Chàng trai liệt toàn thân vẽ tranh, viết thơ bằng miệng

(Dân trí) - Mặc dù nằm bất động một chỗ nhưng chàng trai Phạm Sỹ Long (SN 1988) ở xóm 3, xã Xuân Phổ, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) làm một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải một người bình thường nào cũng có thể làm được.

Cuộc đời khép lại sau cú ngã

Dọc theo con đường độc đạo chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ của Phạm Sỹ Long nằm ém mình sau rặng tre ven đường, trước mắt chúng tôi là hình ảnh một chàng trai trẻ bị liệt toàn thân đang nằm mãi mê dùng miệng vẽ từng bức tranh, từng đôi bồ câu uyên ương bay lượn trên bầu trời. Tiếp chúng tôi bên ấm chè xanh bà Trần Thị Hà (53 tuổi) mẹ của Long bắt đầu kể về nỗi bất hạnh của chàng trai trẻ, Long là con trai duy nhất trong gia đình có 3 chị em, tuy là con trai duy nhất của gia đình nhưng cũng không được cưng chiều như những cậu quý tử khác, lớn lên Long đi học một buổi còn một buổi về chăn trâu giúp mẹ. Năm 2003 vừa mới thi chuyển cấp lớp 9 xong, ở nhà chờ điểm lên lớp 10 nhưng rồi định mệnh đã khép lại cuộc đời sau cú tai nạn ngã từ trên cây xuống.
 
Trước khi vẽ hay nằm người mẹ đều luôn buộc hai chân với thang giường cho đỡ đau suốt 9 năm nay

Trước khi vẽ hay nằm người mẹ đều luôn buộc hai chân với thang giường cho đỡ đau suốt 9 năm nay

Bà Hà kể: Trong một chiều tháng 9/2003 Long đi chăn trâu giúp gia đình, cháu cùng lũ trẻ trong làng trèo lên cây phi lao để chơi, không may cháu tuột chân rơi từ trên cây xuông đất bị gãy 2 đốt cổ đèn. Lúc đó gia đình khó khăn chạy vay mượn được ít tiền đưa ra bệnh viện cấp cứu, tại đây được bác sỹ kết luận cháu bị gãy 2 đốt cổ đèn, không có tiền để mổ kịp thời mãi sau 4 ngày vay mượn được tiền để mổ thì đã quá muộn. Không mổ được đành đưa cháu về nhà chăm sóc cháu đến nay.

Chỉ vì một chút sơ suất mà cuộc đời của chàng trai khôi ngô, thông minh, tháo vát đã khép lại với tấm thân bị liệt hoàn toàn nằm bất động một chỗ thậm chí không tự vệ sinh bản thân được.

9 năm đã trôi qua Long chỉ nằm một chỗ, khoảng 2 ngày lại ngồi xe lăn một lúc cho đỡ mỏi rồi nằm tiếp, giờ tay chân Long ngày càng teo tóp co quắp dần và không cử động được. Suốt chừng ấy thời gian người mẹ luôn túc trực bên con 24/24 giờ, từ miếng ăn đến giấc ngủ và vệ sinh thân thể cho con, nhiều đêm không chợp mắt, bà phải thức để trở mình cho con. Bà rơm rớm, đưa hai bàn tay gầy guộc, chai sạn lặng lẽ lau giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má sạm màu sương gió. Bà kể tiếp, suốt ngày nằm đắp chăn trong nhà nhưng nhìn thấy chúng bạn chạy nhảy nô đùa Long đã có lúc tuyệt vọng, chỉ muốn ra đi để mọi người không phải khổ vì mình nữa. Cái ước mơ, dù chỉ một lần thôi là có được đôi chân, bàn tay lành lặn như chúng bạn của Long mãi mãi chỉ là ước mơ xa vời.
 
Từ việc bấm điện thoại, điều khiển tivi hay vẽ tranh đều bằng miệng

Từ việc bấm điện thoại, điều khiển tivi hay vẽ tranh đều bằng miệng

Vẽ Tranh, viết thơ bằng miệng

Suốt 9 năm trôi qua, Long bắt đầu lóe lên một nghị lực sống. Từ đó Phạm Sỹ Long bắt đầu tập viết chữ bằng miệng, với ý chí thôi thúc Long  quyết định làm một cái gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời mình. Chàng trai trẻ quyết tập viết bằng miệng cho kỳ được, với một người liệt toàn thân, chân tay teo tóp, co quắp chàng trai trẻ nghĩ ra cách học qua tivi và nhìn qua các hình mẫu. Rồi một hôm tình cờ xem ti vi, có chương trình truyền hình nói về khả năng của những con người có số phận không mấy may mắn, bất hạnh nhưng họ vẫn vượt lên chính mình để sống có ý nghĩa hơn. Và chàng trai đã vui sướng khi mình có thể viết được bằng miệng: Miệng ngậm bút rồi dùng hai hàm răng nghiến chặt bút và đưa từng nét chữ tròn trĩnh, đẹp đẽ. 
 
Những chành hoa, tưng đôi chim trên cành là tác phẩm đầu tiên bằng miệng

Những chành hoa, tưng đôi chim trên cành là tác phẩm đầu tiên bằng miệng

Nói là thực hiện, chàng trai trẻ nhờ mẹ mua giấy, bút màu, bút chì, và bút bi về để đầu giường bắt đầu thực hiện hành trình luyện tập gian khó của mình. “nhiều khi miệng đau, cổ mỏi rã rời nhưng vẫn cố tập, sau một thời gian dài luyện tập Long đã vượt lên được khó khăn”. Những con chữ dần dần gọn gàng, sạch sẽ trên nền giấy trắng, thấy con thành công vượt lên được ý chí khiến cõi lòng người mẹ đau khổ như ấm lại. Nhờ có ý chí, nỗ lực của bản thân và những bạn bè xung quanh xóm, cuối cùng Long đã có thể viết tốt.

Cứ thế hạnh phúc lóe lên dần với Long được khỏa lấp dần nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, và công việc bắt đầu sáng tác thơ, vẽ tranh và sáng tác nhạc (lời bài hát). Đó là động lực giúp mình tiếp tục muốn sống, muốn viết, sau 9 năm Phạm Sỹ Long đã sáng tác gần 50 bài thơ tình yêu, cuộc sống và con người, và vẽ hàng chục bức tranh, thiên nhiên hoa cỏ, đồng thời sáng tác và cải biên hơn 11 bài hát.

Long đã có nhiều tập thơ dễ đọc, dễ nhớ và sâu sắc thấm đậm ý nghĩa cuộc sống hiện tại với những vần thơ nói hộ lòng mình để giải bày tâm sự, nỗi lòng không biết tỏ cùng ai.     
 
Hàng chục bài thơ, bài hát được Long viết bằng miệng nhưng chữ rất đẹp
Hàng chục bài thơ, bài hát được Long viết bằng miệng nhưng chữ rất đẹp

Khát vọng sống và yêu của chàng trai liệt toàn thân

Đằng sau những bức tranh, những vần thơ đó là cả một nghị lực vươn lên số phận, mỗi nét vẽ là mỗi nguồn sống của Long. Tai nạn đã cướp đi sự hoạt động của đôi chân Long, nhưng không cướp đi được nghị lực kiên cường trong chàng trai trẻ. Để phát huy hết sức mạnh phần cơ thể còn lại của mình Long đã không ngừng tập luyện, không ngừng nuôi ước vọng sống để làm một điều gì đó có ích.

Bà Hà cho hay, kể từ khi Long viết được nhiều tập thơ tình yêu, vẽ nhiều bức tranh thấy cháu phấn khởi hơn, không bi quan với cuộc sống bệnh tật đau đớn như trước nữa, giờ đây cuộc sống gặp không ít khó khăn vất vả. Toàn bộ tài sản trong nhà đã bán hết để chữa bệnh cho con, nhưng cuối cùng cháu cũng không khỏi được. 9 năm qua nằm một chỗ khiến người mẹ chết dần chết mòn với nỗi đau đớn của đứa con trai duy nhất trong gia đình.

Xuân Bắc –Văn Dũng