“Mẹ bảo Tết không phải của nhà mình...”

(Dân trí) - Cuối năm, học sinh khắp nơi được nghỉ Tết, được vui chơi, được mua quần áo mới... Nhưng ở đâu đó trên nẻo đường, góc chợ lại có những dáng hình nhỏ bé gấp gáp mưu sinh trước khi Tết ào đến.

“Mẹ bảo Tết không phải của nhà mình...” - 1
Đã hơn 9 giờ sáng nhưng hai chị em Thúy vẫn chưa có gì lót dạ, chổi bán được thì ít, chổi còn lại thì nhiều.

Những đứa trẻ này dường như đã “chai lỳ” với khái niệm mua sắm đồ mới, vui chơi đón tết. Thứ các em quan tâm nhất là làm sao bán được nhiều rau hơn, nhiều bó lạt hơn, nhặt được nhiều ve chai hơn… để kiếm được nhiều tiền hơn về phụ giúp gia đình.
“Mẹ bảo Tết không phải của nhà mình...” - 2
Với các em quần áo mới hay món ăn ngon là thứ khá "xa xỉ"

Đã 9 giờ sáng, mà trong bụng hai chị em Nguyễn Thị Diệu Thúy (học lớp 8) và Nguyễn Đặng Phương Trường (học lớp 5), vẫn chưa có gì lót dạ. Các em vẫn đứng bên đống chổi đót chờ người đến mua trong tâm trạng lo buồn vì từ sáng đến giờ vẫn chưa bán được cái chổi nào. Thúy cho biết, nhà ở tận phường Yên Thế, TP.Pleiku, mấy ngày nay, Thúy phải đạp xe chở chổi đót và em trai với đoạn đường cách nhà chừng 10km để bán chổi.
“Mẹ bảo Tết không phải của nhà mình...” - 3
Niềm vui lớn nhất là bán rau kiếm được tiền mang về cho mẹ mua gạo

Để kịp giờ ra chợ, hai chị em phải xuất phát từ 6 giờ sáng với cái bụng trống rỗng. Vì cuộc sống vất vả nên trông Thúy và em trai gầy ốm, thân hình nhỏ hơn rất nhiều so với cái tuổi của mình. Thúy cho biết, gia đình em có 6 anh chị em, những ngày này cha mẹ Thúy ở nhà làm chổi còn Thúy và em trai đi ra chợ bán. Và mong ước lớn nhất của hai chị em trong những ngày cuối năm này là bán được thật nhiều chổi để có tiền mang về cho cha mẹ mua gạo ăn.
“Mẹ bảo Tết không phải của nhà mình...” - 4
Khắp đường phố Pleiku có rất nhiều trẻ em J'Rai và Bahnar mưu sinh bằng gùi rau Tết

“Mỗi cái chổi em bán 30 nghìn đồng, nhưng từ sáng đến giờ chúng em vẫn chưa bán được cái nào cả. Cả hai chị em đều đã đói bụng vì phải đứng nắng để bán chổi, nhưng phải mãi đến trưa chúng em mới đạp xe về nhà để ăn cơm. Bọn em chỉ ước bán được hết chổi để có thật nhiều tiền mang về cho mẹ mua gạo”, Thúy tâm sự.

 
“Mẹ bảo Tết không phải của nhà mình...” - 5
Một cô bé bán lạt ngượng ngùng dấu mặt khi thấy ống kính máy ảnh xuất hiện

Cùng chung hoàn cảnh như chị em Thúy, những em bé người J’rai và Bahnar, dù đang còn rất nhỏ tuổi nhưng trên lưng đã phải đeo những gùi rau, gùi hàng lang thang khắp các con phố để bán.

 
“Mẹ bảo Tết không phải của nhà mình...” - 6
Dù mới lên 10 tuổi nhưng đôi vai của em đã phải vững chắc để gùi hàng, bước chân không biết mỏi vì ngày nào cũng lang thang trên phố bán hoa lan

Năm nay mới lên 7 tuổi, nhưng bé H’Lan, đến từ làng Pleiop, TP.Pleiku đã phải dậy từ 5 giờ sáng, chuẩn bị sửa soạn gùi rau để ra trung tâm thành phố bán. Mỗi buổi sáng, H’Lan phải đi bộ 5km để ra trung tâm thành phố, H’Lan và mẹ không ngồi chợ để bán mà hai mẹ con vai đeo gùi, tay cầm những bó rau xanh ngon đi khắp các con phố để bán dạo. H’Lan cho biết, dù chưa ăn sáng, mỗi ngày đều đi khắp nơi để bán rau nhưng em không thấy mỏi chân vì với em đi bộ là chuyện quá quen thuộc rồi.

 
“Mẹ bảo Tết không phải của nhà mình...” - 7
Với các em khái niệm Tết vẫn rất xa vời

Vai đeo gùi hoa phong lan, tay xách giỏ lan rừng đẹp nhất, cô bé H’ríu lang thang khắp nẻo đường để bán hoa. Năm nay mới lên 10 tuổi, nhưng những bước chân của H’Ríu dường như đã rất thân thuộc với các đường phố ở Pleiku. H’Ríu cho biết, em sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, H’Ríu là con thứ 2 trong gia đình và đã phải bỏ học sớm để đi bán lan rừng gần 2 năm nay. Vất vả là vậy nhưng sáng nào H’Ríu cũng phải vác bụng đói đi bán phong lan.

“Em đi bán về đưa tiền cho mẹ, mẹ mua gạo ăn cho cả nhà. Mẹ nói Tết không phải Tết của nhà mình, mình nghèo mình có gạo ăn là vui rồi”, H’Ríu ngậm ngùi nói.

Thiên Thư