TPHCM:

Ẩn họa khôn lường từ những vụ sà lan “đội” cầu trên sông

(Dân trí) - Do triều cường dâng cao bất ngờ, cùng với việc cơi nới để tăng diện tích chất hàng, nhiều sà lan đã mắc kẹt khi qua cầu. Tình trạng sà lan “đội” cầu ở TPHCM đang đến hồi báo động.

Đủ kiểu “đội” cầu

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy xảy ra trên địa bàn TPHCM do nước triều dâng cao và chủ sàn lan “ngoan cố”. Vào dịp cận Tết, khi các chuyến tàu Bắc Nam lưu thông qua cầu Bình Lợi ngày càng nhiều thì vấn đề sà lan “đội” cầu càng đáng báo động với những hậu quả khó lường.

Rạng sáng 15/4/2010, sà lan trọng tải 990 tấn do tài công Nguyễn Văn Hùng điều khiển lai dắt ngang qua cầu Bình Lợi, hướng từ tỉnh Bình Dương về TPHCM. Khi qua được khoảng 2/3 thì đuôi sà lan vướng gầm cầu đường sắt rồi kẹt cứng ở đó. Nước thủy triều đang lên khiến đường sắt trên cầu bị đội vồng lên 10 ly.

Ẩn họa khôn lường từ những vụ sà lan “đội” cầu trên sông - 1
Nhức nhối vấn nạn sà lan “đội” cầu ở TPHCM (ảnh: internet)

Ngay lập tức nhân viên trực cầu báo cho Sở Cảnh sát PCCC TPHCM tới giải cứu sà lan. Lúc này, thủy triều đang dâng cao nên lực lượng cứu hộ phải dùng công cụ hàn gió đá cắt 4 trụ sắt trên sà lan bị vướng vào cầu, khoét 2 lỗ ở 2 bên thân sà lan để bơm nước vào khoang cho sà lan chìm xuống. Hậu quả, 5 chuyến tàu hỏa bị chậm chuyến. Các phương tiện giao thông đường thủy phải tránh xa cầu. Đến 6 giờ sáng hôm sau, đoàn tàu SE 1 Hà Nội - Sài Gòn mới được cho đi qua.

Ngày 7/11/2010, CSGT đường thủy phải huy động ca nô để hướng dẫn các phương tiện đường thủy và sà lan ở hạ lưu cầu Bình Lợi nhằm tránh xảy ra sự cố va chạm thành cầu. CSGT đường sông đã phát loa báo độ tĩnh không liên tục, để điều tiết giao thông cho các sà lan đang chui qua cầu. Nguyên nhân, do triều cường liên tục lên cao khiến hàng trăm sà lan đã phải neo đậu lại ở khu vực hạ lưu, cách chân cầu khoảng 50m để đợi nước rút xuống. Do mật độ neo đậu trên sông dày đặc đã gây nên tình trạng ùn tắc trên sông. Nguy cơ sà lan đội cầu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mới đây nhất, một vụ kẹt sà lan nghiêm trọng đã xảy ra trên sông Sài Gòn vào sáng ngày 6/1/2011. Hầu hết các phương tiện đường thủy đều phải neo đậu lại phía thượng nguồn do triều cường dâng cao, không thể lưu thông qua cầu.

Không những sà lan đội cầu vì triều cường, mà còn do ý thức bất chấp luật lệ giao thông của các tài công. 11h ngày 28/11/2010, sà lan số hiệu VL1349 tải trọng 872 tấn lưu thông theo hướng từ Sài Gòn về Bình Dương khi qua khu vực cầu Bình Lợi đã va vào dầm cầu tại vị trí nhịp 3 làm gối cầu bị dịch chuyển 5 cm. Sau khi gây sự cố, chiếc sà lan này đã bỏ chạy nhưng liền bị CSGT đường thủy tóm gọn.

Cây cầu 100 tuổi… kêu cứu!

Cầu Bình Lợi không chỉ là nơi cho các loại xe  2 bánh đi qua mà trên cầu còn là tuyền đường sắt Bắc - Nam. Dưới cầu, hàng trăm phương tiện đường thủy ngày đêm lưu thông. Tuy nhiên, câu cầu 100 tuổi này đang “kêu cứu” vì tình trạng sà lan “đội” mỗi khi triều dâng.

Không ít lần cầu Bình Lợi bị đội lên, cong cả đường ray vì sự “ngoan cố” của tài công khi cho sà lan cố gắng chui qua khoảng thông thuyền thấp bé rồi bất ngờ kẹt lại. Cũng không ít lần phương tiện thủy va vào dầm cầu làm lệch gối cầu gây thêm thương tích cho cây cầu vốn đã quá già nua.

Tâm sự với chúng tôi, một nhân viên lý đường sắt qua cầu Bình Lợi cho biết nếu đường ray chỉ cần vênh nhẹ hay bất cứ chi tiết nào trên cầu bị “trật khớp”, không ai tưởng tượng nổi điều gì sẽ xảy ra khi những chuyến tàu Bắc Nam đang lao qua.

Ẩn họa khôn lường từ những vụ sà lan “đội” cầu trên sông - 2

Sà lan “đội” phải đường sắt trong những ngày cận Tết sẽ gây ra hậu quả khó lường (ảnh: Công Quang)

 UBND TPHCM vừa chỉ đạo Công an TPHCM phối hợp với Sở GTVT, Sở NN&PTNT cùng các địa phương có tuyến sông nước triển khai các kế hoạch phòng ngừa tai nạn đối với các công trình vượt sông trên địa bàn thành phố. Tổ chức khảo sát các cảng, bến nằm trong hành lang bảo vệ cầu, phát hiện những biển báo hiệu hư hỏng không còn tác dụng hoặc những biển báo hiệu thiếu, chưa hợp lý, có chướng ngại vật dưới dòng sông... nhằm có phương án kịp thời xử lý.

TP hiện còn khá nhiều cây cầu có độ thông thuyền thấp nên chỉ cần chủ phương tiện chủ quan, tính toán chênh lệch dao động của con nước thì khả năng va đập vào cầu rất cao. Còn nhớ, sự cố sà lan đứt neo húc vào gầm cầu Thị Nghè xảy ra chiều 17/11/2009 là một minh chứng về sự chủ quan đến mức cẩu thả của tàu công. Thực tế, trên địa bàn TPHCM, hiện đang có rất nhiều cây cầu đang chung số phận với cầu Bình Lợi. Vì vậy, “sức khỏe” của cầu Bình Lợi cũng như những “bạn già” đang đến hồi kêu cứu!

Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, từ bao đời nay, sông Sài Gòn là tuyến giao thông đường thủy độc đạo về Bình Dương nên thuyền bè ngược xuôi đông đúc. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, nhiều công trình ở khu Rạch Chiếc (TPHCM) và các huyện ở Bình Dương mọc lên như nầm. Sà lan chở cát, đá cứ ùn ùn đổ về phục vụ công trình làm cho lượng sà lan lưu thông trên sông tăng đột biến.

Các biện pháp để giải cứu cầu Bình Lợi như: nạo vét để tăng độ sâu luồng hay chuyển hướng lưu thông, cấm một số phương tiện đi qua ngả này xem ra không khả thi. Phương án nâng cầu Bình Lợi lên cao cũng đã nghĩ tới nhưng lại vướng tuyến đường sắt đi qua cầu. Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ - CATP cho rằng, đặc điểm của cầu sắt Bình Lợi là dùng chủ yếu cho các tuyến tàu Bắc - Nam chạy qua, mặt cầu phải phẳng và độ cao không được quá quy định an toàn cho tàu chạy qua. Vì vậy, nếu nâng cao khoảng không thông thuyền cầu sắt Bình Lợi lên 2m thì ít nhất độ thoải của cầu phải dài mỗi bên gần 2 km, rất tốn kém.

Xem ra, phương án cứu cầu Bình Lợi chỉ còn cách tăng cường tuần tra, điều tiết các phương tiện đường thủy qua lại khu vực này nhằm giảm thiểu những đáng tiếc xảy ra.

Công Quang