Đèn trời soi xét

Chuyện bà mẹ già 84 tuổi đi gõ cửa nhiều nơi đề nghị công nhận liệt sĩ cho con trai làm xúc động lòng người.

Con trai của mẹ, thiếu tá Trần Duy Nghĩa, cán bộ Công an TX Nghĩa Lộ - Yên Bái, đã tử vong trong khi thi hành nhiệm vụ ngày 4.2.2011.

Càng xúc động hơn, khi đọc bức tâm thư của người mẹ bất hạnh này gửi Bộ trưởng Bộ LĐTBXH với những lời được thốt lên từ tâm can: “Lúc này, tôi không biết phải làm gì, đành kêu lên bộ trưởng đèn trời soi xét”.

Em Nguyễn Trung Dũng, thi vào Học viện Ngoại giao đạt 9,5 điểm môn tiếng Anh, vừa gửi một bức tâm thư lên Bộ trưởng Bộ GDĐT, cho rằng đáp án đề thi môn tiếng Anh sai và mong chờ sự phản hồi từ bộ trưởng. Trong thư có đoạn: “Kính thưa bộ trưởng, nếu bộ khuyến khích sự góp ý và phản ánh từ mọi người, mọi tầng lớp về các vấn đề trong giáo dục, không loại trừ đề thi đại học, những học sinh như chúng em sẽ có được một môi trường giáo dục rất tích cực. Những học sinh như chúng em sẽ không chịu áp lực nặng nề vì tất cả tiếng nói của chúng em đều được lắng nghe”.

Mới đây, anh Trần Hoàng Huy - giám đốc doanh nghiệp tại TPHCM bị hải quan hành hạ, đã gửi tâm thư lên Bộ trưởng Bộ Tài chính.Tuy không dùng câu “đèn trời soi xét”, nhưng lời lẽ rất đúng phận thảo dân: "Con không biết bức thư này có đến tay chú được không, nhưng con toàn tâm hy vọng chú sẽ đọc được những dòng này". Rất may cho vị giám đốc này là “chú” Huệ đã đọc thư và giải quyết rốt ráo vụ việc, xử lý nghiêm khắc cán bộ hải quan sai phạm.

Các vị bộ trưởng đều rất bận rộn, vất vả với trăm công nghìn việc lo toan cho đất nước, cho nên khó có thời gian đọc hết thư từ. Biết như vậy, nhưng vì nhiều người gặp bế tắc tận cùng, không còn đường nào khác phải kêu lên tới ngai cao. Hoặc có người hiểu biết cho rằng, có trường hợp trả lời một vấn đề nào đó thuộc trách nhiệm của bộ trưởng. Vì vậy, khi bộ trưởng dành thời gian vàng ngọc để giải quyết thắc mắc yêu cầu từ một bức tâm thư, dân chúng sẽ đánh giá cao trách nhiệm và tấm lòng của các vị.

Thật đáng mừng vui vì ngày càng có thêm những công dân mạnh dạn gửi tâm thư lên các vị lãnh đạo, đây còn là sự thể hiện ý thức về quyền dân chủ trong người dân. Nhưng tinh thần đó cần phải cao hơn, không phải là với thái độ cầu mong “đèn trời soi xét” với quan lại phong kiến, mà yêu cầu, đòi hỏi, thậm chí bắt buộc quan chức phải trả lời, phải giải quyết những quyền lợi chính đáng của cá nhân, tổ chức.

Còn nhiều bức tâm thư khác nữa, của nhiều con người không phải vì hoàn cảnh cá nhân mà vì tâm huyết với việc dân việc nước. Những bức tâm thư đó không phải soi để xét, mà soi vào đó để hiểu ý trời, lòng dân.
 
Theo Lê Thanh Phong
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm