnh Nghệ An đang tìm hiểu các đạo sắc.

Trần Tử Quang - Hồ Mạnh Hà