Thừa Thiên - Huế:

Dân ồ ạt lên núi... chiếm đất rừng

(Dân trí) - Nhiều cá nhân, hộ dân tại tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian qua đã tự ý vào chiếm đất rừng ở những nơi hiểm trở, khó quản lý của chính quyền địa phương nhằm biến tài sản công thành tài sản riêng.

Ngổn ngang rừng công bị dân chiếm đất trái phép

Theo thông tin từ một người bạn, trong những ngày cuối tuần qua, chúng tôi đã đi xe máy vào vùng rừng núi hiểm trở thuộc xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) để tìm hiểu việc chiếm rừng của người dân. Trải qua đoạn đường dài vài chục cây số từ đi đò qua sông, đi xe máy vượt đèo với những dốc dựng đứng 45 độ, vượt qua suối... cuối cùng, chúng tôi phải bỏ xe máy lại bên bờ suối khe Đầy - Giàn Phướn vì địa hình quá khó đi.

Thêm 1 giờ đồng hồ vượt qua 5 khe suối nhỏ và đi bộ vượt dốc nhỏ hẹp thẳng để lên núi trong tiết trời oi bức trên 40 độ C, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được hiện trường - quả núi rộng gần 100ha thuộc tiểu khu 162 xã Dương Hòa. Quả núi với phần lớn cây bụi cùng với các cây to đã được “cày xới” thành nhiều khoảnh rõ ràng - dấu vết của việc tự ý phát đường bao làm thành ranh giới của dân.

Dân ồ ạt lên núi... chiếm đất rừng
Những cây thân vừa bị người dân chặt gãy lấy củi, các khoảnh thực bì được đốt và phát để phân định ranh giới đất

Có khoảng trên chục khoảnh đất được dân chặt cây để hình thành nên thửa đất của mình và đánh dấu bởi 1 số dụng cụ cắm trên đất. Bên cạnh đó, một phần không nhỏ các cây tự nhiên từ to đến nhỏ cũng đã bị đốn hạ. Một số đã bị kéo về, số khác đang nằm ngổn ngang dưới đất chờ người đến lấy. Chúng tôi cũng ghi nhận việc san ủi của xe múc một số khoảnh đất. Nhìn về xa xa bên các quả đồi bên cạnh, có 2 chiếc xe ủi đang làm việc cật lực giữa buổi trưa. Một số cây mới được dân trồng cũng đã mọc lên. Tất cả đã tạo thành một hình ảnh hỗn độn trên khu núi này.

Khi đến hiện trường, chúng tôi không thấy bóng dáng một người dân nào lên. Theo lời của 2 người thợ rừng đang làm thuê cho 1 chủ thầu cây keo ở khu đồi thuộc xã Hương Thọ (Thị xã Hương Trà) bên cạnh thì đa số người lên chiếm đất rừng ở tiểu khu 162 là người của Hương Thọ và Dương Hòa. Các đồi, núi khác đã thuộc quyền sở hữu của dân và ban quản lý rừng  phòng hộ đầu nguồn thị xã Hương Thủy, chỉ còn tiểu khu trên là "chưa có chủ" nên từ hơn tháng nay, người dân đã ồ ạt lên núi để chiếm đất.
 
Dân ồ ạt lên núi... chiếm đất rừng

Những triền đồi, núi được phát thực bì xong, chuẩn bị "chia" đất
 
Dân ồ ạt lên núi... chiếm đất rừng

Các thợ làm thuê cho người chiếm đất

Người dân có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm nặng

Trao đổi về việc này, ông Mai Văn Xuân, Chủ tịch xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) cho biết đã có 1 số người dân trong xã cùng với xã Dương Hòa, xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy) đã có tình trạng vào chiếm đất rừng ở Dương Hòa. Hiện xã đã ra vận động bà con không được làm những việc trên vì sai pháp luật.

Sau khi PV phản ánh tình trạng trên với lãnh đạo thị xã Hương Thủy qua điện thoại, ngay trong chiều 2/5 đã có cuộc họp giữa thị xã Hương Thủy, xã Dương Hòa, Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Hương Thủy, Kiểm lâm về việc dân tự ý chiếm rừng. Cuộc họp đã diễn ra căng thẳng trong hơn 3 tiếng đồng hồ. Sau cuộc họp, một số vấn đề đã được khẳng định là tiểu khu 162 thuộc xã Dương Hòa quản lý đã bị người dân lấn chiếm trái phép; tiểu khu 165, 168 (đất sản xuất nhưng chưa đi vào sản xuất) thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ thị xã Hương Thủy cũng có tình trạng dân chiếm đất. Ông Phan Văn Xuân, Phó chủ tịch Thị xã Hương Thủy đã chỉ đạo phải làm rõ, triệt để, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch xã Dương Hòa về tình hình dân chiếm rừng trong thời gian vừa qua. Ông Hiền cho biết tiểu khu 162 có tổng diện tích 113 ha, chủ yếu là đất rừng nghèo. Trong thời gian qua, xã đã thường xuyên kiểm tra và cũng đã phát hiện ra việc trên.

Dân ồ ạt lên núi... chiếm đất rừng
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch xã Dương Hòa trao đổi với PV việc tự ý chiếm đất rừng của người dân

Cụ thể, vào ngày 26, 27/4, xã đã kiểm tra và phát hiện tại khoảnh 5 khoảnh trong tiểu khu này có 7 người dân ở xã Hương Thọ tự ý phát thực bì. Đoàn đã lập biên bản nhưng 7 người này không ký vì nói đi làm thuê cho 1 chủ ở xã Dương Hòa - cũng như không khai tên người thuê họ.

Tại khu vực đất giáp với diện tích rừng tự nhiên, xã đã phát hiện ra ông Lê Văn Dũng ở thôn Hộ tự ý phát rừng và trồng cây tại khu vực rừng tự nhiên dự kiến giao rừng cộng đồng với diện tích 3ha. Trong số 3ha này, ông Dũng cho biết có 1ha do ông Lê Văn Cường ở thôn Hộ phát trồng.

Dân ồ ạt lên núi... chiếm đất rừng
Một khoảnh núi đã được phát thực bì, khoanh tròn phần chóp là thuộc sở hữu của 1 cá nhân

Cũng theo thông tin từ ông Dũng, có một số người dân xã Hương Thọ tên Tuấn, Chớ và Lựa cũng đã tự ý phát rừng với diện tích khoảng 10ha, diện tích khoảng 30ha; còn lại chỉ mới phát đường rong. Ngoài ra, tại tiểu khu 162 & 163 - khu vực đất của ông Lê Văn Tảo đã có quyết định thuê đất của UBND huyện Hương Thủy (nay là thị xã) năm 2003 cũng đã bị phá và đốt thực bì khoảng 32ha, trong đó đã trồng khoảng 10ha.

Ông Hiền tổng cộng tại tiểu khu 162, diện tích cây rừng bị người dân chặt phá là 10ha, còn lại diện tích phát để đánh dấu - “xí” phần là 30ha. Nguyên nhân dẫn đến người dân vào chiếm đất rừng ồ ạt như trên theo ông Hiền, một phần là vì có thông tin là sắp tới tỉnh sẽ giao đất ở tiểu khu 162 cho dân. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có văn bản kết luận giao.
 
Khi được hỏi vì sao người dân biết thông tin nhanh đến thế, có hay không sự "tiếp tay" cung cấp thông tin từ các cán bộ xã? Ông Hiền khẳng định không hề có việc đó. “Chúng tôi rất nhức đầu với chuyện đất rừng. Với lực lượng ít mà quản lý đến 6 tiểu khu (hơn 600ha) thì lấy người đâu mà đi kiểm tra thường xuyên. Vì đất nhiều nên xã sẽ kiến nghị lên thị xã giao bớt đất cho dân những đất chưa sử dụng” - ông Hiền cho ý kiến.

Hiện xã Dương Hòa đã  đề nghị UBND thị xã Hương Thủy chỉ đạo các ban ngành liên quan đi hiện trường để xác minh lại các việc trên cũng như xử lý các hộ gia đình, cá nhân tự ý phát thực bì, chiếm đất rừng. “Chúng tôi đề nghị xử lý tùy theo mức độ vi phạm và theo quy định của pháp luật. Nếu cá nhân, tập thể nào vi phạm quá nhiều thì có khi cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong câu chuyện này” - ông Hiền khẳng định.

Tại các khu vực rừng thuộc lâm trường Tiền Phong (một trong những lâm trường lớn nhất tỉnh TT-Huế) hiện có tình trạng dân xuống trồng cây ở các vùng khe suối xa (là vùng không trồng cây theo quy hoạch). Một số vùng rừng thông tái sinh ở xã Hương Thọ (Thị xã Hương Trà) cũng bị dân lợi dụng để trồng xen cây của mình vào. Lâm trường cùng kiểm lâm và xã đã xử lý một số trường hợp nhưng cho đến nay, tình trạng này vẫn khó xử lý.


Đại Dương