“Tỏ tình” với Đà Nẵng bằng Time-lapse

Lê Văn Anh (sinh năm 1994, nick name Rai Còm, trường CĐ Công nghệ thông tin, (ĐH Đà Nẵng) đã ghi lại các khoảnh khắc đẹp lung linh của Đà Nẵng trong gần 8 phút phim ngắn mang tên Time of Da Nang, “gây sốt” cộng đồng mạng.

Đà Nẵng qua góc nhìn trẻ

 

Với thời lượng 7 phút 55 giây, nội dung của Time of Da Nang không thuộc dạng gay cấn hay kịch tính mà là những gì gần gũi, thân thương và hiền hòa nhất về Đà Nẵng.

 

Từ những cảnh đẹp của thành phố, miền quê, sông nước cho tới những con đường, những danh lam thắng cảnh, địa điểm du lịch nổi tiếng… tất cả đều được tái hiện sinh động lại bằng hình ảnh trên nền nhạc Time to run-Dexter Britain nhẹ nhàng nhưng tràn đầy khí thế.

 

Xuyên suốt clip, người xem sẽ thấy đúng như cái tên gọi của đoạn clip: Đà Nẵng qua thời gian của ngày hôm qua và hôm nay.

 

Sau khi tung lên mạng, clip đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực với hàng chục nghìn lượt view và gây nên một “cơn sốt” Đà Nẵng.

 
Một shoot hình được sử dụng để dựng clip Time of Da Nang.
Một shoot hình được sử dụng để dựng clip Time of Da Nang.
 

Giới thiệu về phim ngắn của mình, Văn Anh đã viết: “Phim ngắn về TP. Đà Nẵng, nơi tôi sinh ra, nơi tôi yêu. Bộ phim được thực hiện bởi tôi, Rai!, trong suốt hơn một năm qua, ở các ngóc ngách của thành phố. Dù không đem hết mọi cảnh đẹp của Đà Nẵng vào phim nhưng tôi mong mọi người đón nhận nó như chính tình yêu tôi dành cho thành phố này và các thành phố sắp đến trong chuyến hành trình của tôi!”.

 

“Lời tỏ tình” lắm công phu

 

Thoạt nhìn, người xem sẽ nhầm tưởng Time of Da Nang là loại phim quay nhanh nhưng thực tế, nó là sản phẩm của kỹ thuật Time-lapse, một kiểu làm clip cực công phu trong nhiếp ảnh. Người ta chụp khoảng vài giây một frame (ảnh, trong một loại ảnh truyền hình) rồi ghép lại thành video và chiếu với tốc độ 30 hình/giây (frame per second – fps) hoặc cao hơn, thời gian thực sẽ được tua nhanh ít nhất 30 lần.

 

Đây là lý do kỹ thuật này được tạm gọi là “tua nhanh thời gian”, giúp mắt người thấy rõ những chuyển động rất chậm (hoa nở, mây trôi) hoặc tăng tốc các chuyển động bình thường, nhằm nâng “kịch tính” cho khung cảnh. Cứ mỗi giây cần 30 ảnh, thì 1 phút sẽ cần 1.800 ảnh.
 
Nhiếp ảnh và làm phim là 2 niềm đam mê của Lê Văn Anh.
Nhiếp ảnh và làm phim là 2 niềm đam mê của Lê Văn Anh.

 

Time of Da Nang của Lê Văn Anh đã “tiêu tốn” đến hơn 30.000 bức ảnh. “Không có nhiều người đủ kiên nhẫn để thể thực hiện được kiểu clip Time-lapse vì với 4 – 5 giây clip là phải chụp trong một buổi.

 

Ban đầu, mình định làm phim trong vòng 2 tháng nhưng càng về sau càng “ghiền” nên thời gian kéo dài đến 1,5 năm mới hoàn thành. Nhiều cảnh phải đi từ lúc 11h tối đến 5h sáng để tìm kiếm những góc máy lạ. Mình cũng đến các khu vực vùng núi, ngoại ô để có được những shoot hình đẹp và độc hơn.

 

Đáng nhớ nhất là ở phút 2:47 đến phút 2:58 trong clip, để có 12 giây lên phim, mình phải “mai phục” từ lúc Mặt Trời còn ở phía Tây cầu Thuận Phước đến khi phố xá lên đèn để chụp 360 tấm ảnh. Lúc đầu, mình bị bạn bè và gia đình nói khá là “rảnh”, “hâm” vì phí thời gian vào những cái vô ích. Nhưng nhiếp ảnh và làm phim là đam mê của mình”.

 

Văn Anh chưa hề qua một trường lớp đào tạo nào về phim và nhiếp ảnh, Time of Da Nang đã ra đời bằng một tình yêu rất bản năng và đầy say mê như vậy.

 

Ngoài sự đầu tư trong quá trình ghi hình, khi đưa phim lên YouTube, Văn Anh còn ghi phần giới thiệu phim bằng tiếng Anh và đã nhận được nhiều lời khen tặng cả cho tác giả lẫn TP. Đà Nẵng, từ những người xem nước ngoài. Văn Anh nói, Time of Da Nang như là một lời tỏ tình đặc biệt dành cho mảnh đất Đà Nẵng, nơi mình sinh ra và lớn lên.

 

Hiện tại, chàng trai sinh năm 1994 này đang ôm ấp dự định làm video Time-lapse ở 63 tỉnh, thành của Việt Nam để có thể giới thiệu đất nước và con người Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Sớm nhất, tháng Bảy này cậu bạn cũng sẽ tiếp tục tung ra clip Time-lapse về đảo Lý Sơn để thể hiện tình yêu của mình với biển, đảo quê hương.

 

Theo Hoàng Ny

Sinh viên Việt Nam