TPHCM:

Gặp nữ “hiệp sĩ giao thông” 36 năm vá xe đêm

(Dân trí) - Mỗi khi ngã tư vào giờ cao điểm kẹt xe, người ta lại thấy một bà lão tóc bạc “tả xung hữu đột” điều tiết giao thông. Khi đường sá đã “bình yên”, bà lại thu mình vào một góc nhỏ, tiếp tục công việc vá xe mưu sinh của mình.

Bà già… giao thông

Bà là Nguyễn Thị Giới (77 tuổi), hành nghề vá xe ở một góc ngã tư đường Lê Quang Định - Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh, TPHCM). Mỗi buổi chiều, khi dòng người tan sở, học sinh tan trường, công nhân tan ca… phố phường TPHCM lại chật ních. Ngã tư đường Nguyễn Văn Đậu – Lê Quang Định là một trong vô số điểm kẹt xe cục bộ nhất nhì của thành phố. Nhiều khi cả dòng người và xe chỉ biết bất lực đứng chen chân một chỗ. Đúng lúc đó, bà Giới xuất hiện. Chứng kiến cái cảnh mạnh ai nấy chen ấy, bà thấy “ngứa con mắt”, bà cầm gậy chen vào chính giữa đám đông, hét to: “Bà con nghe theo tui hướng dẫn thì chút xíu là có thể về nhà, còn không nghe thì đứng hoài ở đây tới tối”. Thấy bà già “xí xọn”, nhiều người chả buồn nghe theo, tội nghiệp bà đứng la hét khản cổ. Dần rồi, trưa, chiều nào cũng vậy, hễ bất cứ khi nào ngã tư đường này kẹt xe, không quản ngại nắng mưa, bà Giới lại xách gậy ra giữa đường điều tiết giao thông. Và cũng dần dần người đi đường răm rắp làm theo chỉ dẫn của bà. Trật tự được lập lại.

Năm qua năm, người đi thường xuyên qua ngã tư này đã quen với sự xuất hiện của bà. Đến nỗi, có bữa kẹt quá, không thấy bà, người ta còn nhốn nháo hỏi nhau: “Bà già giao thông đâu rồi?”. Bà kể: “Ngày trước ở đây chưa có đèn tín hiệu giao thông nên việc điều tiết kẹt xe rất khó. Ngày nay đèn có rồi nhưng ngặt nỗi người đi đường đông hơn, mức độ giành đường nhiều hơn nên việc giải tỏa mớ bùi nhùi này cũng không đơn giản”.

Vì hộp điều khiển tín hiệu giao thông nằm ngay chỗ bà ngồi vá xe, nên lúc nào kẹt xe, bà chỉ cần nhổm dậy bấm nút điều tiết giao thông phụ cho các cảnh sát đang làm nhiệm vụ là xong.
Gặp nữ “hiệp sĩ giao thông” 36 năm vá xe đêm
Bà Giới nhận danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông"

Với bà, việc tham gia điều tiết giao thông, chống ùn tắc, kẹt xe để nhiều người về nhà thuận lợi hơn, không trễ việc là niềm vui. Nhưng vui hơn nữa là cách đây không lâu bà được công an tặng bộ quần áo xanh để danh chính ngôn thuận ra hướng dẫn giao thông.

Ghi nhận sự đóng góp tích cực của bà Giới với giao thông thành phố, ngày 19/1/2012, bà được Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Công ty Total Việt Nam trao tặng danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông”. Nhắc lại chuyện này, bà cười móm mém: “Tui làm phần vì trách nhiệm với mọi người, phần vì niềm vui chứ có vì bằng khen hay giải thưởng gì đâu”.

Người phụ nữ 36 năm vá xe đêm

Sau những giờ phút điều tiết giao thông, bà Giới lại quay về với công việc chính của mình. 77 tuổi, bà có 36 năm bám trụ ngay chính ngã tư này để vá xe mưu sinh. Đằng sau cuộc đời bình dị của bà là cả một nỗi niềm không bình yên.

Sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình có bốn anh em, khi bà lên 8 tuổi thì cha mất, mẹ đem con cho người ta, mỗi đứa một nơi. Bà dạt vào vùng đất phương Nam xa xôi. Năm tháng qua đi, cô bé ở đợ ngày nào đã thành thiếu nữ. Bà nên nghĩa vợ chồng với người đàn ông phế binh. Theo chồng về quê miền Trung sinh sống nhưng cơm không lành, canh không ngọt, nên khi đứa con gái có cái tên rất đẹp, Xuân Hương, được 4 tuổi thì bà ẵm con vào Nam. Chưa được bao lâu thì chồng tìm đến, đem con gái về quê nuôi. Và đó cũng là lần cuối bà thấy mặt con gái.
 
Gặp nữ “hiệp sĩ giao thông” 36 năm vá xe đêm
Đã 36 năm qua, người phụ nữ này vẫn cần mẫn vá xe đêm

Rồi bà gặp ông Phạm Ngư. Họ gặp nhau, thương nhau rồi đồng ý về ở chung. Cha mẹ họ hàng không có ai nên thôi cả cưới hỏi tiệc tùng. Nên vợ nên chồng không danh chính ngôn thuận nhưng sống rất hạnh phúc. Rồi năm đứa trai, hai đứa gái lần lượt ra đời. Từ giặt ủi, vợ chồng bà chuyển sang vá xe. Nhờ sự tháo vát, gia đình bà cũng có được căn nhà để trú nắng, trú mua. Đùng một cái, ông phát đủ loại bệnh. Bao nhiêu tài sản tích góp bấy lâu và cả căn nhà cũng đội nón ra đi. Con cái lập gia đình riêng nhưng cuộc sống khó khăn. Ông mất, bà chuyển ra đường ở hẳn từ đó đến nay.

Cái tiệm sửa xe bên ngã tư đường của bà không biển hiệu. Nơi bà ngồi là cái khe giữa cột điện và cột bộ đèn điều tiết giao thông. Cả ngày chốn sinh sống ấy được che bằng tấm bạt lụp xụp đứng đã chạm trán, một chiếc tủ cũ mèm đầy những hộc nhỏ được bà ràng dây cho chắc để đựng đồ nghề. Thứ đáng giá nhất mà bà có chính là chiếc xe đạp.
Gặp nữ “hiệp sĩ giao thông” 36 năm vá xe đêm
Nắng mưa không khuất phục được nghị lực phi thường. Bà chỉ mong con cháu không phải sống cuộc đời cơ cực như mình

Mỗi miếng vá 10.000 đồng, bơm xe 2 nghìn đồng, trung bình một ngày bà Giới thu nhập khoảng từ 40 – 60 nghìn đồng. Nhưng không phải ngày nào cũng thế, giờ sức khỏe bà đã không còn như trước, đôi tay mỗi lúc cầm đồ nghề đã run, đôi khi gặp chiếc xe lốp quá chặt bà không cạy nổi, phải bó tay. Ban ngày cũng như ban đêm, bà chỉ lấy giá chừng ấy, không lợi dụng đêm khuya bắt chẹt khách bao giờ.

Bà cho biết tiền bà làm ra không đáng bao nhiêu, nhưng ráng ki cóp vẫn đủ để nuôi sống mình. Thỉnh thoảng có dư chút đỉnh, bà gửi cho cháu ăn quà, mua thuốc khi cháu bị bệnh. Con cháu nhiều nhưng theo lời bà, ai cũng khó khăn, ăn bữa trưa chạy cơm bữa tối nên bà không muốn dựa dẫm vào ai. “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời. Tôi chỉ mong cho các cháu được ăn học thành tài để thoát khỏi kiếp neo đậu ven đường như tôi”, bà tâm sự.

Đã nhiều năm qua, cuộc sống của bà cứ quẩn quanh dưới tấm lều bạt dựng tạm bên đường. Nắng mưa khắc nghiệt chẳng thể dập tắt nghị lực sống của người phụ nữ đã bạc tóc ấy.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm