Những con “sóng” chứng khoán ấn tượng nhất 2010

(Dân trí) - Trong năm 2010, nhiều cổ phiếu đã có những quãng thời gian tăng giá “phi mã”, giá cổ phiếu tăng từ 5 - 7 lần. Điển hình trong số đó là MKV, VE9, PVA...

Những con “sóng” chứng khoán ấn tượng nhất 2010 - 1
Chứng khoán 2010 với những cơn sóng chóng tàn.
 
Một số cổ phiếu đã có quãng thời gian tăng giá ấn tượng trong năm 2010. Bên cạnh một số mã tăng giá nhờ có thông tin hỗ trợ thì cũng không ít mã tăng giá dù không có bất kỳ thông tin gì.

Phần lớn các mã tăng giá mạnh thì cũng sẽ giảm mạnh sau khi kết thúc quá trình tăng giá, thậm chí có những mã còn về thấp hơn mức giá trước khi xuất phát.

Thông tin về giá cổ phiếu được nêu dưới đây đều là giá đã được điều chỉnh kỹ thuật nếu có chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, bán ưu đãi.

MKV - CTCP Dược thú ý Cai Lậy (Mekovet): tăng 600%

Từ tháng 1 đến tháng 3, giá MKV chỉ loanh quanh ở mức 10 - 11.000 đồng/cổ phiếu.

Từ tháng 4 đến tháng 6, MKV tăng giá dần dần từ lên mức 25.000 đồng/cp

Từ tháng 7 đến giữa tháng 8 là thời gian cổ phiếu này tăng phi mã, đạt mức cao nhất là 77.000 đồng vào ngày 20/8. So với mức thấp nhất của năm, MKV đã tăng tới 7 lần.

Sau khi lình xình đến đầu tháng 10, MKV đã giảm sàn liên tục từ ngày 6/10 đến ngày 27/12. Trong quãng thời gian này, MKV hoặc giảm sàn (16 phiên) hoặc không có giao dịch, giá giảm từ mức 66.500 xuống 19.900 đồng.

MKV hiện là một trong những cổ phiếu có vốn điều lệ bé nhất thị trường, với chỉ 10,6 tỷ đồng.

VE9 - CTCP Xây dựng điện VNECO 9: tăng 600%

Giống như MKV, giá VE9 chỉ dao động quanh mức 9.000 đồng (giá đã điều chỉnh). Từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 5, cổ phiếu này có đợt tăng giá đầu tiên, tiến lên mức 24.000 đồng.

Sau đó, từ mức 23.000 đồng vào ngày 3/6, VE9 tăng trần liên tục lên mức 64.200 đồng vào ngày 25/6.

Kết thúc sóng tăng giá, VE9 không giảm ngay mà giảm từ từ, giai đoạn giảm mạnh nhất là từ tháng 9 đến đầu tháng 11. Mức giá thấp nhất là 17.200 đồng, sau đó, VE9 có đợt phục hồi mạnh trở lại mức 31.000 đồng.

PVA - CTCP Xây dựng Dầu khí Nghệ An: tăng 500%

Tháng 12/2009, PVA chỉ dao động quanh mức giá 20.000 đồng, tuy nhiên, đến tháng 4/2010, cổ phiếu này đã đạt mức xấp xỉ 120.000 đồng.

Sau đó, cổ phiếu này giảm một mạch về 60.000 đồng và tiếp tục có một đợt giảm nữa về mức 40.000 đồng.

SHN - CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic): tăng 440%

Trong năm qua SHN có 2 đợt tăng giá mạnh: Đợt thứ nhất từ tháng Ba tới tháng Năm, cổ phiếu này tăng từ 7.500 lên 28.100 đồng, tăng 3,74 lần.

Sau đó là đợt tăng trong tháng Bảy từ 17.800 lên 41.000 đồng, tăng 2,3 lần. Tính chung cả 2 đợt, giá SHN đã tăng 5,4 lần.

Giữa tháng 11, SHN giảm về còn 13.000 đồng, sau đó đã tăng trở lại lên 22.000 đồng.

SRA - CTCP Sara: tăng 400%

Từ tháng 11/2009 cho tới đầu tháng 3/2010, giá SRA chỉ loanh quanh mệnh giá. Sau đó, cổ phiếu này đã phi một mạch lên sát mức 50.000 đồng trong tháng 6.

Kết thúc sóng tăng giá này, SRA giảm về dưới mức 20.000 đồng, sau đó lại ngay lập tức bước vào một sóng khác, trở lại trên 30.000 đồng. Kết thúc năm, cổ phiếu này ở mức 20.000 đồng.

LTC - CTCP Điện nhẹ Viễn thông: tăng 350%

Trong những tháng đầu năm, LTC chỉ dao động quanh mức 20.000 đồng. Từ đầu tháng Tư, cổ phiếu này bắt đầu hành trình tăng giá liên tục cho đến cuối tháng 9, đạt mức cao nhất là 94.500 đồng vào ngày 24/9 - tăng 4,5 lần so với khi bắt đầu chuỗi ngày tăng giá.

Sau đó, giá LTC giảm liên tục về mức thấp nhất là 18.600 đồng vào ngày 16/11. Tuy vậy, trong tháng 12, cổ phiếu này cũng phục hồi gần 50%, kết thúc năm ở mức 27.700 đồng.

SRB - CTCP Sara Việt Nam: 314%

Trong quý 1, giá SRB chỉ xoay quanh mức 7.000 đồng (SRB không có điều chỉnh giá trong năm).

Sau ra chặng tăng giá, cổ phiếu này đạt mức cao nhất là 29.000 đồng vào ngày 23/7, tương ứng tăng 314% so với đầu năm.

Sau khi lập đỉnh, giá SRB giảm một mạch về 11.500 đồng vào thời điểm cuối tháng 8 rồi lại phục hồi hơn 50% lên 18.000 đồng.

SSM - CTCP Chế tạo Kết cấu Thép VNECO.SSM: tăng 270%

Sóng tăng giá của SSM kéo dài từ giữa tháng 12/2009 đến giữa tháng 3/2010, giá tăng từ 14.300 lên mức cao nhất là 52.600 đồng, tương ứng tăng 270%.

Sau đó, cổ phiếu này có nhiều lần trồi sụt trong năm, tuy nhiên đáy sau thấp hơn đáy trước. Mức thấp nhất là 14.600 đồng vào ngày 16/11, sau đó kết thúc năm ở mức 20.000 đồng.

TBX - CTCP Xi măng Thái Bình: tăng 260%

Có thể khẳng định TBX là có trend tăng giá dài nhất khi tăng liên tục từ giữa tháng 12/2009 đến giữa tháng 12/2010, từ 14.600 lên 52.500 đồng. Trong đó, có 2 giai đoạn bứt phá là trong tháng 9 và tháng 11.

Giống MKV, TBX là một trong những mã có lượng lưu hành thuộc loại thấp nhất thị trường.

ECI - CTCP Bản đồ và Tranh ảnh giáo dục (Ecico): tăng 250%

Trong năm qua, các cổ phiếu “họ sách” không gây được nhiều chú ý khi kết quả kinh doanh không có nhiều nổi bật. Tuy nhiên, ECI lại có một hành trình tăng ấn tượng từ mức 10.000 đồng hồi đầu năm lên 35.200 đồng vào cuối tháng 9.

Sau đó, cổ phiếu này trở về mức 12-13.000 đồng.

HHC - CTCP Bánh kẹo Hải Hà: tăng 240%

Mức thấp nhất trong năm của HHC là 20.300 đồng (ngày 21/1). Cổ phiếu này đi ngang đến đầu tháng 3 rồi tăng vọt lên 66.800 đồng vào ngày 29/4.

Sau vài tháng lình xình, HHC lại một lần nữa tăng từ 52.500 lên 69.300 đồng. Sau đợt tăng này thì HHC lại rơi về 35.000 đồng, kết thúc năm ở 27.000 đồng.

VTV - CTCP Vật tư Vận tải Xi măng: 225%

Từ mức 20.000 đồng vào giữa tháng 12/2009, VTV đã tăng gấp đôi lên 40.000 đồng vào tháng 2/2010.

Sau đó, cổ phiếu này có quãng thời gian tăng “dựng đứng” từ 9/3-19/3, đạt mức cao nhất là 65.000 đồng. VTV kết thúc năm ở quanh mức 15.000 đồng.

HTV - CTCP Vận tải Hà Tiên: tăng 193%

Từ đầu năm cho đến tháng tháng 6, HTV không có nhiều biến động, giá dao động nhẹ trong khoảng từ 16-18.000 đồng.

Từ giữa tháng 6 đến 13/9, giá HTV đã bứt phá từ 16.000 lên 46.900 đồng.

Từ  1 - 25/10, cổ phiếu này đã giảm sàn 17 phiên liên tiếp xuống 18.200 đồng và sau đó tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất là 12.600 đồng.

PGS - CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng Miền Nam: tăng 170%

Từ cuối tháng 5 cho đến đầu tháng 9, giá PGS tăng hơn 170% từ mức 13.000 lên 35.000 đồng.

Sau khi tăng lên mức này thì PGS lại mất gần ½ giá trị, xuống còn 24.000 đồng.

Cuối tháng 11, trong xu hướng tăng của thị trường, PGS lại tăng gần gấp đôi từ 17.000 lên 31.000 đồng.

Ngoài các mã trên, còn hàng chục mã khác với các tăng từ 150 - 170% như VSP, VHG, ALP, AAA, CTC, C92, HLG, PVC, PVE, AMV…

KAL