“Sản xuất ô tô không khó!”
(Dân trí) - Đó là tuyên bố của ông Li Shufu, chủ tịch công ty Geely vừa hoàn tất hợp đồng mua lại thương hiệu Volvo từ Ford, người được mệnh danh là Henry Ford của Trung Hoa.
Mua Volvo là thương vụ quốc tế lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, và là minh chứng cho dấu ấn ngày một rõ rệt của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Thương vụ cũng thể hiện khát vọng của Bắc Kinh xây dựng các thương hiệu toàn cầu, gặt hái cả danh tiếng và lợi nhuận để đưa Trung Quốc từ chỗ là công xưởng của thế giới trở thành một cái tên gắn liền với chất lượng và sáng tạo.
Ông Li Shufu, 47 tuổi, là con trai của một gia đình làm nông ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Khi bắt đầu công việc sản xuất ô tô vào năm 1997, ông đã phải gạt bỏ nhiều ý kiến nói rằng ông chẳng có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực ô tô.
Vậy nhưng, “sản xuất ô tô không khó, chỉ là 4 bánh xe và hai chiếc sofa,” ông nói, và đã chứng minh điều đó.
Xuất thân và cá tính của ông có một số điểm chung với huyền thoại Henry Ford của ngành công nghiệp ô tô thế giới, như tuổi thơ ở nông thôn và một quyết tâm sắt đá xây dựng một đế chế sản xuất ô tô từ con số 0. Vì vậy, có lẽ là định mệnh khi ông mua thương hiệu Volvo từ chính công ty do Henry Ford sáng lập.
Đã có hàng loạt sự kiện không may đưa Geely tới chỗ mua được thương hiệu Volvo từ Ford.
Hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới rơi vào khủng hoảng tài chính, Ford liên tiếp báo những mức lỗ kỷ lục, còn các nhà sản xuất ô tô hàng đầu như GM cũng chao đảo. Trong khi đó, Geely, lại đang có lãi và vươn lên nhanh chóng ở Trung Quốc.
Ông Lawrence Ang, giám đốc Geely Automotive, cho biết giờ đây đã là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, nhưng ông Li sống trong một căn hộ giản dị ở Bắc Kinh.
Ông đã khởi nghiệp khá khiêm nhường. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông mua một chiếc máy ảnh và mở một hiệu ảnh trong làng. Tiền kiếm được từ tiệm ảnh, ông đầu tư vào ngành kinh doanh phế liệu điện tử, trước khi chuyển sang ngành linh kiện điện lạnh vào năm 1984.
Kế đến là lĩnh vực xe máy, khi ông mua lại một công ty nhà nước đang thua lỗ vào giữa thập niên 90, và biến nó thành một thương hiệu nội địa nổi tiếng Trung Quốc. Sau đó, ông nhanh chóng lấn sân sang lĩnh vực ô tô và biến công ty của mình thành một trong những nhà sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Trung Quốc, với mục tiêu doanh số 400.000 xe trong năm nay.
Giống như Henry Ford, ông Li dồn tập trung vào thị trường phổ thông, với các mẫu xe như Free Cruiser và Geely Kingkong, với giá bán chỉ từ 40.000 nhân dân tệ (gần 6.000 USD). Ngược lại, mẫu xe đắt nhất của Volvo là XC 90 có giá bán tới 205.000 USD tại Trung Quốc.
Ngày càng quan tâm tới việc mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài, ông Li cũng đang để mắt tới thương vụ tăng cổ phẩn trong Manganese Bronze, nhà sản xuất taxi đen đang bị thua lỗ của Anh, bằng việc giành cổ phần kiểm soát công ty và chuyển bớt việc sản xuất xe taxi TX4 sang Trung Quốc.
Geely đang đứng trước một số rủi ro, đặc biệt là nếu ông Li giữ lời hứa giữ nguyên các nhà máy và nhân công của Volvo. Tiếp nhận một công ty có doanh thu lớn gấp 5 lần Geely sẽ là một thách thức. Giới phân tích ngành ô tô cũng cảnh báo rằng hầu hết các vụ mua thương hiệu ô tô nước ngoài của Trung Quốc đều thất bại.
Tuy nhiên, ông Li hiện có được những hậu thuẫn vững chắc, trong đó có một khoản đầu tư lớn từ Goldman Sachs.
Gần đây, ông Li có một số bước tiến quan trọng trong lĩnh vực chính trị. Hiện ông là thành viên của Hội đồng tư vấn chính trị quốc gia.
Thương vụ mua Volvo của ông được chính phủ công khai ủng hộ, ngược với vụ mua Hummer trước đây của Tengzhong, một công ty máy công nghiệp nhỏ ở Trung Quốc. Hummer cuối cùng bị tập đoàn GM tuyên bố khai tử sau khi không bán được cho Trung Quốc.
“Ông Li thực sự là người có tầm nhìn. Ông ấy là người mà bạn không nên đánh giá thấp,” lãnh đạo của một tập đoàn ô tô lớn của Trung Quốc (đề nghị giấu tên) nói. “Tôi nghĩ ông ấy có cơ hội lớn để thành công với thương vụ Volvo thì ông ấy có sự hậu thuẫn của chính phủ, và trên hết là thị trường Trung Quốc rộng lớn.”
Nhật Minh
Theo Reuters