Dự án tỉ đô, giải ngân... tỉ đồng!

Từng được kỳ vọng sẽ tạo ra một diện mạo mới cho Vũng Tàu, nhưng sau nhiều năm được cấp phép, hàng loạt dự án có vốn lên tới hàng tỉ USD tại đây vẫn nằm trên giấy, đất dự án bị bỏ hoang hoặc bị người dân lấn chiếm.

Sau gần bốn năm nằm trên... giấy, dự án công viên thế giới diệu kỳ Vũng Tàu, một trong những dự án có vốn đầu tư lên tới hàng tỉ USD tại TP Vũng Tàu, vừa bị chính quyền địa phương kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư...
 
Dự án tỉ đô, giải ngân... tỉ đồng! - 1
Dự án Dragon Sea (TP Vũng Tàu) hiện chỉ có panô công bố dự án trên bãi đất hoang.

Nhận giấy phép và “lặn” mất tăm...

Với quy mô hơn 130ha tại khu vực Bàu Trũng (phường Nguyễn An Ninh), một trong những vị trí đắc địa của TP Vũng Tàu, dự án công viên thế giới diệu kỳ có tổng vốn đầu tư lên tới gần 1,3 tỉ USD, do Công ty TNHH Good Choice USA - VN, giám đốc là ông John Tan Hung Nguyen (Việt kiều Mỹ), làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, dự án gồm nhiều hạng mục rất “hoành tráng” như khu khách sạn 5 sao với 2.500 phòng, bốn cụm khách sạn 4 sao với 4.000 phòng, trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế, khu vui chơi giải trí, thủy cung, danh lam thắng cảnh VN và thế giới thu nhỏ...

Đây được xem là khu phức hợp du lịch, vui chơi giải trí lớn nhất tại địa phương này tính đến thời điểm cấp phép đầu tư vào đầu năm 2008. Thế nhưng, trái với kỳ vọng của địa phương, sau khi được cấp phép và tổ chức lễ nhận giấy phép đầu tư khá rình rang, chủ đầu tư của dự án đã... “lặn” mất tăm.

Theo một lãnh đạo của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Vũng Tàu, kể từ khi dự án được cấp phép đến nay, cơ quan này chẳng biết mặt mũi chủ đầu tư, cũng không hề nhận được bất cứ công văn nào của chủ đầu tư về việc phối hợp triển khai công tác kiểm kê, đền bù giải phóng mặt bằng!

Ông Phan Hòa Bình, chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, bức xúc cho biết sau nhiều lần gửi công văn hối thúc chủ đầu tư nhưng không nhận được trả lời, thành phố đã cử người đi xác minh nhưng cũng không tìm được người đại diện của chủ đầu tư tại VN.

Ông Nguyễn Tự Quy, quyền giám đốc Trung tâm kỹ thuật nghiệp vụ- Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hiện tại Công ty TNHH Good Choice USA - VN vẫn đang nợ 400 triệu đồng tiền đo vẽ mà trung tâm đã thực hiện. “Từ khi đo vẽ xong đến nay, chúng tôi không thể gặp được chủ đầu tư và không biết chủ đầu tư ở đâu mà đòi tiền”, ông Quy nói.

Trong khi chủ đầu tư “lặn” mất tăm, khu đất của dự án này đã bị nhiều người dân nhảy vào xí phần và phân lô bán nền ì xèo suốt thời gian qua, nhà cửa đã mọc lên san sát. Thậm chí nhiều đoạn của hàng rào bao quanh dự án đã bị người dân đập phá, mở lối đi. Số liệu từ cơ quan chức năng địa phương cho biết hiện khu vực này có gần 800 hộ đang sinh sống với khoảng 2.000 nhân khẩu...

Chờ giao đất...

Bên cạnh một số dự án chậm hoặc không triển khai được do chủ đầu tư không có năng lực, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn có không ít dự án tỉ USD khác giẫm chân tại chỗ, dù chủ đầu tư có năng lực và quyết tâm. Cụ thể, dự án Saigon Atlantis hotel, một trong những dự án du lịch lớn nhất tại địa phương với quy mô vốn đầu tư sau hai lần điều chỉnh lên tới 4,1 tỉ USD, diện tích gần 1.000ha.

Theo kế hoạch, trong quý 1/2009 Công ty TNHH Winwest Việt Nam (Mỹ) - chủ đầu tư dự án - sẽ được giao 100ha đất để khởi công. Và để thể hiện thiện chí, từ tháng 4-2007 đến tháng 6/2008, chủ đầu tư đã ứng trước 98 tỉ đồng tiền thuê đất để hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư của dự án chỉ mới được bàn giao chưa đến 90ha đất.

Ông Đặng Minh Thông, phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu, thừa nhận công tác đền bù giải tỏa hiện nay là khâu vướng mắc lớn nhất tại nhiều dự án, do địa phương không có đủ kinh phí. Theo ông Thông, ngoài số tiền tạm ứng của chủ đầu tư, địa phương này đã bỏ ra một khoản tiền xấp xỉ 100 tỉ đồng, nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn không được như kỳ vọng.

Cũng theo ông Thông, dự kiến trong tháng 11/2011 dự án sẽ được chủ đầu tư khởi công xây dựng. Việc triển khai dự án khi chưa bàn giao đầy đủ mặt bằng được xem như một biện pháp nhằm tránh tình trạng nhận đất rồi không thực hiện dự án.

Không riêng gì Saigon Atlantis hotel, nhiều dự án khác trên địa bàn như Skybridge Dragon Sea với tổng vốn đầu tư hơn 900 triệu USD, dự án tổ hợp khách sạn - trung tâm thương mại - văn phòng cho thuê và căn hộ của Công ty TNHH OSC-Duxton... cũng đang chờ đất. Trong đó, riêng chủ đầu tư dự án Skybridge Dragon Sea vẫn chưa có phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Một số chủ đầu tư cũng bức xúc cho rằng theo quy định, thời điểm tính tiền thuê đất đối với nhà đầu tư được xác định từ lúc bàn giao mặt bằng, nhưng giá đất lại được điều chỉnh hằng năm. Do đó, việc chậm được giao mặt bằng đã làm chi phí tiền thuê đất bị đội lên rất nhiều so với thời điểm được cấp phép đầu tư, cũng như tính toán ban đầu của doanh nghiệp. Ông Đặng Minh Thông cũng thừa nhận chính sách về đền bù giải tỏa đất thay đổi liên tục đã gây khó khăn không chỉ cho địa phương mà cả doanh nghiệp.

Theo Hải Đăng - Đông Hà
Tuổi Trẻ