Rộn ràng tiếng đêm!

(Dân trí) - Là tiếng ầm ầm của xe cộ đi lại, tiếng rao khắc khoải mong chờ có người mua, tiếng thở đều đều của người đang ngon giấc hay đơn giản chỉ là tiếng đập cánh khe khẽ của con côn trùng đi ngủ muộn. Tiếng đêm lắng lại, không đặc quánh nhưng vơ vẩn buồn...

Thành phố về đêm, không yên bình cũng không náo nhiệt nhưng cũng đủ gợi những điều trăn trở nhất. Chiếc ô tô lao đi ầm ầm cuốn theo làn bụi trắng mờ đục cho tiết kiệm thời gian và cũng để kéo đoạn đường ngắn hơn.
 
Một vài chiếc xe máy về muộn cũng vun vút trong ánh đèn loang loáng nhưng đủ nhận ra gương mặt mệt mỏi của người cầm lái. Lóc cóc những chiếc xe đạp cà tàng đã củ rỉ chở phía sau những bánh mì, xôi nóng trong tiếng rao quen thuộc nhưng vẫn ít người mua.
 
Thỉnh thoảng điểm trong đêm còn là tiếng ho lụ khụ lúc chuyển mùa hay tiếng giật mình của đứa bé trong cơn mê...

Lắng nghe tiếng trong đêm (Nguồn ảnh Internet)

Lắng nghe tiếng trong đêm (Nguồn ảnh Internet)

Tiếng đêm không ồn ã như ban ngày nhưng đủ sức hối hả, không tĩnh lặng như ở vùng quê vắng nhưng đủ gợi buồn. Người còn thức khẽ tai lắng nghe tiếng thở đều đều trong những căn nhà ấm áp để rồi lại chạnh lòng nghĩ phận mình.
 
Người đang ngon giấc cũng có lúc giật mình thức dậy mở cửa sổ nhìn ra ngoài để rồi lại trằn trọc thao thức khi có người chưa được về nhà. Làn xe qua đi trả lại cho con phố một vài giây tĩnh lặng rồi lại vội vã đón chờ đợt tiếp như những đợt sóng không lúc nào ngơi nghỉ.
 
Nhịp sống vẫn cứ chảy trôi cho dù có ai đó nói “thành phố ngủ rồi”...
 
Tiếng đêm còn lạch cạch qua những vòng xe của người đi chợ sớm để nhận cho mình được chỗ bán hàng thuận tiện nhất vào sáng ngày mai. Là tiếng gió rít qua hàng cây đang yên lặng tạo nên những thanh âm xào xạc để rồi một chiếc lá lìa cành khi đang còn nhắm mắt.
 
Là tiếng líu ríu của đàn chim nhỏ giật mình vì lạnh nên vộ vàng nép vào cánh mẹ, tiếng cựa mình đạp vỏ của một mầm non thích nhú để rồi sớm mai nhận được cái nhìn kinh ngạc. Thanh âm trong đêm như thế ồn ào, nhanh vội nhưng cũng khe khẽ như thì thầm thủ thỉ.
 
Đã bao lần nghe tiếng đêm nhưng cảm xúc cứ buồn man mác để rồi lắng lại thành nỗi ám ảnh. Một ngày 24 tiếng cho lao động, vui chơi và cả những giây phút nghỉ ngơi nhưng dường như thành phố không bao giờ ngủ.
 
Nhịp sống khác nhau tạo nên những cung bậc âm thanh lệch nhau chẳng khớp để rồi lại nghĩ suy và thốt lên những tiếng “giá như” chẳng biết đến bao giờ thành hiện thực.
 
Tiếng đêm vẫn thế, cứ âm ỉ trong một màu tối có pha sẵn ánh đèn để mà tỉ tê kể những câu chuyện không bao giờ ngớt. Người buồn, người vui, người khóc, người cười… đều có âm thanh riêng như chính nỗi lòng sâu thẳm. Lắng nghe để rồi một lần nữa vẫn thảng thốt giật mình “ước gì” “giá như thế” …
 
Có lẽ sẽ chẳng bao giờ thành phố ngủ yên bình, thoải mái và mang nụ cười vào cả giấc mơ.

 

Với việc ra mắt mục Phóng sự trẻ, đúng như tên gọi, chuyên mục mong muốn có được một sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có đam mê với công việc của người làm báo. Chúng tôi muốn gọi họ như những “người làm báo trẻ” kế cận để hòa với nhịp chuyển động của thông tin.

 

Phóng sự trẻ muốn đón nhận những tác phẩm qua lăng kính của các bạn trẻ về các mảng nội dung liên quan đến chân dung con người, sự việc, hiện tượng, tập quán… mà bạn có dịp khám phá, tìm hiểu.

 

Phóng sự trẻ - tiếng nói của giới trẻ, sân chơi của giới trẻ. Và vì thế, để chia sẻ “sắc trẻ” đó tới hàng triệu độc giả, hãy bắt đầu từ hôm nay để thử sức viết của mình trên chuyên mục.

 

Cùng với việc ra mắt thêm nhiều nội dung mới trên trang Văn hóa, Giải trí, Phóng sự trẻ ra mắt không nằm ngoài mục đích đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin và văn hóa đọc tới độc giả khắp mọi nơi, trong đó có giới trẻ.

 

Tham gia Phóng sự trẻ, những bài được chọn đăng của các bạn sẽ được trả nhuận bút hấp dẫn theo quy định của Tòa soạn.

 

Tin, bài, hình ảnh, video xin gửi về hòm thư: nhipsongtre@dantri.com.vn và xin đề mục cần gửi tới Phóng sự trẻ.

 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

 

Vũ Ân