“Hành trình” của cây cầu thứ 5 mang tên “Khuyến học và Dân trí”
(Dân trí) - Người dân thôn Phú Mưa chưa bao giờ được hưởng niềm vui như thế, khi cây cầu mang tên “Khuyến học và Dân trí” nối đôi bờ sông R’lang đã chính thức được khánh thành.
Giờ đây thôn Phú Mưa đã không còn bị cách biệt với bên ngoài, đã hết cảnh lội nước băng sông mỗi khi mùa lũ đến, cây cầu sẽ đem lại ấm no hạnh phúc cho dân làng…
Cây cầu bắt qua sông R'Lang
Gặp lại em ALăng Thị Tâm (học sinh lớp 6/2 trường THCS Lê Văn Tám) đi trên cây cầu mới còn thơm mùi sơn, hỏi em có vui không khi cây cầu đã được đưa vào sử dụng để các em đi học. Em cứ cười bẽn lẽn và không nói được lời nào, một lúc sau em ù té chạy vào trong thôn theo chúng bạn.
Còn nhớ cách đây một năm khi cây cầu Khuyến học và Dân trí được khởi công, em ALăng Thị Tâm là một trong số 45 em học sinh ở đây được nhận quà và học bổng của Quỹ Khuyến học Việt Nam và báo Dân trí. Sau khi kỳ nghỉ hè này, em sẽ được học lên lớp 7 và quan trọng nhất là từ nay, em đi học sẽ không còn cảnh lội sông mỗi khi đến trường nữa.
Cầu mang tên Khuyến học và Dân trí
Trên cây cầu mới hoàn thành này, chúng tôi gặp lại những khuôn mặt rất thân quen của thôn Phú Mưa như Trưởng thôn ALăng Chô, Bí thư thôn ALăng Báy, anh Bh’nướch Pát… Đây là những người mà mỗi khi có dịp ghé qua bờ sông R’Lang này, chúng tôi đều gặp họ và mong mỏi lớn nhất của cuộc đời họ là có được cây cầu để học sinh trong thôn không phải bơi qua sông đến trường.
Ngược lại thời gian, tháng 10/2010, báo Dân trí đã phản ảnh bài viết “Thót tim cảnh phụ huynh lội sông đưa trẻ đến trường”, bài viết phản ảnh về các em học sinh thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, Đông Giang, Quảng Nam) mỗi khi đến trường phải được bố mẹ cõng, nếu không dòng sông hung dữ có thể cuốn trôi các em.
Cảnh lội sông của các em học sinh thôn Phú Mưa trước đây
Bài viết trên đã gây xúc động mạnh đối với đông đảo bạn đọc, hàng trăm ý kiến của bạn đọc phản hồi và sẵn sàng góp sức để xây cầu cho các em đến trường. Sau đó Ban biên tập báo Dân trí phát động sự ủng hộ của bạn trong cả nước và nước ngoài để xây cầu cho các em, và đến tháng 4/2011, tổng số tiền bạn đọc ủng hộ được gần 500 triệu đồng. Cây cầu chính thức được khởi công.
Để chuẩn bị khánh thành cầu, người dân thôn Phú Mưa tổ chức cúng Giàng
Để đón chào ngày khánh thành cầu Khuyến học và Dân trí vào ngày 24/6, trước đó theo phong tục người dân thôn Phú mưa đã sửa sang lại nhà Gươll, chuẩn bị lễ vật để cúng Giàng và báo tin vui mừng với tổ tiên làng bản. Các già làng quay quần bên ché rượu cần, các nam nữ Cơ tu rộn ràng trong điệu múa truyền thống tung tung za zá... Cả làng bản như bừng lên niềm vui khi cây cầu Khuyến học và Dân trí được chính thức khánh thành.
Người dân nhảy múa điệu tung tung za zá mừng cây cầu khánh thành
Từ sáng sớm, người dân các bản làng xung quanh đã kéo đến dự lễ khánh thành chia vui cùng người dân thôn Phú Mưa. Vui mừng nhất có lẽ là các em học sinh, kể từ này các em sẽ được chạy xe đạp bon bon trên chiếc cầu, năm học mới này các em sẽ đến trường trên cây cầu này, sẽ không còn cảnh lội nước băng sông hay phải nghỉ học cả tuần khi mùa lũ tràn về.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã đến dự lễ khánh thành và để được đi trên cây cầu mới
Em BRíu Thị Lang (thôn Phú Mưa, học sinh lớp 7/2, trường THCS Lê Văn Tám) chia sẻ: “Em và các bạn trong làng vui lắm! Chúng em không còn sợ phải nghỉ học khi mùa lũ tràn về vì đã có cây cầu này rồi, từ nay các em sẽ đi học chuyên cần và cố gắng để đền đáp công ơn của những tấm lòng nhân ái quan tâm đến các em và dân làng thôn Phú Mưa”.
Các A mế (mẹ) địu con dự lễ khánh thành cầu
Ông ALăng Chô, trưởng thôn Phú Mưa xúc động tâm sự: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền, cảm ơn báo Khuyến học và Dân trí đã cho dân bản thôn Phú Mưa chúng tôi một cây cầu để đi lại làm ăn kinh tế, cho con em chúng tôi đến trường trên cây cầu này mà không cần phải lội sông đi học nữa”.
Thôn Phú Mưa có 26 hộ dân với 110 nhân khẩu nhưng lại nằm sâu trong đồi núi, muốn ra con đường chính thì phải băng qua con sông R’Lang. “Nghe tin hôm nay khánh thành cây cầu mới, mỗi hộ dân chúng tôi dù nghèo khó nhưng vẫn cố gắng đóng góp mỗi hộ một ít cộng thêm xã Jơ Ngây ủng hộ 3 triệu để giúp chúng tôi mua một con bò về làm lễ cúng thần linh. Vui lắm các anh à”, ông ALăng Chô vui mừng cho biết.
Trưởng thôn ALăng Chô cũng tâm sự, từ nay các cháu nhỏ sẽ không còn khổ cực bơi qua sông như trước nữa. Mong rằng, các cháu sẽ học tập thật tốt, còn các thanh niên trai, gái trong làng sẽ ra ngoài học tập, làm ăn góp phần tạo nên cuộc sống no đủ cho bản thân và cho buôn làng”.
TBT báo Dân trí – nhà báo Phạm Huy Hoàn tặng quà đến các em học sinh nghèo học giỏi
Gặp lại già làng A Lăng Chúc đi trên cây cầu mới, ông phấn khởi nói: “Dân làng chúng tôi vui mừng lắm! Điều mong chờ của dân làng cũng đã tới, con em của dân làng sẽ không bơi sông đi học nữa. Cảm ơn Nhà nước, cảm ơn các cán bộ ở xuôi đã xây cho dân làng chúng tôi cây cầu.”
Niềm vui của các em học sinh Cơ tu được nhận quà trong ngày khánh thành cầu
Nhiều học sinh ở đây bày bỏ tấm lòng của mình khi cây cầu đã hoàn thành. Em ARất Thị Quỳnh, học sinh lớp 4, trường tiểu học Jơ Ngây vui mừng nói: “Em rất sung sướng vì từ nay chúng em không còn phải lội suối đi học nữa. Lúc trước nhiều lần đi học bọn em đều bị ướt áo quần, còn khi có mưa to thì bọn em sợ bị trôi, không đi học vì nước sông chảy xiết lắm. Bây giờ có cầu rồi thì mưa to đến mấy bọn em cũng đều đi học được, bọn em vui lắm”.
Các đại biểu cắt băng khánh thành cầu
Còn em BRước Thị Henry, học sinh lớp 4 trường tiểu học Jơ Ngây thỏ thẻ: “Em vui lắm vì không phải lội suối đi học nữa. Trước đây, nước lớn thì không đi học được, giờ thì mưa lũ gì cũng đi được. Em sẽ cố gắng học thật chăm, thật giỏi”.
Ngày khánh thành cầu, chị BNướch Thị Henky cứ nhìn đăm đăm về phía cây câu và nói với chúng tôi: “Rứa là mong ước có một cây cầu của người dân Phú Mưa đã trở thành hiện thực. Năm ngoái khi chưa có cầu thì người dân thường hay bị trôi sông mỗi khi có mưa lớn, giờ có cầu rồi mưa to, lũ lớn đến mấy cũng không sợ nữa.”
Chị Henky kể có nhiều lần, người dân ở đây qua suối gặp mưa to thì trôi xuống dưới cả trăm mét, cũng may ở đây ai cũng biết bơi nên không ai bị nước cuốn trôi đi luôn. Chị cũng tâm sự, tội nhất là các em học sinh ở đây đi học. Mùa mưa thì phải làm bè kéo qua sông, còn mùa khô thì người lớn cõng từng em một qua bên kia sông đi học. Vất vả thế nhưng dân làng ở đây không để các em bỏ học mà kiên trì đưa các em đến trường để được học cái chữ để sau này đỡ vất vả.
Các em học sinh vui mừng đạp xe trên cầu mới
Chúng tôi cũng gặp lại anh A Lăng Quang (30 tuổi, thôn Phú Mưa), người mà mỗi lẫn đến đây đều được anh trò chuyện và mong ước của anh cũng như tất cả mọi người ở đây là có được cây cầu. Nay cây cầu mơ ước đã có rồi, khi cầu được cắt băng, anh dắt vợ và hai đứa con nhỏ đi trên cây cầu mới cho “sướng cái chân”.
Anh phấn khởi nói: “Vui mừng quá, hạnh phúc quá. Thế là chúng tôi không phải bơi, lội qua suối để đi làm hay lên huyện. Con cái chúng tôi có thể đi học an toàn trên cây cầu mới. Cứ nghĩ tới ngày trước không có cầu, người dân và trẻ em chúng tôi sợ lắm. Nay có cây cầu mới đời sống của chúng tôi sẽ bớt vất vả hơn.”
Những người dân đầu tiên đi trên cây cầu mới
Cùng tâm trạng với anh Quang, nhiều bà con buôn làng cũng không giấu được niềm vui sướng của mình khi được bước chân qua cây cầu mà họ đã ước mơ bấy lâu. Chị Zơ Râm Thị Thanh (35 tuổi, thôn Phú Mưa) mừng rơi nước mắt: “Cả đời tôi không bao giờ nghĩ tới, thôn Phú Mưa đã có cây cầu bắc ngang qua sông. Tôi xúc động lắm, không biết nói gì cả. Cảm ơn Đảng và Nhà nước, cảm ơn báo Dân Trí đã xây cho chúng tôi cây cầu”.
Chuyến hàng đầu tiên của người dân qua cầu. Từ nay họ sẽ không còn cách trở đôi bờ sông
Vậy là cây cầu ước mơ của bà con Cơ tu thôn Phú Mưa cũng đã hoàn thành. Đây cũng là tâm nguyện của đông đảo bạn đọc Dân trí gởi gắm để Ban biên tập báo Dân trí cùng với địa phương xây dựng chiếc cầu để bà con nơi đây đỡ vất vả trong bao nhiêu năm qua phải bơi qua sông. Các em học sinh đã có chiếc cầu vững chắc để đi, bạn đọc Dân trí cũng đã thỏa tâm nguyện của mình.
Xin gởi đến bạn đọc bài thơ của một người dân ở xã Jơ Ngây đã được đọc trong ngày cầu Khuyến học và Dân trí khánh thành. Đây cũng là niềm vui chung và là tâm nguyện của đông đảo bạn đọc của báo Dân trí.