Ý tưởng làm giàu bất ngờ của cựu "thủ lĩnh" Đoàn

Được giao đi đặt tráp lễ ăn hỏi cho anh trai, Vũ Thị Dung (đoàn viên phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ nảy sinh ý tưởng làm giàu và tạo việc làm cho 30 đoàn viên, thanh niên trong phường.

Dung theo học Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Dung phụ bố mẹ bán hàng ở chợ Trời (Hà Nội) nhưng chị vẫn tự nhủ sẽ tìm hướng đi riêng. Khi gia đình chuẩn bị làm đám cưới cho anh trai, Dung được giao nhiệm vụ đi đặt các vật phẩm phục vụ lễ cưới, hỏi.

 

"Mình lên tận Hàng Mã (Hà Nội) để tìm đặt nhưng giá thành khá đắt, 5 triệu đồng cho 5 tráp lễ vật trong khi anh trai mình cần đến 9 tráp. Sau khi tham khảo một vài hàng  mình quyết định tự mua đồ về làm, cùng số tiền  5 triệu đồng mình làm được 9 tráp lễ vật đúng với yêu cầu của gia đình", Dung kể.

 

Sau lần đó, Dung nảy ra ý tưởng kinh doanh dịch vụ cưới hỏi. Với 5 triệu đồng tiết kiệm được chị dành mua mâm, tráp, phụ liệu, vỏ hộp, hoa... bắt đầu kinh doanh. Nhưng ngày đó, việc làm các tráp ăn hỏi theo hình tháp còn chưa phổ biến cộng với việc Dung mới làm sản phẩm còn xấu nên khách hàng chủ yếu là đoàn viên, thanh niên trong phường đến ủng hộ, động viên.

 

Vì thế, Dung thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi đến Hàng Mã quan sát, học lỏm nghề của các gia đình có kinh nghiệm ở đây. Chị cũng tự mày mò để tạo ra những nét riêng cho sản phẩm. Những thứ bánh trái, hạt sen, chè...  được chị tự tay lựa chọn và đóng gói cẩn thận đến từng chi tiết. Vì vậy, cửa hàng của Dung đã bắt đầu có tên tuổi, được nhiều người đến đặt hàng.

 
Vũ Thị Dung
Vũ Thị Dung
 

Khi có nhiều khách, Dung quyết định mời đoàn viên, thanh niên trong phường đến cùng làm. Chị tuyển lựa những nam, nữ thanh niên có ngoại hình ưa nhìn vào đội hình bê tráp thuê để dần dần đi đến mục tiêu thực hiện cưới hỏi trọn gói.

 

Hiện nay,  mô hình của Dung đã liên kết thêm với dịch vụ trang trí phòng cưới, xe hoa, phông bạt, âm thanh, ánh sáng, MC... để tạo thành một chuỗi dịch vụ khép kín.
 

"Để tạo ra ấn tượng tốt với khách hàng, mình thường dặn các em làm các việc hết sức chu đáo, cẩn thận. Vì vậy, không giống như nhiều nơi khác nhân viên chỉ bê đỡ tráp là hết nhiệm vụ,  các bạn đoàn viên, thanh niên của mình còn giúp đỡ chủ nhà trong nhiều công việc khác nhau với tinh thần: Như người thân trong nhà", Dung chia sẻ.

 

Hiện nay, mô hình của Dung tạo việc làm bán thời gian cho 30 đoàn viên, thanh niên trong phường. Vào mùa cưới hỏi mỗi đoàn viên có thu nhập  từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn phân ca phù hợp để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên đi học, đi làm.

 

Từng là Bí thư chi đoàn khu dân cư và là đoàn viên năng nổ, nhiệt tình nên Dung khuyến khích đoàn viên, thanh niên trong cửa hàng tham gia các hoạt động của Đoàn phường. Chị cũng gương mẫu đi đầu trong thực hiện cong tác phong chống HIV/AIDS qua việc thu gom bơm, kim tiêm do các đối tượng nghiện hút bỏ lại; vệ sinh môi trường tại các khu dân cư.

 

"Hầu như hoạt động nào của Đoàn phường mình cũng tham gia. Những hoạt động như thế giúp mình có thêm nhiều ý tưởng hay cho công việc", chị chia sẻ.

 

Theo Thành Nam

Tuổi trẻ thủ đô