Đưa công nghiệp ôtô, xe máy vào nhóm công nghệ cao?

Ngành công nghiệp ôtô, xe máy Việt Nam hiện không phải là đối tượng của bất kỳ chính sách khuyến khích đầu tư nào...

Sáng 3/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2012 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, nhóm ngành công nghiệp ôtô, xe máy được bổ sung vào sự kiện VBF.

 

Tại VBF 2012, nhóm công tác công nghiệp ôtô, xe máy đã báo cáo một số nghiên cứu, đề xuất, trong đó đáng chú ý là đề xuất bổ sung công nghiệp ôtô, xe máy vào nhóm ngành công nghệ cao.

 

Đề xuất này được đưa ra dựa trên thực tế ngành công nghiệp ôtô, xe máy Việt Nam hiện không phải là đối tượng của bất kỳ chính sách khuyến khích đầu tư nào theo như định hướng phát triển nền công nghiệp “công nghệ cao”.

 

Thông lệ quốc tế và thực tế cũng cho thấy ngành ôtô, xe máy đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kỹ thuật, công nghệ của nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành cũng có liên hệ chặt chẽ với sự phát triển trình độ, kỹ năng, bí quyết công nghệ quốc gia và cuối cùng là hệ thống giáo dục. Số lượng kỹ sư của một quốc gia là thước đo quan trọng về khả năng đổi mới và năng lực cạnh tranh của quốc gia đó.

 

Đặc biệt, theo nhóm công tác, “đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ chế tạo một số bộ phận giá trị cao như động cơ, phụ tùng động cơ, hệ thống điện sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng để giúp Việt Nam chuyển từ lợi thế đơn thuần về chi phí sang lợi thế bền vững về công nghệ. Luyện kim, cơ khí và sản xuất bộ phận có độ chính xác cao là những quy trình chế tạo quan trọng của ngành ôtô, xe máy nhưng hiện vẫn còn chậm phát triển ở Việt Nam do thiếu bí quyết công nghệ. Nếu có cơ chế khuyến khích mạnh thì sẽ giảm rủi ro gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới và từng bước giúp Việt Nam phát huy lợi thế nhóm được khu vực thừa nhận”.

 

Liên quan đến ngành này, đặc biệt là công nghiệp ôtô, từng có nhiều ý kiến cho rằng sẽ không còn đủ thời gian để phát triển bởi sức ép đang cận kề và ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhóm công tác của VBF 2012 vẫn cho rằng cơ hội của công nghiệp ôtô Việt Nam còn nhiều.
 
Đưa công nghiệp ôtô, xe máy vào nhóm công nghệ cao?

 

Các phân tích của nhóm báo cáo chỉ ra rằng, Việt Nam hiện có dân số khoảng 90 triệu người và sẽ tăng lên 100 triệu trong vòng 10 năm tới. GDP đầu người khoảng 1.200 USD và ước tính sẽ tăng lên 4.000 USD vào năm 2020. GDP đầu người và tổng số dân tăng sẽ tác động đến thói quen sử dụng và mua xe, đặc biệt khi tỷ lệ ôtô hiện nay chỉ là 2 xe/1.000 dân. Thực tế chứng minh, những sự tăng trưởng này ở các nước khác đã kéo theo thói quen sử dụng ôtô, xe máy tăng, từ đó dẫn đến tăng trưởng của ngành công nghiệp ôtô, xe máy.

 

Hơn nữa, Việt Nam có vị trí chiến lược và đây là thế mạnh cần tận dụng để đưa Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng của ASEAN và châu Á, cũng như các quy hoạch phát triển sản xuất. Một số lượng lớn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ôtô, xe máy tại Việt Nam cho thấy tiềm năng của Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất cũng như một cơ sở xuất khẩu lớn của ASEAN. Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) càng tạo nền tảng cho môi trường pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư.

 

Nếu kích thích phát triển được công nghiệp ôtô, xe máy, trong đó có việc bổ sung vào nhóm ngành công nghệ cao, thì những đóng góp của ngành này cho nền kinh tế - xã hội Việt Nam là không nhỏ.

 

Bởi thực tế, với quy mô nhỏ và manh mún hiện tại, công nghiệp ôtô, xe máy cũng đã đóng góp khoảng 3-5% GDP quốc gia, khoảng 125.000 lao động trực tiếp trong ngành và khoảng 500.000 người phụ thuộc. Báo cáo của nhóm công tác cũng cho thấy đóng góp về thuế của ngành là không hề nhỏ. Tính đến hết 8 tháng năm nay, ngành này đã đóng góp khoảng 457 triệu USD vào ngân sách nhà nước mặc dù đã bị sụt giảm đến 65% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường ảm đảm.

 

Bên cạnh đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp ôtô, xe máy sẽ tạo lập, bổ sung trình độ, kỹ năng cho lực lượng lao động, đồng thời tăng cơ hội kinh doanh với năng suất, sản lượng cao hơn. Sự thích nghi với các tiêu chuẩn quốc tế sẽ phát triển các kỹ năng của lực lượng lao động tốt hơn. Mặt khác, sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các đô thị, bến cảng, các khu công nghiệp sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Việc nội địa hóa và thu hút đầu tư vào ngành ôtô, xe máy Việt Nam phải được nhìn nhận từ góc độ tiềm năng trong khối ASEAN và sản xuất theo định hướng xuất khẩu của Việt Nam. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trọng và thực tế khi hiệp định AFTA sẽ được thực thi hoàn toàn từ năm 2018.

 

Từ đó, nhóm công tác đã thống nhất đề nghị “bổ sung ngành công nghiệp ôtô, xe máy vào khái niệm “công nghệ cao”, đồng thời để ngành này nhận được các cơ chế khuyến khích phát triển tương đương khác”.

 

Theo An Nhi

Vneconomy