TPHCM:

Gần 100 năm tù dành cho băng nhóm tiêu thụ tiền giả

(Dân trí) - Lợi dụng sự lơ là, mất cảnh giác của một số cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, nhóm của Tám đã dùng những tờ tiền giả mệnh giá từ 100.000 - 500.000 đồng để mua hàng và nhận tiền thật từ chủ quán trả lại.

Ngày 28/2, TAND Tối cao tại TPHCM đã mở phiên thúc thẩm và bác đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với 7 bị cáo với tội danh: “Lưu hành tiền giả”.

Gần 100 năm tù dành cho băng nhóm tiêu thụ tiền giả  - 1

Băng nhóm tiêu thụ tiền giả tại tòa phúc thẩm (ảnh: P.D)

Trước đó, TAND tỉnh Đồng Tháp xử sơ thẩm đã tuyên phạt: Nguyễn Văn Tám (38 tuổi, Vĩnh Phúc) 18 năm tù, Lê Kim Văn (34 tuổi) 16 năm, Nguyễn Thị Thắng (36 tuổi, vợ Tám) 14 năm, Nguyễn Đức Tịnh (42 tuổi) 13 năm, Vũ Ngọc Hưng (30 tuổi) 12 năm, Tạ Văn Tư (25 tuổi) 11 năm và Vũ Kiều Hậu (22 tuổi) 10 năm tù.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 8/1/2010, công an huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) nhận được tin từ quần chúng nhân dân về việc có một thanh niên đi xe máy, dùng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng mua thuốc lá, dầu gội. Các trinh sát đã xuống địa bàn và bắt quả tang Tạ Văn Tư cùng Nguyễn Thị Thắng đang uống nước ven đường. Khám xét trong túi xách 2 đối tượng này, công an phát hiện có nhiều tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng.

Từ lời khai ban đầu của Tư, Thắng, công an Đồng Tháp mở rộng điều tra và đã lần lượt bắt giữ Tám, Tịnh, Hưng, Hậu, Văn về tội: “Lưu hành tiền giả”.

Theo đó, Nguyễn Văn Tám là đối tượng cầm đầu băng nhóm này. Tháng 9/2007, sau khi chấp hành án tù về tội: “Lưu hành tiền giả”, Tám vào TPHCM sinh sống. Tám làm nhiều nghề như mua bán phế liệu, mua bán chó để mưu sinh. Tháng 5/2009, Tám nghiện heroin. Để có tiền mua heroin sử dụng, Tám mua tiền giả của Lê Kim Văn để tiêu thụ ngoài thị trường, đổi lấy tiền thật.

Có “nguồn hàng” trong tay, Tám lôi kéo những người thân của mình vào đường dây tiêu thụ tiền giả để hưởng hoa hồng. Trước chuyến đi tiêu thụ tiền giả, Tám họp cả nhóm lại để bàn bạc nội dung và chọn ngày, giờ xuất phát cũng như địa bàn tiêu thụ. Chúng sử dụng xe máy để thuận tiện trong việc đi lại. Khi đến địa điểm, vợ chồng Tám, Thắng phát cho mỗi đối tượng một tờ tiền giả, khi tiêu thụ xong sẽ liên lạc qua điện thoại di động để tập kết tiền thật, hàng hóa cho Tám, Thắng cất giữ và nhận 1 tờ tiền giả để đi tiêu thụ tiếp. Đến cuối ngày, cả bọn tập trung vào nhà nghỉ để kiểm kê tiền và chi hoa hồng. Khi đi tiêu thụ, các đối tượng này chọn những tiệm tạp hóa nhỏ lẻ ven đường, và mua những loại hàng có giá trị thấp như thuốc lá, dầu gội đầu, nước uống đóng chai… để được thối lại tiền thật.

Bằng thủ đoạn này, Tám, Thắng và đồng bọn đã thực hiện nhiều chuyến tiêu thụ tiền giả từ các tỉnh miền Tây lên đến một số huyện ngoại thành của TPHCM với tổng số tiền giả mà chúng đã tiêu thụ lên đến 700 triệu đồng.

Ngày 81/2010, khi hay tin Thắng và Tư bị công an bắt, Tám trốn về TPHCM, khi đi ngang qua cầu Mỹ Thuận, Tám ném bỏ số tiền giả chưa kịp tiêu thụ xuống sông để phi tang. Tuy nhiên, hành vi của các đối tượng này đã bị công an phát hiện và cả nhóm lần lượt sa lưới pháp luật.

Công Quang