Cựu chiến binh Mỹ gia nhập Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

(Dân trí) - Họ là những cựu chiến binh Mỹ, đang sinh sống trên đất nước Mỹ, nhưng đã tự nguyện viết đơn tham gia vào Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng vì mục đích nhân đạo.

Một ngày cuối tháng 4 năm 2012, trụ sở Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng trở nên náo nhiệt bởi sự có mặt của đoàn cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình thuộc Chi hội 160. Sau khi thị sát khu vực bị ô nhiễm chất độc da cam ở Sân bay Đà Nẵng và tận mắt chứng kiến những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, các thành viên trong đoàn đã tự nguyện viết đơn tham gia vào hội.  

Ông 

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, ngày càng nhiều hội viên người nước ngoài tham gia vào hội. Tính từ năm 2005 đến nay đã có 46 người nước ngoài tham gia vào hội, trong đó 26 hội viên là người Mỹ, số hội viên còn lại ở các nước Ý, Pháp, Nhật, Canada…

Người đầu tiên viết đơn tình nguyện tham gia vào hội là Giáo sư Kenneth Jonh Herrmann, Giám đốc chương trình SUNY Brockport Việt Nam (thuộc ĐH Quốc gia New York tại Brockport).

Ông Chuck Palazzo (áo đen) thăm các nạn nhân chất độc da cam

Sau khi tham gia vào hội, ông đã viết thư kêu gọi nạn nhân chất độc da cam lên tiếng và vận động hàng ngàn chữ ký ủng hộ nạn nhân chất độc da cam. Hàng năm, ông đều đưa các đoàn sinh viên của trường đến hoạt động tình nguyện tại các cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin của Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng. Ngoài ra, ông còn tích cực vận động bạn bè, ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam về vật chất.

Trong lá đơn tình nguyện xin tham gia vào Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, giáo sư Kenneth Jonh Herrmann viết: “Vì mục đích nhân đạo, từ thiện, tôi tình nguyện tham gia vào Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng TP Đà Nẵng, nhằm đóng góp một phần công sức, trí tuệ của bản thân vào các hoạt động vận động, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam do hậu quả trong chiến tranh Việt Nam”.

Người hoạt động tích cực nhất là ông Chuck Palazzo, một cựu chiến binh Mỹ từng tham gia chiến tranh ở Đà Nẵng. 

Các hội viên của Hội nạn nhân chất độc da cam là cựu chiến binh Mỹ
Các hội viên của Hội nạn nhân chất độc da cam là cựu chiến binh Mỹ

Trở về Mỹ sau hơn 1 năm tham gia chiến tranh ở Việt Nam, ông bị “hội chứng Việt Nam” nên muốn được trở lại Việt Nam để giải thoát bản thân. Sau khi vào Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng, ông Chuck Palazzo mua các con giống như gà, vịt, heo, bò để cơ sở nuôi dạy trẻ bị nhiễm chất độc da cam ở xã Hòa Nhơn (thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam Đà Nẵng) nuôi nhằm tạo nguồn thực phẩm thường xuyên cho các cháu. Bản thân ông còn tích cực giúp đỡ các gia đình nạn nhân chất độc da cam, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Ngoài ra, ông còn vận động bạn bè mua hai con bò giống tặng hai gia đình nạn nhân chất độc da cam.

Thời gian này, ông ở hẳn tại Việt Nam. “Tôi muốn dành phần đời còn lại cho Việt Nam để chuộc lại những lỗi lầm do chiến tranh gây ra”, ông chia sẻ.

Còn ông Enzo falcom (quốc tịch Ý), trong suốt 1 năm, ông hỗ trợ hàng trăm suất cơm cho các cháu ở Trung tâm nuôi dưỡng các cháu bị nhiễm chất độc da cam. Sau này, ông đã đứng ra xây dựng một trung tâm như thế đã nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu là nạn nhân chất độc da cam.

Những hội viên mang màu da trắng, mái tóc vàng ấy đang dần xóa nhòa những ký ức đau buồn của một cuộc chiến phi nghĩa, xoa dịu những vết thương chiến tranh đang nhói buốt trong thời bình.

Khánh Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm