Người hùng của Ford: Alan Mulally

(Dân trí) - Không phải ngày nào tổng thống Mỹ cũng công khai khen ngợi xe của một công ty nào đó sản xuất, nhưng vinh dự này đã đến với Alan Mulally, giám đốc điều hành của Ford.

 
Người hùng của Ford: Alan Mulally - 1
Tổng thống Mỹ Obama bắt tay ông Alan Mulally tại cuộc họp báo tổ chức tại Nhà Trắng hôm 19/5 để công bố tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu mới đối với ô tô lưu hành tại Mỹ (Ảnh: Getty)   Giữa các nhà hoạt động môi trường, quan chức chính phủ và giám đốc điều hành (CEO) của 3 nhà sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ - GM, Ford và Chrysler, tổng thống Barack Obama đã tuyên bố đến năm 2016, các công ty ô tô phải sản xuất xe có mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 35,5 dặm/gallon (6,6 lít/100km), so với mức 27,5 dặm/gallon (8,55 lít/100km) hiện tại.   Sau đó, khi rời bục phát biểu, ông Obama nói: “Nhân tiện, tôi chỉ muốn nói rằng tôi nghĩ là chiếc xe Ford của tôi vẫn để ở Chicago. Đó là một chiếc Ford hybrid. Nó chạy rất tuyệt. Các bạn nên xem thử.” Ông Mulally lập tức nở nụ cười tươi và lặp lại một cử chỉ đã trở nên nổi tiếng của ông - giơ cao bàn tay nắm chặt thể hiện sự hài lòng.  
Người hùng của Ford: Alan Mulally - 2
  Trở lại mùa thu năm 2006, khi Mulally rời bỏ vị trí điều hành phân nhánh máy bay thương mại mà ông đã gắn bó lâu năm tại Boeing để về đầu quân cho Ford, thì đây là tập đoàn đang ở trong tình trạng tệ nhất trong “tam đại gia” ô tô Mỹ. Đến nay, cục diện đã thay đổi.   Dù lỗ 14,6 tỷ USD trong năm 2008 và không nhìn thấy tương lai lãi trở lại trước năm 2011, nhưng chắc chắn tình hình của Ford hiện nay khá hơn nhiều so với Chrysler hay GM. Chưa ngấp nghé bờ vực phá sản và cũng chưa phải dùng tới tiền hỗ trợ của chính phủ, Ford vẫn đang nắm số phận của chính mình.   Dưới sự lãnh đạo của CEO Alan Mulally, Ford đã bán các tài sản không thực sự quan trọng cho tương lai sống còn của tập đoàn, như thương hiệu Jaguar, và dồn tập trung phát triển thương hiệu Ford, với một số mẫu xe mới: Fusion hybrid cách đây 2 tháng, mẫu Taurus mới cải tiến trong mùa hè này, và Fiesta vào năm sau.   Giám đốc tài chính Lewis Booth của Ford cho biết: “Alan là một người có thái độ sống đặc biệt tích cực. Trong những lúc khó khăn như hiện nay, mọi người cần nhìn thấy hy vọng, và Alan truyền hy vọng rất tốt.” Nói cách khác, ngoài tư cách giám đốc điều hành của Ford, ông Mulally còn là “người truyền lửa”.   Những người quen biết Mulally đều nói rằng bên dưới vẻ lạc quan, hài hước là một cá tính doanh nhân quyết liệt và cực đoan. Bằng chứng là những gì ông Mulally đã làm với Ford trong 3 năm qua. Ông đã tới và xé tan văn hóa bài ngoại, bảo thủ của Ford. Ông tổ chức các cuộc họp đều đặn vào mỗi sáng thứ Năm với lãnh đạo các bộ phận, để tìm hiểu tất cả mọi vấn đề tồn tại trong công ty. Không một sự thật nào có thể qua mắt ông.   Bất chấp sự phản đối của đa số thành viên ban lãnh đạo, Mulally vẫn cho cải tiến mẫu Taurus. Ông thuộc mẫu người dám nghĩ dám làm. Ông đã nỗ lực biến Ford thành một công ty toàn cầu thực sự, giống mô hình của Toyota hơn là một công ty ô tô “đặc chất Mỹ”. Điều đó có nghĩa là những mẫu xe thành công ở một khu vực thị trường sẽ được triển khai cho các thị trường khác - điều chưa từng xảy ra trước đó. Việc Ford sẽ giới thiệu Fiesta - mẫu xe rất thành công tại châu Âu - sang Bắc Mỹ vào năm sau là một ví dụ.   Nhưng người ta đang đặt ra câu hỏi: liệu Fusion hybrid, Fiesta, Taurus và các mẫu xe mới khác của Ford có hấp dẫn được người tiêu dùng Mỹ? Nếu không có những khách hàng nhiệt tình thì sẽ không có sự hồi phục nào cho Ford, dù ông Mulally tái cơ cấu và “truyền lửa” cho Ford tốt đến đâu.  
Người hùng của Ford: Alan Mulally - 3
Ông Mulally giới thiệu một mẫu xe sạch của Ford với tổng thống Mỹ George W. Bush hồi năm 2007   Mẫu Taurus thế hệ mới không có gì giống với loại xe từng bán chạy nhất tại Mỹ. Taurus thế hệ cũ thuộc dòng sedan gia đình, còn xe thế hệ mới thể thao hơn, nhưng lại tỏ ra không phù hợp với nhu cầu sử dụng của các gia đình, vì kích thước nhỏ. Mẫu Fiesta cũng vậy, và Fusion hybrid cũng không phải là một mẫu xe cỡ lớn. Thế mạnh của Ford Fusion hybrid là mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình 5,7 lít/100km, ít hơn Toyota Camry hybrid khoảng 1,5 lít/100km; nhưng liệu đó có phải là những gì người Mỹ thực sự cần?   Đây là một câu hỏi lớn, không chỉ cho ông Mulally mà còn cho cả nước Mỹ. Với các quy định mới về mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình mà tổng thống Mỹ vừa công bố, các công ty sẽ phải sản xuất xe tiết kiệm nhiên liệu hơn, tức là những chiếc xe nhỏ và nhẹ hơn. Mùa hè năm ngoái, giá xăng lên tới mức 4 USD/gallon và người tiêu dùng Mỹ bắt đầu nghĩ tới việc phải mua xe tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng nay giá xăng đã giảm một nửa, nên không có gì ngạc nhiên nếu người Mỹ trở lại với niềm đam mê SUV và các dòng xe tốn xăng khác. Khi đó, các công ty ô tô Mỹ sẽ lại say sưa sản xuất loại xe cỡ lớn và bỏ ngỏ thị trường ô tô con cho Toyota và Honda, và cũng quên luôn cách làm thế nào để kiếm được lợi nhuận từ dòng xe con. Nhưng khi vấn đề này được đưa tới Mulally, ông khẳng định rằng Ford sẽ vẫn có thể kiếm tiền từ ô tô con.   “Đây sẽ là những chiếc xe được ưa chuộng trên toàn thế giới. Chắc chắn có thị trường dành cho ô tô con tại Mỹ, Honda và Toyota đã chứng minh điều đó,” ông nói. Theo Mulally, dù giá xăng đã giảm mạnh, nhưng trước sau gì cũng sẽ tăng trở lại và ngày mà các công ty ô tô Mỹ có thể kiếm tiền từ việc chỉ bán ô tô tiết kiệm nhiên liệu đang tới gần.   Ngay sau khi tổng thống Mỹ công bố tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu mới cho ô tô tại Mỹ, nhà phân tích Patrick Archambault của Goldman Sachs đã viết rằng các công ty sẽ vất vả trong việc đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn mới, nhưng Ford là công ty có sự chuẩn bị tốt nhất trong “tam đại gia” ô tô Mỹ trong lĩnh vực này. Và ông Mulally hẳn thấy mát mặt khi nghe nhận xét này.   Nhật Minh Theo NYT