(Dân trí)- Những dòng phê bằng mực son giúp ta hiểu được phần nào tính cách con người của từng vị vua. Vua Gia Long giản dị, vua Minh Mệnh đầy uy quyền, vua Tự Đức chăm chỉ mỗi lần phê, vua Thiệu Trị hiền hòa hay vua Khải Định nho nhã nhưng bạc nhược…
128 phiên bản tài liệu của mười vị vua triều Nguyễn được giới thiệu đến đông đảo công chúng trong triển lãm “Ngự phê trên châu bản triều Nguyễn 1802 - 1945” khai mạc tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), vào sáng 15/8.
Trong triểm lãm này, Châu bản được trưng bày có niên đại từ thời Gia Long đến Bảo Đại, là văn bản hành chính bằng giấy dó hàng trăm năm tuổi do các cơ quan chính quyền triều Nguyễn soạn thảo. Trên đó, nhà vua “ngự lãm” hay “ngự phê” bằng mực son màu đỏ truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết cá vấn đề trên mọi lĩnh vực của đất nước. Đây là điểm độc đáo nhất của chế độ văn thư triều Nguyễn so với các triều đại phong kiến khác.
Ngự phê thường có các hình thức: châu điểm, châu khuyên, châu phê, châu mạt, châu sổ, châu cải. Qua đó, thể hiện tư tưởng chỉ đạo, xử lý chính trị của nhà Vua trên văn bản cũng như cách thức phê duyệt trên chế độ văn thư triều Nguyễn.
Vua Bảo Đại ngự phê : "Chuẩn y phát chẩn cho dân nghèo Thanh Hóa..."
Hơn 100 Châu bản mang nội dung phong phú với nhiều hình thức như: tấu, phụng, thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, sớ… Thông qua những Châu bản ở triển lãm, người xem không chỉ thấy được tình hình kinh tế, chính trị đương thời mà còn hiểu được những lĩnh vực khác như: thời tiết, nông nghiệp, chi lương, thăng bổ quan lại. Như nội dung ngự phê của vua Minh Mệnh tập trung chỉ đạo các chính sách khuyến nông nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp cùng những cải cách trong giáo dục, tuyển chọn nhân tài, hoàn thiện luật pháp… Hay vua Duy Tân tuy lúc lên ngôi mới 8 tuổi song đã đặc biệt quan tâm đến việc học hành, thi cử ở các trường thi. Cho thấy tình yêu nước, thương dân của nhà Vua trong việc quan tâm đến mọi vấn đề của đời sống nhân dân.
Những dòng phê bằng mực son còn giúp ta hiểu được phần nào tính cách con người của từng vị vua. Vua Gia Long vừa giản dị, chân thành, vua Minh Mệnh đầy uy quyền, vua Tự Đức chăm chỉ mỗi lần phê còn dài hơn lời tâu, vua Thiệu Trị hiền hòa hay vua Khải Định nho nhã nhưng bạc nhược… Hơn thế, mỗi Châu bản là một câu chuyện gắn liền với lịch sử, văn hóa Việt Nam. Sau năm 1983, kể từ thời Kiến Phúc, đất nước chịu ách xâm lược của thực dân Pháp, quyền hạn của nhà vua cũng như triều đình Huế bị giới hạn đáng kể. Tuy nhiên, ngự phê của những vị vua thời này cho thấy tinh thần anh dũng chống thực dân Pháp. Như vua Tự Đức có ngự phê năm 1874 xét tội các quan làm mất thành Hà nội. Vua Thành Thái ngự phê trên châu bản đồng ý cho đặt mua báo bằng tiếng nước ngoài để học Pháp nhưng với mục đích chống Pháp chứ không phải làm tay sai. Vua Duy Tân lên ngôi lúc 8 tuổi đã tỏ vẻ bất bình với quan lại Pháp khi người của họ nắm hết quyền hành.
Châu bản ngự phê : Đến kì Hợp hưởng Xuân hưởng phái Ưng Tring xung vào
các án thứ 4 Thái miếu cùng các thân công làm lễ sớm cho xong...
Trong khuôn khổ triển lãm, các đời vua từ Gia Long đến Khải Định chỉ ngự phê bằng chữ Hán duy có ông vua cuối cùng - Bảo Đại sử dụng cả ba thứ ngôn ngữ: Pháp, Hán và chữ quốc ngữ. Ngự phê của Bảo Ðại nội dung chủ yếu bàn việc kinh tế, thưởng phạt quan lại, tế lễ ngoại giao... Bản ngự phê bằng chữ quốc ngữ duy nhất được viết vào ngày 3 tháng 3 năm 1945, trước thời điểm Nhật đảo chính Pháp với nội dung chuẩn y đem phát chẩn cho dân nghèo Thanh Hóa.
Bố cục của triển lãm được thiết kế gồm 10 phần giới thiệu Châu bản đi kèm với hình ảnh của từng vị vua nhà Nguyễn. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để tiếp cận, nghiên cứu lịch sử và so sánh với những triều đại phong kiến khác của nước ta. Qua triển lãm này, người xem hiểu thêm về chế độ văn thư triều Nguyễn cũng như tư tưởng chính trị của từng vị vua Nguyễn. Trao đổi về nội dung của triển lãm, PGS.TS Nguyễn Văn Hàm (Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH &NV) cho biết: “Qua những Châu bản ở đây ta thấy thời đó vua nắm mọi quyền quyết định. Mỗi lời phê cho thấy tính cẩn thận của va trong từng câu, chữ. Mỗi văn bản thể hiện tính cách, uy quyền khác nhau của từng vị vua. Nhìn chung triều Nguyễn quan tâm đến đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế, quân sự trong nước. Đây là nguồn tài liệu để nghiên cứu, đối chiếu các giai đoạn khác nhau trong lịch sử dân tộc. Cũng là di sản lịch sử, di sản Hán Nôm quý giá”.
Vua Duy Tân phê chuẩn Bộ Lễ tấu về việc phái cử quan chức làm lễ tuyên phong cho 4 vị Quận công.
Vua Bảo Đại ngự phê "Demande rejettée" (bác đơn) Bộ Lễ ghi Công tác
đề nghị bác đơn mục sư IRWIN có liên quan đến Hoàng Trọng Văn.
Vua Gia Long ngự phê :"Tiết tiểu hàn đã qua, đang dần đến ấm áp, chính là lúc mong khỏe mạnh"
Vua Thành Thái ngự phê :"Giao cho viện cơ mật xét cấp" phê chuẩn việc đặt mua báo L'Opionion