Kiềm chế nóng nảy khi lái xe

Văn hóa không chỉ là cách bạn nói năng mà còn biểu hiện trong cách ứng xử khi bạn lái xe.

Áp lực giao thông, ùn tắc, lái xe cẩu thả, mất lịch sự… luôn là thực trạng chung ở nhiều thành phố. Hầu hết việc tham gia giao thông vào giờ cao điểm luôn làm chúng ta trở nên nóng nảy, bực bội hơn. Theo thống kê, trong số các vụ tai nạn giao thông thì gần 50% xuất phát từ nguyên nhân hành vi nóng vội hay cáu giận của người lái xe.

 

Có rất nhiều yếu tố tạo ra sự căng thẳng thường ngày, chẳng hạn như giờ cao điểm, đường tắc nghẽn; hàng trăm chiếc xe máy chạy lấn tuyến, chen lấn xô đẩy bịt kín cả làn đối diện khiến giao thông lâm vào cảnh tắc tị. Thậm chí, vài chiếc ô tô phía sau liên tục bấm còi inh ỏi... Nguyên nhân chỉ vì hai xe va vào nhau, trầy xước một chút nhưng hai tài xế cự cãi nhau giữa đường. Những lúc như vậy, thật khó kiềm chế bản thân.

 

Kiềm chế nóng nảy khi lái xe - 1
Hãy luôn bình tĩnh, kiểm soát bản thân nhằm giảm thiểu tối đa các rủi ro.

 

Vậy làm thế nào để kiềm chế nóng giận, nhất là đối với những người lái xe?


Đầu tiên, sự thoải mái, tĩnh tâm là những yếu tố bảo vệ bạn khỏi các phản ứng nóng vội, hồ đồ; giúp kiểm soát tinh thần; nên tránh lo lắng hoặc quá căng thẳng. Chúng ta phải thừa nhận rằng sự giận dữ, bực tức chẳng giúp bạn đến đích nhanh hơn. Vì vậy, tốt hơn hết là mỗi lái xe, chúng ta hãy bình tĩnh và tự rèn luyện bản thân để có được sự thoải mái cao nhất. Kế tiếp, trước khi lên xe, bạn hãy tự nhủ vài lần rằng mình sẽ thật bình tĩnh dù bất kể điều gì xảy ra. Khi bạn cảm thấy bản thân sắp rơi vào tình trạng mất kiểm soát, hãy hít thở thật sâu vài lần trước khi phản ứng.

 

Mỗi khi đi đâu, bạn hãy luôn dự liệu đủ thời gian hoặc sớm hơn một chút để không rơi vào tình trạng vội vã. Mặt khác, các bác tài nên tập trung vào việc lái xe, đừng để các nỗi lo lắng hay suy nghĩ khác làm ảnh hưởng đến mình. Một thực tế đang diễn ra rất phổ biến hiện nay là các lái xe bấm còi quá nhiều khi chờ đèn đỏ hoặc bấm còi bất kể những gì xung quanh. Hành động bấm còi liên tục cũng thể hiện bạn là người nóng vội, không biết giữ bình tĩnh. Mặt khác, việc dùng còi thường xuyên, bấm lâu quá (3,5 giây) mỗi lần khiến các rơ-le điện tử nhanh bị đoản mạch và mau hư còi.

 

Một điểm nữa chúng ta cần chú ý là hãy lịch sự, rộng lượng, đừng để bản thân bị khiêu khích, muốn thể hiện cái tôi của mình. Nếu hằng ngày bạn phải lái xe vào giờ cao điểm thì có thể chuẩn bị một vài đĩa nhạc yêu thích. Các loại nhạc sôi động, tươi vui rất hữu ích trong việc nâng cao tâm trạng thoải mái, quên đi các bức xúc. Đồng thời, một thái độ lạc quan, thoải mái sẽ giúp bạn kiểm soát bản thân tốt hơn. Mọi chuyện sẽ được giải quyết rất dễ dàng trong hòa khí vui vẻ nếu bạn luôn bình tĩnh, kiểm soát được bản thân.

 

Theo Ngọc Châu

Pháp luật TPHCM