Bất chấp và khiêu khích

Ngay sau khi lệnh cấm bắt đánh cá của Trung Quốc hết hiệu lực ngày 1/8 vừa qua, gần 9.000 tàu thuyền đánh cá của toàn tỉnh Hải Nam của Trung Quốc đã trở lại biển Đông.

Bất chấp và khiêu khích
9.000 tàu cá Trung Quốc đã rầm rộ trở lại biển Đông.
 
Cái lệnh cấm đánh cá nói trên của Chính phủ Trung Quốc vô lý và bất chấp luật pháp quốc tế ở chỗ được Trung Quốc cho áp dụng ở cả những khu vực thuộc chủ quyền rõ ràng của Việt Nam. Bây giờ, Trung Quốc lại sử dụng tàu thuyền đáng cá của họ làm đội quân tiên phong xâm lấn những khu vực thuộc chủ quyền lãnh thổ của quốc gia khác ở biển Đông.

Không phải ngẫu nhiên mà có số lượng nhiều tàu thuyền đánh cá đến như vậy của Trung Quốc sục sạo ở biển Đông. Cũng chẳng thể là tình cờ khi những thuyền tàu đánh cá này được hải quân Trung Quốc hộ tống và bảo vệ. Bất chấp luật pháp quốc tế như thế không thể không gây ấn tượng là đã có tính hệ thống trong chính sách của Trung Quốc ở biển Đông mà ở đâu cũng vậy, từ tính hệ thống đến bản chất trong chính sách là khoảng cách không còn xa.

Khi đặt những động thái mới nói trên vào cùng hàng với những hành động khác nữa của Trung Quốc ở biển Đông thành xâu chuỗi thì cũng lại không thể không đặt ra những câu hỏi về động cơ và mục đích của Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố ủng hộ hoà bình, an ninh và hợp tác ở biển Đông, nhưng trong hành động thì hoàn toàn ngược lại. Trung Quốc đã ký với ASEAN từ năm 2002 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), nhưng mọi hành động của Trung Quốc ở biển Đông lại không thể được coi là phù hợp với tinh thần và lời văn của DOC.

Thậm chí mức độ xâm lấn và gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông còn rõ ràng hơn, công khai hơn và thô thiển hơn. Ở đây cũng cần phải nói thêm rằng khoảng cách từ bất chấp luật pháp quốc tế đến khiêu khích không phải là xa.

Biển Đông không phải là khu vực duy nhất mà Trung Quốc đưa ra những yêu sách vô lý về chủ quyền lãnh thổ. Nhưng chỉ ở đây cho tới nay mới thấy mức độ và cung cách hành xử như thế của Trung Quốc. Lý do chỉ có thể ở chỗ nơi đây Trung Quốc hiện có ưu thế về hải quân, nên họ muốn tạo sự đã rồi trước khi có sự thay đổi tương quan lực lượng vào thời điểm nào đấy trong tương lai. ASEAN hiện lại chưa có được sự đồng thuận cần thiết về Trung Quốc liên quan đến biển Đông. Chừng nào còn như thế thì chừng đó nguy cơ đối với hoà bình, an ninh và hợp tác ở biển Đông chưa thể hoàn toàn bị loại trừ.
 
Theo Lư Phổ Ân
Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm