Học cách chia tay...

Hiện nay, nhiều bạn trẻ quan niệm “sống là không chờ đợi” đã lao vào yêu sớm, yêu nhanh rồi vội vã chia tay. Do không chịu nổi tổn thương, nhiều đôi sau chia tay đã gây nên những hậu quả đáng buồn, thậm chí có cả những vụ án kinh hoàng...

Chỉ cần yêu...

 

Vun đắp tình yêu suốt hai năm, Nguyễn Ngọc Mai (trú tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) bàng hoàng khi đọc “tâm thư” của bạn trai: “Anh là một thằng tồi tệ đã lừa dối tình yêu của em. Rất nhiều lần anh muốn nói ra sự thật anh đã có gia đình nhưng lại nghĩ thà anh làm một kẻ đểu giả còn hơn đánh mất em dù biết như vậy là hại em”.

 

Sau khi tìm hiểu ngọn nguồn sự thật người yêu lừa dối, Nguyễn Ngọc Mai bị “sốc” khi biết chàng trai cô từng yêu gần 3 năm đang sống li thân với vợ. Mai đã buồn bã, đau khổ vì bị “lừa tình”.

 

Trên thực tế, những trường hợp bị người yêu lừa dối giống như Mai không hiếm. Nhiều người nghĩ nông cạn trong tình yêu, chỉ muốn thỏa mãn ý nguyện của mình mà không nghĩ tới hậu quả.

 

Hoàng Khánh Linh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) yêu từ khi 15 tuổi. Tình yêu đầu đời của cô gái chóng đến rồi cũng chóng tàn. Cô gái với cậu bạn học cùng lớp chia tay nhau khi hai người tốt nghiệp trung học phổ thông, cậu bạn trai đi du học.

 

"Mình đã dại dột lao vào yêu như thiêu thân, ảo tưởng hi vọng người yêu trở về nước sẽ lại gắn bó. Không ngờ rằng, ngày trở lại Việt Nam, anh ta đã dẫn về một người yêu mới. Mình đã sụp đổ...".

 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 

Mở lòng để tránh tiêu cực

 

Bà Nguyễn Thị Thương, Giám đốc Trung tâm tư vấn gia đình và li hôn - FDC cho rằng: "Nhiều người trẻ hiện nay thiếu lẽ sống đã hình thành nên lối sống có nhiều vấn đề. Biểu hiện ở sự ích kỉ, xử sự theo bản năng, không tự kiềm chế được bản thân, không biết mình sống vì cái gì.

 

Lẽ sống không phải là những điều cao siêu, mà chính là cách dạy con người sống lương thiện, sống tốt; đừng đặt tất cả ý nghĩa cuộc đời vào một thứ tình cảm nhiều sóng gió là tình yêu".

 

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Giảng viên Khoa Tâm lí - Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP HCM) chia sẻ với các bạn trẻ: Không chỉ học cách yêu, giới trẻ còn cần học biết cách chia tay trong êm đẹp, có văn hóa.

 

Trước đây, chúng ta có thể học cách tỏ tình, học cách nuôi dưỡng tình yêu nhưng không được học cách chia tay nhau ít gây đau đớn, tổn thương cho mình và cho người khác. Các bậc phụ huynh, thầy cô, xã hội cần có thêm những cách giáo dục vấn đề này cho những bạn trẻ từ lúc họ chưa biết yêu hoặc mới chớm biết yêu.

 

Bạn Nguyễn Trường Giang (sinh viên Đại học Thương Mại, Hà Nội) cho rằng: “Vì một lí do nào đó phải chia tay người yêu thì nên chấp nhận sự thật. Một khi tình yêu đã có dấu hiệu rạn nứt, tan vỡ thì ta cố giữ lại cũng khó có được hạnh phúc trọn vẹn. Chia tay tâm trạng ai cũng sẽ buồn chán nhưng cần biết kiềm nén cảm xúc, sống bằng lí trí để tránh những hậu quả buồn.

 

Khi "thất tình" tại sao chúng ta không chia sẻ tâm trạng với những người thân trong gia đình để có được sự đồng cảm, an ủi, động viên, chia sẻ với bạn bè, những người lớn hơn tuổi để có lời khuyên đúng đắn nhất.

 

Bạn đừng bao giờ để chất chứa, dồn nén sự đau khổ, phiền muộn trong lòng khiến ta dễ nghĩ đến những điều cùng quẫn, tiêu cực. Một điều quan trọng là bạn phải cố gắng mở lòng để sẵn sàng đón nhận những người bạn mới nhưng phải thận trọng, chừng mực chứ không nên quá vội vã”.

 

Theo Lê Dung

Tuổi trẻ thủ đô