Giải trình về dự án bị Đan Mạch cho là “có khuất tất”

(Dân trí) - Hôm nay 6/6, Bộ Khoa học và Công nghệ có buổi làm việc chính thức với ĐSQ Đan Mạch sau sự việc Đan Mạch tuyên bố tạm dừng các khoản viện trợ giúp Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu do việc sử dụng các ngân khoản bị cho là “có vấn đề”.

Thông tin xung quanh khoản viện trợ này như sau: Năm 2008, Bộ Ngoại giao Đan Mạch có một số điều chỉnh trong cơ chế hợp tác KH - CN với các nước đang phát triển. Trong giai đoạn 2008 - 2010, Đan Mạch đã quyết định chọn 2 nước là Việt Nam (ở châu Á) và Tanzania (ở châu Phi) để thí điểm cùng xây dựng Chương trình hợp tác nghiên cứu, tập trung vào một số lĩnh vực KH - CN ưu tiên của nước thụ hưởng. Theo Chương trình thí điểm này, các nước thụ hưởng sẽ trực tiếp xây dựng các đề xuất dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn ưu tiên của mình và sau đó tìm các đối tác Đan Mạch thích hợp để cùng triển khai thực hiện.
 
Theo đó, hai bên đã xác định chủ đề ưu tiên của Chương trình thí điểm này là Biến đổi khí hậu và ứng dụng KH - CN.
 
Giải trình về dự án bị Đan Mạch cho là “có khuất tất”

Ông John Nielsen (trái) - Đại sứ Đan Mạch - tại buổi họp báo công bố kế hoạch Hỗ trợ Phát triển của Đan Mạch cho Việt Nam giai đoạn 2011-2012, diễn ra sáng 19/10/2011 tại Hà Nội.

Tuy nhiên mới đây, phía Đan Mạch nhận được thông tin (từ phía Đan Mạch) về việc có dấu hiệu "bất thường" trong 1 dự án. Trên cơ sở đó, phía Đan Mạch tổ chức thuê công ty kiểm toán độc lập là PriceWaterhouseCooper (PWC) tiến hành kiểm toán chuyên sâu đối với toàn bộ 4 dự án đang thực hiện của giai đoạn I.

Báo cáo kết quả của Đoàn kiểm toán ghi nhận “nhiều dấu hiệu bất thường” đối với việc sử dụng tài chính trong 4 dự án. Tuy nhiên, báo cáo của kiểm toán PWC đề nghị cần phải giải trình thêm và chưa có kết luận chính thức việc sử dụng kinh phí là sai, hay bị lạm dụng!

Từ cơ sở này, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã ra quyết định tạm dừng việc thực hiện 3/4 dự án để chờ các thông tin giải trình rõ hơn từ phía các đơn vị thực hiện dự án.

Lý do được xem là "bất thường" bao gồm: Chưa có giấy tờ hợp lệ (inapproprieate documents) đối với một số nội dung chi thuê chuyên gia viết các chuyên đề nghiên cứu. Chưa có quy trình lựa chọn chuyên gia tư vấn.Chưa có quy trình rõ ràng về việc lựa chọn và cấp học bổng cho các cán bộ được cử đi đào tạo trong dự án. Dường như chưa được DANIDA/DFC phê duyệt đối với một số hạng mục chi. Mua một số thiết bị, phần mềm với giá cao…

Giải trình về sự việc, PSG-TS Nguyễn Ngọc Lâm - Điều phối viên dự án (Viện Hải dương học- Viện KHCN Việt Nam)- 1 trong những dự án đang nằm trong diện “có vấn đề” cho biết, đây là dự án được thực hiện từ năm 2008 - 2011 và trước đó đã được phía bạn đánh giá khá  cao về kết quả đạt được. Tuy nhiên, qua quá trình kiểm tra, PWC đã đưa ra một số kết luận về dự án như nộp bảo hiểm 2 lần, khuất tất trong việc chia lương, có sai phạm trong việc phân bổ học bổng, chi phí quản lý bị khai khống…

Về kết luận dự án nộp bảo hiểm đến 2 lần, ông Lâm khẳng định, đã kiểm tra toàn bộ hệ thống tài chính của Viện và kế toán trưởng đã cam kết không có vấn đề này xảy ra. Về vấn đề chi trả thù lao cho người thực hiện dự án, ông Lâm khẳng định dự án có nhiệm vụ chi trả cho người lao động, tính chung với lương và số tiền này được chi trả qua tài khoản.

“Theo quy định, người lao động trích nộp tiền mặt cho Viện, từ đó Viện làm thêm bước thứ 2 chuyển số tiền này cho bảo hiểm qua kho bạc. Chính từ việc chi trả cho cá nhân và chi trả cho bảo hiểm này, các kiểm toán viên hầu như không hiểu được cách hạch toán tài chính của ta nên dẫn đến hiểu sai”- ông Lâm lý giải.

Còn về kết luận của PWC cho rằng chi phí mua thiết bị có mục đích không rõ, ông Lâm cũng bác bỏ và cho rằng, thiết bị vật tư nói chung được mua sắm theo một qui trình rõ ràng mà Nhà nước đã qui định.

Đối với kết luận của PWC cho rằng chi phí quản lý bị khai khống, ông Lâm trả lời, hiện Viện đang rà soát tất cả các chi tiêu 3% quản lý phí. Vấn đề học bổng cho dự án có xảy ra “khuất tất” cũng được ông Lâm giải trình lại cụ thể.

Nói rõ thêm về sự việc này, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay phía Đan Mạch chỉ tạm dừng nguồn viện trợ để điều tra sự việc chứ không phải chấm dứt viện trợ đối với Việt Nam.

“Trong quá trình điều tra tiếp theo, nếu thực sự có sai phạm ở khâu nào sẽ phải xử lý nghiêm túc khâu đó. Việt Nam rất trân trọng và sẽ sử dụng tốt nguồn vốn ODA, đặc biệt là trong thời kỳ khó khăn như hiện nay” - ông Vinh nhấn mạnh.

 Thanh Trầm