Cánh cửa mở rộng mang tên "Nước Nga"

Theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có chuyến thăm và làm việc tại CHLB Nga. Trong đoàn tháp tùng Chủ tịch nước có Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Phùng Đình Thực và một số thành viên Ban Tổng giám đốc.

Dự kiến, Chủ tịch nước sẽ tham dự lễ ký kết một số văn bản quan trọng và tới thăm một số công trình trọng điểm về hợp tác dầu khí giữa hai nước.

Những mốc son đáng nhớ

Mốc son đánh dấu một giai đoạn mới đầy triển vọng của Petrovietnam trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế khi dòng dầu đầu tiên của Liên doanh Rusvietpetro tại Nga được đón nhận vào ngày 30/9/2010 tại mỏ Bắc Khosedaiuskoe (Lô số 1) thuộc thành phố Narian Mar, thủ phủ Khu tự trị Nhenhetxky thuộc Nga. Đây biểu hiện cụ thể nữa của sự hợp tác có hiệu quả giữa các đối tác Việt - Nga trong lĩnh vực dầu khí, bên cạnh Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đang hoạt động khai thác dầu khí hiệu quả tại Việt Nam.

Rusvietpetro - Liên doanh được thành lập bởi Petrovietnam và Tập đoàn Zaruberneft (Nga) vào tháng 12/2008, trong đó Petrovietnam nắm giữ 49% cổ phần. Hai năm 2010 và 2011 là những năm quan trọng đánh dấu bước tiến dài của Liên doanh Rusvietpetro trong việc khai thác thành công các mỏ dầu.

Cánh cửa mở rộng mang tên "Nước Nga" - 1

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam Phùng Đình Thực gắn biển “Công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống ngành Dầu khí” tại mỏ cho Công ty Liên doanh Rusvietpetro

Ngày 29/7/2011, mỏ Visovoi - mỏ thứ 2 của dự án được đưa vào khai thác, nâng tổng sản lượng khai thác dầu của dự án lên hơn 6.000 tấn mỗi ngày (tương đương 44.000 thùng một ngày). Theo tổng kết, năm 2011, Rusvietpetro đạt sản lượng khai thác 1,51 triệu tấn, tương đương 11 triệu thùng dầu (10% sản lượng khai thác dầu thô của Việt Nam năm 2011) với trị giá 1,1 tỉ USD, trong đó phía Việt Nam chiếm 49%. Tổng sản lượng khai thác của các mỏ nằm trong Khu tự trị Nhenhetxky sẽ đạt được đỉnh điểm là 5 triệu tấn trong giai đoạn năm 2014-2015 và sẽ kéo dài trong 7 năm. Rusvietpetro đang chuẩn bị khai thác khu mỏ mới Tây Khosedaiuskoe thuộc khu vực Nhenhetxky với tổng sản lượng dự kiến sẽ vượt 2 triệu tấn trong năm nay, tương đương 15 triệu thùng.

Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Gazprom, tập đoàn dầu mỏ và khí đốt lớn nhất của Liên bang Nga, ông Miller A.B đã đến thăm và làm việc với Petrovietnam và khẳng định, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng ở Việt Nam, Gazprom sẽ đầu tư nhiều dự án vào Việt Nam và Petrovietnam sẽ là cầu nối để Gazprom thuận lợi trong kinh doanh tại Việt Nam. Petrovietnam và Gazprom đã thành lập Xí nghiệp Liên doanh Gazpromviet và đang hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ triển khai nhiều hoạt động trao đổi thông tin, liên kết trong nhiều dự án lớn.

Việt Nam hiện nay thuộc danh sách các nước sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đứng hàng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á với sản lượng khai thác dầu

16-20 triệu tấn/năm. Petrovietnam - Tập đoàn kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam - được đánh giá là một doanh nghiệp hội nhập đa dạng, sâu rộng, toàn diện nhất và sớm nhất ở nước ta. Petrovietnam hiện đã trở thành thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao.

Với trên 50.000 người lao động, tổng doanh thu của Petrovietnam hàng năm đạt 20- 25% GDP cả nước, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 18-20%/năm. Những năm gần đây, nộp ngân sách Nhà nước của Petrovietnam đạt 25-30% tổng thu, tương ứng với khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Petrovietnam đã tích cực phát huy vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là một công cụ hữu hiệu trong điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tham gia tích cực vào bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia và thực hiện công tác an sinh xã hội.

Ngoài việc bảo đảm khả năng tự tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong nước, Petrovietnam luôn là tập đoàn tiên phong trong hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và mở rộng đầu tư ra nước ngoài trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các dạng năng lượng khác bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước.

Việc thành công trong hợp tác khai thác và phát triển công nghiệp Dầu khí giữa Nga và Việt Nam đã mở ra cánh cửa lớn cho Petrovietnam tự tin và phấn chấn bước ra biển lớn. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn công tác lần này chắc chắn sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai nước nói chung và ngành công nghiệp dầu khí nói riêng.

Hội nhập - cơ hội lớn của Petrovietnam

Chiến lược an ninh năng lượng của bất cứ quốc gia nào cũng đều xác định xu hướng hội nhập toàn cầu là tất yếu trong tương lai gần, bởi thị trường năng lượng ngày nay đã dần xóa mờ các biên giới.

Tài nguyên dầu khí quý hiếm, ngày càng cạn kiệt và không thể tái tạo. Hiện nay, đây là nguồn năng lượng, nhiên liệu quan trọng bậc nhất cho cuộc sống con người và phát triển kinh tế xã hội.

Cục diện chung đã thay đổi khoảng 10 năm trở lại đây, tạo ra một kỳ vọng toàn cầu hóa nền tảng khai thác và kinh doanh dầu khí. Sự đổi mới về công nghệ khai thác, sự chuyển đổi dạng thức xuất nhập khẩu, đòi hỏi của mức độ đầu tư, sự phân vùng của tài nguyên, nhu cầu chia sẻ rủi ro... đã đưa ngành Dầu khí thế giới sang một giai đoạn mới với luật chơi mới, đa dạng hóa về cấu trúc và tuân thủ các nguyên tắc của tự do hóa đầy đủ thị trường. Không một nước nào có thể "tự cung tự cấp" toàn bộ và lâu dài từ thượng nguồn đến hạ nguồn, vì vậy không có hợp tác quốc tế thì không thể phát triển ngành đặc biệt này.

Cánh cửa mở rộng mang tên "Nước Nga" - 2

Tháng 3/2012, Tổng giám đốc Petrovietnam Đỗ Văn Hậu (ngoài cùng bên phải) đã tới thăm khu mỏ mới Tây Khosedaiuskoe thuộc khu vực Nhenhetxky của Rusvietpetro đang chuẩn bị vận hành khai thác

Thế giới hiện nay đã biết đến ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam. Tuy đi sau trong lĩnh vực này nhưng Việt Nam lại có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong thăm dò khai thác ở điều kiện địa chất phức tạp, đặc biệt việc tìm ra, đưa đối tượng dầu trong đá móng nứt nẻ vào khai thác, một đối tượng chứa dầu phi truyền thống, đã tạo ra lợi thế đặc biệt của Petrovietnam khi đàm phán hợp tác. Nhiều nước tin tưởng vào năng lực, uy tín của Việt Nam muốn đặt vấn đề với chúng ta hỗ trợ họ để cùng nghiên cứu, tìm ra những đối tượng tương tự như vậy ở nước họ.

Với các nhà đầu tư từ nước ngoài, Petrovietnam đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kêu gọi hợp tác đầu tư thông qua hình thức đấu thầu các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí, các lô ở ngoài thềm lục địa và trong đó chấp thuận cả những trường hợp đấu thầu và đàm phán trực tiếp. Một số vùng khai thác nhạy cảm, PVN sẽ đứng ra đầu tư dẫn dắt và có thể đứng tên thay mặt cho các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn ban đầu.

Theo số liệu mới nhất, vào thời điểm tháng 6/2012, Petrovietnam đang hợp tác thực hiện 25 dự án dầu khí ở 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. PVN xác định đầu tư có trọng điểm vào những khu vực có tiềm năng dầu khí cao và có quan hệ chính trị tốt, đồng thời đa dạng hóa hình thức đầu tư với các công ty dầu khí lớn, vừa để tránh rủi ro, vừa để học tập, hội nhập quốc tế.

Nhìn vào bức tranh tổng thể hợp tác quốc tế của Petrovietnam ta thấy, hoạt động đầu tư dầu khí ra nước ngoài tại Nga và các nước Liên Xô cũ vẫn được Petrovietnam ưu tiên số 1 bởi đây là môi trường nhiều thuận lợi. Tại địa bàn Đông Nam Á, Petrovietnam đang hợp tác với Indonesia và Malaysia. Tháng 9/2006, lần đầu tiên ngành Dầu khí Việt Nam có sản phẩm khai thác dầu khí ở nước ngoài từ lô PM 304-Malaysia. Khu vực thứ ba là khu vực Venezuela và Mỹ La tinh, khu vực này có chính sách thu hút đầu tư vào dầu khí rất mở, nên tiến trình hợp tác khá thuận lợi. Ngoài ra, Petrovietnam cũng tích cực triển khai hợp tác trên địa bàn Trung Đông và Bắc Phi, tuy nhiên diễn biến tình hình bất ổn về chính trị, quân sự tại khu vực này khiến các hoạt động đầu tư dầu khí vẫn còn nhiều trở ngại.

Petrovietnam cũng đã chính thức khai thác mỏ dầu đầu tiên tại Venezuela ngày 19/4/2012. Lô Junin 2 là mỏ dầu có trữ lượng lớn tới hơn 31 tỉ thùng dầu nằm trên vành đai dầu mỏ khí đốt Oricono. Vành đai này có trữ lượng lớn thứ nhì thế giới, và lô Junin 2 có trữ lượng lớn nhất. Dự kiến sang năm 2013, mỗi ngày giàn khoan PDV-39 của liên doanh sẽ cho sản lượng 7.000 thùng dầu siêu nặng. Còn toàn lô Junin 2 sẽ cho sản lượng khoảng 200.000 thùng/ngày và phía Petrovietnam được hưởng 40% trong số đó, theo tỉ lệ góp vốn. Hàng năm, chúng ta có thêm 4 triệu tấn dầu, gần bằng tất cả sản lượng từ các giàn khoan của Vietsovpetro hiện nay cộng lại… Được biết, hợp đồng hợp tác liên doanh giữa ngành dầu khí hai nước có thời hạn tối đa 25 năm nữa với trữ lượng thu hồi khai thác là 1,466 tỉ thùng dầu, trong trường hợp gia hạn thêm 15 năm theo thỏa thuận, sản lượng khai thác có thể lên tới 2,5 tỉ thùng dầu.

Việc Petrovietnam có mặt ở lô Junnin 2 đã nâng thêm tầm và khẳng định uy tín của Petrovietnam trên trường quốc tế. Với việc Venezuela dành cho ta lô Junin 2 và trước đó là chúng ta đã thành công ở Nhenhetxky, chuẩn bị khai thác dầu thương mại ở Algeria thì chúng ta hoàn toàn đủ tự tin bước vào thị trường thăm dò, khai thác dầu trên toàn thế giới. Hội nhập thị trường dầu khí quốc tế đã tạo nên sức bật mới cho Petrovietnam.

Những tiềm năng đang được khai thác

Hiện nay, Petrovietnam đang tích cực thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác tại Cộng hòa Uzbekistan, bao gồm Dự án Hợp đồng dầu khí lô Kossor, Dự án Nghiên cứu kỹ thuật chung khu vực Buhara Khiva, Dự án mở rộng diện tích Hợp đồng lô Kossor. Ký kết Thỏa thuận nguyên tắc Hợp đồng khôi phục, thăm dò, khai thác dầu khí khu vực Muradkhanli, bao gồm 3 mỏ dầu Muradkhanli, Dzafarli và Zardov và nằm trong khu vực nhiều tiềm năng dầu khí trên đất liền của Azerbaijan.

Ngoài ra, với hàng chục quốc gia khác ở khắp các châu lục, Petrovietnam cũng đang xúc tiến đàm phán ký kết các hợp tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, dịch vụ dầu khí như Cuba, Tuynizi, Myanmar, Lào, Campuchia, Congo, Sudan, Qatar...

Ngày 21/6/2012, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) - Công ty con của Petrovietnam - và Công ty dầu khí Perenco SA đã tổ chức lễ ký một số thỏa thuận liên quan đến hợp đồng dầu khí lô 67 tại Peru. Theo đó PVEP sẽ nắm 52,6% cổ phần trong dự án thăm dò và khai thác dầu khí tại đất nước Nam Mỹ này. Theo kế hoạch sẽ có dòng dầu thương mại đầu tiên vào khoảng tháng 7/2013, sau đó đến năm 2016 dự án phát triển hoàn toàn, lúc đó Việt Nam sẽ có trên 20.000 thùng dầu/ngày.

Mới đây nhất, ngày 13/7/2012, đoàn công tác của Petrovietnam và PVEP do Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu dẫn đầu, đã đến làm việc với Bộ Dầu khí Kazakhstan và Công ty Dầu khí Quốc gia Kazakhstan (KazMunaiGaz). Tại đây, lãnh đạo Petrovietnam đã một lần nữa khẳng định mong muốn và quyết tâm của Tập đoàn trong việc thúc đẩy hợp tác với KazMunaiGaz cũng như các đối tác của Kazakhstan trong các dự án dầu khí cụ thể. Các cấp lãnh đạo chính phủ hai nước trên tinh thần quan hệ hữu nghị truyền thống luôn ủng hộ và dành sự quan tâm đặc biệt cũng như sẵn sàng tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho việc thúc đẩy triển khai dự án hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. PVEP và Kaz Munai Gaz đã ký Thỏa thuận nghiên cứu chung tại vùng Usturt (gần biên giới Uzbekistan, nơi Petrovietnam và PVEP đang triển khai hợp đồng Lô Kossor), theo đó trong thời gian tới PVEP sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu và đánh giá tiềm năng dầu khí tại diện tích nói trên. Sau thời gian nghiên cứu, nếu kết quả về tiềm năng dầu khí như mong đợi, các bên sẽ đám phán chi tiết các điều khoản hợp đồng dầu khí. Thỏa thuận nghiên cứu chung nói trên là thỏa thuận hợp tác cụ thể đầu tiên mà Petrovietnam và các đơn vị của Tập đoàn có được tại địa bàn rất tiềm năng này. Đây có thể được xem là bước khởi đầu quan trọng, tạo điều kiện để Petrovietnam tiếp tục tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới. Trước mắt, trong thời gian tới, Petrovietnam và PVEP sẽ làm việc cụ thể với KazMunaiGaz về khả năng cùng tham gia trong một lô diện tích cụ thể bên cạnh diện tích nghiên cứu chung, theo như gợi ý và hướng dẫn của Lãnh đạo KazMunaiGaz. Cũng trong thời gian tại Kazakhstan, đoàn đã có buổi làm việc với các đối tác địa phương, thảo luận các dự án hợp tác tiềm năng do bạn giới thiệu, cũng như khả năng Petrovietnam và các đơn vị có thể tham gia thị trường cung cấp các loại hình dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ khoan) cho các hoạt động dầu khí tại Kazakhstan.

Hai năm gần đây, Petrovietnam đã tổ chức thành công các chương trình xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản (6/2010), tại Hàn Quốc (11/2010), tại Hoa Kỳ (tháng 6/2011) và thời gian tới sẽ tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn tiềm năng châu Âu, thị trường có công nghệ dầu khí tiên tiến.

Sang năm tới - 2013, tại TP Hồ Chí Minh sẽ diễn ra một sự kiện đặc biệt, Hội nghị và Triển lãm ASCOPE (ASEAN Council on Petroleum - Hội đồng Dầu khí ASEAN), gồm 10 công ty dầu khí quốc gia - cơ quan quản lý dầu khí trong khu vực Đông Nam Á, với chủ đề “Đổi mới và hợp tác - Hướng tới tương lai”. Đây là sự kiện dầu khí có uy tín nhất trong khu vực và được tổ chức định kỳ bốn năm một lần, luân phiên giữa các nước thành viên. Sự kiện này sẽ tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên ASCOPE gặp gỡ, trình bày và quảng bá năng lực và thành tựu của mình, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ và các cơ hội hợp tác với các công ty dầu quốc gia, quốc tế và độc lập trên thế giới với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí trong khu vực ASEAN, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và các công ty nước ngoài tới những cơ hội tiềm năng rộng mở ở khu vực đang vươn lên mạnh mẽ này.

Những kế hoạch mang tính chiến lược về thăm dò và khai thác dầu khí của Petrovietnam tại nước ngoài đã khẳng định đó là những chủ trương đúng đắn, táo bạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho lâu dài. Mục tiêu đến 2015, sản lượng ở nước ngoài của Petrovietnam sẽ tăng lên 4-5 triệu tấn và đạt khoảng 8-10 triệu tấn vào năm 2020.

Theo Nguyễn Tiến Dũng
Năng lượng mới