Chi hơn 59.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương
(Dân trí) - Phương án tăng lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng của Chính phủ được UB Tài chính ngân sách tán thành. Chính phủ dự kiến sẽ chi 59.300 tỷ đồng cho đợt điều chỉnh lương mới từ 1/5/2012.
Về kết quả thu ngân sách vẫn dựa rất nhiều vào nguồn thu từ bán tài nguyên – dầu thô. Cơ cấu nguồn thu chưa vững chắc. Tình trạng trốn lậu thuế, thất thu ngân sách vẫn diễn ra khá phổ biến, ở các mức độ khác nhau.
Về thực hiện dự toán chi, chi đầu tư phát triển vượt dự toán, tăng hơn 23.000 tỷ đồng (15,1%), UB Tài chính ngân sách đánh giá là mức tăng khá cao, đặt trong bối cảnh đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, giảm đầu tư công, việc tăng chi như vậy chưa hợp lý.
Cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện nghiêm túc, chưa khắc phục tình trạng dàn trải. Nhiều dự án chưa cấp bách vẫn được khởi công. Thực tế, nhiều dự án hiệu quả kinh tế thấp vẫn không bị cắt giảm.
Việc cắt giảm 10% chi thường xuyên theo Nghị quyết 11, UB Tài chính đánh giá, đa số các cơ quan chấp hành nghiêm nhưng cơ cấu chi vẫn chưa có tín hiệu thay đổi tích cực, vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong lĩnh vực chi cho con người.
Việc đầu tư chưa thực hiện theo nguyên tắc phân phối theo lao động, theo năng suất hiệu quả, công lao đóng góp nên chưa khuyến khích và thu hút được người tài. Tiền lương cơ bản thấp và mang tính bình quân đã làm mất dần động lực. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, việc trả lương, quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, bậc chủ yếu dựa vào bằng cấp và thâm niên, chưa căn cứ theo yêu cầu vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều người ngạch bậc thấp, tuy làm công việc tốt nhưng vẫn không được trả lương cao.
Việc tinh giảm biên chế chưa được thực hiện triệt để. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho hay, biên chế công chức 5 năm qua tăng 14,67%. Dự kiến biên chế năm 2015 tăng 12,2% so với năm 2010. Biên chế viên chức 5 năm vừa qua tăng 23,73%.
Dự toán, phân bổ ngân sách 2012, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đề xuất tăng 18,4% vốn đầu tư phát triển so với dự toán 2011. Số tiền này được bố trí tăng cao để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho tái cơ cấu kinh tế. Tương tự, vốn bố trí cho các khoản chi thường xuyên cũng tăng 15,5%.
Nhất trí với Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%, UB Tài chính ngân sách vẫn cho rằng, mức tăng vẫn còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu cải cách tiền lương. Cơ quan thẩm tra kiến nghị Chính phủ nên có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương phù hợp nhất.
Về định hướng sử dụng số tăng thu khoảng 54.000 tỷ đồng, Chủ nhiệm UB đề nghị Chính phủ ưu tiên giảm bội chi, tăng chi trả nợ, tăng dự trữ tài chính, bố trí thưởng vượt thu hợp lý cho các địa phương. Số còn lại mới dành cho các nhiệm vụ chi khác, trong đó có chi chuyển nguồn để thực hiện cải cách tiền lương.
Với dự kiến bố trí 9.100 tỷ đồng từ nguồn tăng thu này để giảm bội chi ngân sách năm 2011 xuống mức 4,9%, chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho rằng, do ngân sách TƯ vượt khá, việc giảm bội chi xuống mức 4,8% GDP sẽ hợp lý hơn. Có ý kiến trong UB Tài chính ngân sách còn kiến nghị dành ít nhất 30% số tăng thu để đẩy hẳn mức bội chi xuống 4,6-4,7%.
P.Thảo