Những bất ổn từ việc thu phí cao tốc “trên trời”

Giả sử đề xuất thu phí bao vây trên Quốc lộ 1A cũng được chấp nhận. Khi đó, mức phí sử dụng đường cao tốc phải được tính lại cho hợp lý...

Nếu không, việc ấn định mức phí trên trời có thể được phân tích ở góc độ pháp luật cạnh tranh, thành hành vi lạm dụng vị thế độc quyền để ép uổng người tiêu dùng theo một giao kèo không bình đẳng, nghĩa là không hợp pháp.

 

Tránh nộp phí quá cao, rất nhiều xe lưu thông trên tuyến TPHCM nối các tỉnh miền Tây trở lại với Quốc lộ 1A cũ kỹ, thay vì đi trên đường cao tốc. Sự lựa chọn của lái xe là bất đắc dĩ: đi đường cũ nhỏ hẹp, chen chúc hơn và, do đó, chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn; nhưng bù lại, họ không phải mất một khoản tiền lớn.

 

Nhà khai thác tuyến đường cao tốc không chịu thua, đề xuất cơ quan thẩm quyền cho lập trạm thu phí trên Quốc lộ 1A. Thực ra thu phí sử dụng đường công cộng là điều rất bình thường, ai cũng hiểu, cũng chấp nhận. Có điều việc đề xuất thu phí trong trường hợp này ít nhiều mang ý nghĩa bủa vây. Nhiều người ví cách ứng xử của nhà khai thác đường cao tốc đối với các lái xe (đúng hơn là chủ xe) như cách “con mèo đi tìm bắt con chuột”: phải làm sao chặn hết mọi ngóc ngách ra vào, để chuột có mà chạy đàng trời cũng không thoát khỏi tay mèo.

 

Mà đúng là trông hai bên chẳng khác “mèo và chuột” trong một cuộc rượt đuổi không cân sức. Nhà khai thác luôn ứng xử trong tư thế của kẻ mạnh, đồng thời cho thấy mình có các khả năng, phương tiện trong tay để đạt được điều mình mong muốn; bằng chứng là họ đang nắm một biểu thu phí đã được nhà chức trách có thẩm quyền phê duyệt, nghĩa là hợp lệ, với tất cả các mức phí đều vượt xa mặt bằng hiện tại, thậm chí còn cao hơn mức thu áp dụng cho dịch vụ đường cao tốc ở các nước trong khu vực.

 

Những bất ổn từ việc thu phí cao tốc “trên trời”

Thu phí tại đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Ảnh: D.Đ.Minh
 

 

Về phần mình, các chủ xe chỉ biết phản ứng rất bị động bằng cách tránh đương đầu, đôi co, chấp nhận đi đường hẹp, chật chội, để được yên thân. Nhưng rồi họ cũng đâu có được yên: nếu đề xuất lập trạm thu phí trên Quốc lộ 1A được chấp thuận, thì bác tài chẳng còn sự lựa chọn nào hợp với mong muốn của mình.

 

Rõ ràng có gì đó không ổn trong mối quan hệ giữa hai bên: một bên luôn có điều kiện buộc bên kia phải làm theo ý mình, dù ai cũng thấy đòi hỏi ấy là quá đáng. Đối với người yêu chuộng công lý, lẽ phải, kiểu quan hệ ấy rất bất bình đẳng, bất công và khó có thể được chấp nhận.

 

Theo các phương tiện truyền thông thì để lý giải mức thu phí cao bất thường, nhà khai thác viện dẫn chi phí xây dựng cao, vượt xa dự toán ban đầu. Chuyện chi phí xây dựng thực tế bị đội lên cao ngất là có thật. Nhưng nếu có thể lấy lý do đó để  ấn định mức phí cao ngất, thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhà khai thác bắt các chủ xe, rốt cuộc là người dân, phải gánh chịu thay cho mình các hậu quả của những tính toán sai lầm hoặc của sự quản lý yếu kém hoặc cả hai. Trong khi đó,  người dân chắc chắn không phải là người gây ra thất thoát, lãng phí trong quá trình hình thành công trình, dù là gián tiếp, và không hề có lỗi trong việc này.

 

Ở một góc nhìn nào đó, nhà khai thác và chủ xe còn được coi là các bên giao tiếp trong khuôn khổ hoạt động cung ứng và thụ hưởng dịch vụ; nhà khai thác là người cung ứng chuyên nghiệp, còn chủ xe là người tiêu dùng. Trong hoàn cảnh đó, nhà khai thác bị ràng buộc bởi một cam kết vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính đạo đức, về việc cung ứng cho chủ xe các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng với giá cả hợp lý.

 

Do cam kết đó mà trong trường hợp giá thành sản xuất, dịch vụ bị đội lên cao, thì nhà khai thác phải tự mình bù đắp các khoản lỗ để vẫn có thể đề nghị một giá bán chấp nhận được với người tiêu dùng. Nếu mỗi khi lỗ, người ta có thể thoải mái tăng giá bán, nói nôm na là thoải mái móc túi người tiêu dùng, để bù lại, thì chắc chắn tất cả các nhà kinh doanh sẽ chọn cách bù lỗ này, bởi đó là kiểu ứng xử dễ nhất và đơn giản nhất.

 

Giả sử đề xuất thu phí bao vây trên Quốc lộ 1A cũng được chấp nhận. Khi đó, mức phí sử dụng đường cao tốc phải được tính lại cho hợp lý; nếu không, việc ấn định mức phí trên trời có thể được phân tích ở góc độ pháp luật cạnh tranh, thành hành vi lạm dụng vị thế độc quyền để ép uổng người tiêu dùng theo một giao kèo không bình đẳng, nghĩa là không hợp pháp.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện

Vietnamnet