TPHCM:
Đồng loạt giảm án cho các bị cáo vụ “động kích dục” Tân Hoàng Phát
(Dân trí) - Sau rất nhiều tranh luận giữa Tòa và Viện kiểm sát về những khúc mắc trong quá trình truy tố, xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm của TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên án dành cho các bị cáo trong vụ “động kích dục” Tân Hoàng Phát.
Ngày 12/12, TAND Tối cao tại TPHCM đã tuyên bản án phúc thẩm đối với các bị cáo nguyên là chủ, nhân viên của “tập đoàn” massage kích dục Tân Hoàng Phát. Theo đó, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, giảm án cho bị cáo Phan Cao Trí (38 tuổi, chủ cơ sở massage Tân Hoàng Phát) từ 12 năm xuống còn 5 năm tù về các tội: “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Bị cáo Phan Thị Yến (32 tuổi, vợ Trí) được giảm từ 6 năm tù xuống còn 3 năm vì tội “cưỡng đoạt tài sản” nhưng hưởng án treo vì có con nhỏ, thời gian thử thách là 5 năm.
Ngoài ra, các “phó tướng” và nhân viên bảo kê của Trí - Yến cũng được giảm án. Phan Việt Hậu (em vợ Trí) cũng được giảm từ 10 năm xuống còn 4 năm 6 tháng tù và Phan Quốc Cường được giảm từ 9 năm xuống còn 4 năm tù về 2 tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”. Hai quản lý khác của Trí là Nguyễn Minh Phương, Nguyễn Hoài Nhanh cũng được giảm hơn một nửa mức án so với quyết định của tòa sơ thẩm về tội: “Bắt giữ người trái pháp luật”.
HĐXX còn cho rằng, năm 2008, Phan Cao Trí thôi giữ chức giám đốc Công ty Tân Hoàng Phát và giao lại cho Hậu, Cường quản lý nhưng vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Phan Thị Yến phạm vào tội “cưỡng đoạt tài sản” vì là thủ quỹ của công ty, ngoài việc thu tiền vé khách massage, Yến còn thu tiền “thế thân” của các nhân viên khi họ muốn xin nghỉ phép…
Trước đó, trong phần tranh luận tại tòa, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, Phan Cao Trí cùng vợ là Phan Thị Yến, em vợ Phan Việt Hậu và những người khác cấu kết với nhau để lập một hệ thống cơ sở massage, thực chất là hoạt động kinh doanh tình dục núp bóng. Viện kiểm sát nhận định các bị cáo đã lợi dụng sự khó khăn trong đời sống của các nữ nhân viên, buộc họ phải ký cam kết lao động với điều kiện phải ăn ngủ tại công ty, phải làm việc ít nhất sáu tháng, nếu nghỉ trước hạn phải đền tiền phí đào tạo. Việc đào tạo này cũng chỉ là hình thức khi Trí liên kết với một số trung tâm đào tạo nghề để cấp chứng chỉ kỹ thuật massage cho một số nhân viên.
Các nữ nhân viên massage bị quản chế tại cơ sở của Tân Hoàng Phát phải tiếp khách từ 9h sáng đến 1h khuya, không được tự do ra ngoài, không được nghỉ khi chưa được phép. Mỗi lần các cô gái đi từ nơi ở sang chỗ làm đều bị các nhân viên bảo vệ đi theo “dẫn giải”.
Hành vi này, theo Viện kiểm sát, là đủ yếu tố cấu thành tội “bắt giữ người trái pháp luật”, bản án sơ thẩm buộc tội Phan Cao Trí cùng Phan Việt Hậu, Phan Quốc Cường về tội danh này là có cơ sở. Trí cùng vợ là Phan Thị Yến đã cho nhân viên đánh đập, ép buộc các nữ tiếp viên muốn nghỉ việc phải nhờ người thân đem tiền đến đóng cho Tân Hoàng Phát, nếu không sẽ bị giữ tại công ty (có 9 nữ nhân viên đã đứng đơn tố cáo hành vi này). Viện kiểm sát cũng cho rằng mức án mà TAND TPHCM xử phạt Phan Cao Trí (12 năm tù) cùng năm bị cáo khác trong vụ án là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Tại phiên phúc thẩm này không có thêm tình tiết nào giảm nhẹ được cho các bị cáo.
Sau khi kết thúc phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ kháng cáo của vợ chồng bị cáo Phan Cao Trí. Bốn quản lý được Trí giao điều hành các cơ sở massage cũng bị Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo, giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm. Tuy nhiên, quan điểm này của VKS đã không được HĐXX chấp nhận.
Công Quang