Điểm mặt "tứ đại gia" giàu nhất Sài Gòn

Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở Sài Gòn nổi lên tứ đại hào phú lẫy lừng: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định”.

Họ không chỉ giàu nhất Sài Gòn, mà còn giàu nhất Nam Kỳ lục tỉnh và Đông Dương. Tuy nhiên, theo một số tài liệu, vị trí thứ tư còn được dành cho một số đại phú hộ khác: Tứ Trạch, Tứ Hóa hoặc Tứ Bưởi.

Nhất Sỹ - Lê Phát Đạt (1841-1900)

Lê Phát Đạt, còn có tên gọi là Sỹ, về sau được Pháp phong Huyện hàm, nên còn được gọi là Huyện Sỹ và có tên thánh Philipphê.

Huyện Sỹ sinh ra trong một gia đình theo đạo công giáo tại Cầu Kho (Sài Gòn) nhưng quê quán ở Tân An (Long An). Thuở nhỏ, ông được đi học trường Dòng tại Penang (Malaysia), nên thông thạo các ngôn ngữ: La tinh, Pháp, Hán và quốc ngữ (chữ Việt mới sơ khai). Do trùng tên với một người thầy dạy nên đổi tên thành Lê Phát Đạt. Khi về nước, ông được Chính phủ Nam Kỳ bổ dụng làm thông ngôn, rồi làm Ủy viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (từ năm 1880). Tuy nhiên, phần lớn thời gian ông dành cho hoạt động phát triển nông nghiệp và truyền bá đạo thiên chúa. Nhà thờ Huyện Sỹ (tại quận 1, TP HCM ngày nay) và nhà thờ Hạnh Thông Tây (tại quận Gò Vấp) do ông bỏ tiền ra xây cất trên đất của mình.

Các con của Huyện Sỹ như: bà Lê Thị Bính (mẹ của Nam Phương hoàng hậu), Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân… đều là những đại điền chủ có rất nhiều đất đai ở Tân An, Đức Hòa, Đức Huệ và Đồng Tháp Mười… Riêng con cả Lê Phát An được vua Bảo Đại phong tước An Định Vương, là người duy nhất trong lịch sử Nam Kỳ thuộc hàng dân dã, không là “hoàng thân, quốc thích” được lên ngôi vị cao quý nhất của triều đình.

Tương truyền, năm 1934, nhân dịp gả cháu gái Nguyễn Hữu Thị Lan cho vua Bảo Đại, Lê Phát An đã tặng cho Nam Phương hoàng hậu 1 triệu đồng tiền mặt để làm của hồi môn (tương đương 20.000 lượng vàng lúc bấy giờ).

Năm 1900, ông Lê Phát Đạt mất. Sau khi vợ ông - bà Huỳnh Thị Tài qua đời năm 1920, người ta mới đưa xác hai ông bà chôn ở gian chái sau cung thánh nhà thờ Huyện Sĩ như một nhà mồ.

Nhì Phương - Đỗ Hữu Phương (1844-1914)

Do được Pháp phong Tổng đốc hàm nên Đỗ Hữu Phương còn được gọi là Tổng đốc Phương. Ông sinh tại Chợ Đũi (Sài Gòn), gốc người Minh Hương, biết chữ Hán, nói được một số tiếng Pháp.
Điểm mặt "tứ đại gia" giàu nhất Sài Gòn - 1

Đỗ Hữu Phương còn được gọi là Tổng đốc Phương, được mệnh danh là người giàu thứ nhì Sài Gòn xưa.

Năm 1872, Đỗ Hữu Phương được Thống đốc Nam Kỳ chỉ định làm hội viên Hội đồng thành phố Chợ Lớn. Năm 1879, ông làm phụ tá cho Xã Tây Chợ Lớn. Ở chức việc này, ông Phương không bỏ qua cơ hội để làm giàu, làm trung gian để các thương gia hối lộ cho viên chức Pháp. Nhờ vậy, sự nghiệp của ông trở nên đồ sộ nhất nhì ở Sài Gòn thời đó.

Đỗ Hữu Phương chính là một trong những người đề xướng và đã bỏ tiền ra xây trường Collège de Jeunes Filles Indigènes vào năm 1915, tức trường Nữ Trung học Sài Gòn, mà người dân thường gọi là trường Áo Tím (nay là Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai)…

Trước 1975, ở Chợ Lớn có con đường Tổng Đốc Phương, mà bây giờ là Châu Văn Liêm thuộc quận 5.

Tam Xường - Lý Tường Quan (1842-1896)

Bá hộ Xường, tên thật là Lý Tường Quan, tự Phước Trai, sinh năm 1842, mất năm 1896.

Cuộc đời và sự nghiệp của Bá hộ Xường, sách vở biên chép rất ít, chỉ biết đại khái ông là người Minh Hương, lánh nạn phong kiến nhà Thanh, sang đất Nam Kỳ, vào học trường Tây, rồi làm thông ngôn cho chính quyền Pháp - rất được yêu mến và trọng dụng bởi sự thông minh, đắc dụng. Năm 30 tuổi, ông bỏ nghề thông ngôn bước vào lĩnh vực kinh doanh lương thực dịch vụ, thầu cung cấp vật dụng thức ăn, độc quyền cung cấp thịt cá cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận.

Sách Sài Gòn năm xưa của Vương Hồng Sển chép: Hộ Xường vốn là thông ngôn xuất thân. Sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã, rồi mua đất xây cất biệt thự tại vùng Chợ Lớn để cho thuê và bán. Nhờ khéo tay thêm gặp thời, ông trở thành cự phú không mấy hồi… Thế nhưng, sau khi ông chết, số tài sản kếch sù đều bị con cháu nhanh chóng bán tiêu xài hết. Cái mà nay còn lại là khu nhà mồ cổ khá kiên cố do “tôn tử tương tề đồng tâm” xây dựng vào tháng 12/1896, hiện ở gần di tích Địa đạo Phú Thọ Hòa, thuộc phường 18, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tứ Định – Trần Hữu Định

Người xếp hạng tư là bá hộ Định, tên thật Trần Hữu Định. Xuất thân là chủ tiệm cầm đồ (hoá ra thời ấy đã có dịch vụ “cầm, cắm”), rồi được chính quyền Pháp cho làm Hộ trưởng (bấy giờ, Chợ Lớn là một tỉnh riêng biệt gồm 20 hộ, độc lập cùng với tỉnh Gia Định) kinh doanh đất đai, xuất nhập khẩu vải sợi, ông phất lên nhanh chóng nhờ biết nắm thời cơ những lúc hàng khan hiếm.

Có biệt thự ở nhiều nơi và cũng như bá hộ Xường, danh xưng bá hộ Định hay Hộ Định là do dân Chợ Lớn thấy ông giàu có nên gọi như vậy. Sau khi ông mất, con cháu không biết giữ của, tiêu xài và xoá sạch vết tích của nhà cự phú này.

Năm 1960, trong tác phẩm Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển mô tả cơ ngơi của Trần Hữu Định như sau: “Nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu. Ngôi nhà năm căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt; trong nhà từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa. Mấy năm trước chính mắt tôi còn thấy làu làu vững chắc tuy khuỷnh vườn sân trước đã bị cắt xén sát mặt tiền nhường chỗ làm thềm và đường cái mở rộng nên lấp kênh. Gần đây, vì đất chợ cao giá nên tuy nhà lập làm phần hương hoả mà con cháu đã bán và dỡ đi. Thay vào đó là một dãy phố lầu tiệm buôn khách trú. Phần hoa lợi tuy có thêm, nhưng thiệt hại về cổ tích từ đây và cứ theo đà này, đô thành Sài Gòn ngày một mất dần những dấu vết xưa...”.

Theo An Đông

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm