TPHCM:

Ông “Tây” quậy tòa và từ chối luật sư vì “không bằng quốc tế”

(Dân trí) - Tại tòa phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nnaji David Ete tự ý nói lung tung, bất hợp tác với tòa và từ chối luật sư chỉ định vì “không phải luật sư quốc tế”. Trước đó, bị cáo này đã bị tuyên án tử hình tại tòa sơ thẩm.

Bị cáo gốc Phi “quậy” tòa

Ngày 17/8, TAND tối cao tại TPHCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nnaji David Ete (33 tuổi, quốc tịch Nigeria) và đồng bọn về tội "mua bán trái phép chất ma túy" theo kháng nghị tăng hình phạt của VKSND TPHCM và kháng cáo của 5 bị cáo.

Hầu tòa cùng với Nnaji David Ete còn có Phan Thị Thanh Lễ (31 tuổi, ngụ quận 1, TP HCM, vợ của Nnaji David Ete) và Đoàn Nguyễn Minh Châu (32 tuổi, ngụ quận 7, TP HCM), Chukwuma Obi Remy (39 tuổi, quốc tịch Nigeria), Okapor Peter Chuma (36 tuổi, quốc tịch Nigeria), Nnamdi Aghaji (33 tuổi, quốc tịch Nigeria) và Regina Whing Wiri (32 tuổi, quốc tịch Zimbabwe).
 
Ông “Tây” quậy tòa và từ chối luật sư vì “không bằng quốc tế” - 1
Bị cáo này liên tục "quậy" tòa, phía sau là vợ của bị cáo
 
Tại tòa phúc thẩm, khi HĐXX tiến hành phần thủ tục thì có bị cáo cho biết không nhận được kháng nghị của VKSND TPHCM, có bị cáo nói nhận được nhưng do bằng tiếng Việt nên không hiểu. Trong đó, bị cáo Nnaji David Ete (cầm đầu đường dây buôn bán ma túy, bị tòa án TPHCM tuyên tử hình) luôn tỏ ra bất hợp tác với HĐXX. Bị cáo này thích đứng thì đứng, thích ngồi thì ngồi và nói lung tung dù chưa được chủ tọa cho phép khiến chủ tọa phải nhắc nhở nhiều lần. Khi đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa phát biểu ý kiến về phần thủ tục, bị cáo này ngồi dưới nói át tiếng của công tố viên.
 
Không những thế, do Nnaji David Ete bị kết án tử hình nên HĐXX chỉ định luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TPHCM) bào chữa cho bị cáo này. Thế nhưng, Nnaji David Ete lại thẳng thừng từ chối vì cho rằng “luật sư này chỉ là của Việt Nam, không phải luật sư quốc tế”.

Sau khi hội ý, chủ tọa quyết định hoãn phiên tòa. Nếu trong lần xét xử tới, bị cáo Nnaji David Ete vẫn từ chối luật sư thì bị cáo này phải tự bào chữa, bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước HĐXX.

Thủ đoạn tinh vi của đường dây ma túy xuyên lục địa

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, năm 2004, Nnaji David Ete du lịch sang Việt Nam sau đó ở lại bất hợp pháp. Năm 2005, y kết hôn với Phan Thị Thanh Lễ. Từ năm 2006, Nnaji David Ete cùng vợ câu kết với nhiều đối tượng người Nigeria ở Việt Nam và người Nigeria ở Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Pakistan, Brazil… hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia. Chúng mua heroin từ Pakistan, Ấn Độ, Malaysia nhập về Việt Nam rồi sau đó thuê các “chân rết” vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.

Chúng sử dụng các chiêu thức rất tinh vi để giấu heroin nhằm quan mặt cơ quan chức năng Việt Nam. Theo đó, mỗi chuyến hàng, chúng ngụy trang ma túy trong sách từ điển, ép vào đáy valy, túi xách, ống tròn của hai đầu bức tranh, đường viền cổ thắt lưng và gấu áo, đế dép… Khi ma túy từ nước ngoài được tập kết tại TPHCM, vợ chồng Nnaji David Ete giao cho Đoàn Nguyễn Minh Châu và “chân rết” vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ.
 
Ông “Tây” quậy tòa và từ chối luật sư vì “không bằng quốc tế” - 2
Các đối tượng trong đường dây ma túy xuyên lục địa cực lớn tại tòa phúc thẩm

Chiều ngày 10/6/2009, tại cửa khẩu Hữu Nghị Lạng Sơn, tổ công tác Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Bộ Công an phối hợp với chi cục Hải quan và Đồn biên phòng cửa khẩu phát hiện Đoàn Nguyễn Minh Châu đang làm thủ tục xuất cảnh đi Trung Quốc có dấu hiệu vận chuyển trái phép chất ma túy. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện trong đế dép của Châu có chứa gần 400 gam heroin. Qua lời khai của Châu, đường dây buôn bán ma túy xuyên lục địa và ông trùm của nó đã bị bóc trần.

Tại cơ quan điều tra, Nnaji David Ete khai, với thủ đoạn trên, từ năm 2006 đến năm 2009, đường dây này đã mua bán trái phép số ma túy lên tới 11.340 gam. Nhưng theo cơ quan điều tra, thực tế, lượng ma túy mà người này đã mua bán trót lọt còn nhiều hơn nữa. Trong số các đồng phạm tham gia đường dây này, Phan Thị Thanh Lễ tham gia khá tích cực khi có mặt tại hầu hết các chuyến hàng của chồng với tổng số ma túy mua bán trái phép 8.641 gam. Kế đến là Đoàn Nguyễn Minh Châu, đối tượng vận chuyển thuê cho Nnaji David Ete 5.741 gam ma túy. Được biết, đây là đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia lớn nhất với nhiều đối tượng nước ngoài tham gia mà công an triệt phá được.

Ngày 24/4, TAND TPHCM đã tuyên phạt Nnaji David Ete mức án tử hình; Phan Thị Thanh Lễ và Đoàn Nguyễn Minh Châu cùng mức án tù chung thân về tội "mua bán trái phép chất ma túy". 4 bị cáo còn lại gồm Chukwuma Obi Remy, Okapor Peter Chuma, Nnamdi Aghaji và Regina Whing Wiri cũng bị phạt từ 15 đến 20 năm tù.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm