“Gánh hàng rong” của cựu sinh viên

Hằng ngày, cứ 6h sáng, Võ Văn Toản (cựu sinh viên ngành Tâm lý học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) lại dựng chiếc Dream trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q. 3, TP. HCM. Cậu thoăn thoắt gỡ hộp xốp, cắt bánh cuốn, thái giò lụa…

Từng vị khách quen dừng xe. Chỉ trong một phút, Toản đã làm xong hộp bánh cuốn, trao cho khách và nhận 15.000 đồng…

 

Bon chen phố thị

 

Vốn liếng cố định bỏ ra cho hàng bánh ướt của Toản chỉ là một chiếc thùng gỗ trị giá 500.000 đồng. Toản chia sẻ: “Vào Sài Gòn đã 2 tháng, mình chọn bán bánh ướt vì gánh hàng đơn giản mà thu nhập cũng khá, chỉ có nhược điểm là phải làm nhiều việc tỉ mỉ.

 

Cứ 5h30 sáng, mình dậy, ra chợ đầu mối mua giá, bánh cuốn, chả chiên, bánh cống… Đứng trên vỉa hè từ 6h – 9h, mình bán được khoảng 20 – 40 hộp, thu lời từ 160.000 – 480.000 đồng. Chiều về, mình lại chuẩn bị những thứ lặt vặt cho gánh hàng ngày mai như nhặt rau thơm, pha nước mắm…”.

 

Chỉ trong một phút, Toản làm xong hộp bánh ướt giá 15.000 đồng.
Chỉ trong một phút, Toản làm xong hộp bánh ướt giá 15.000 đồng.

 

Toản chia sẻ: “Lần đầu tiên mình bán bánh ướt, không biết “luật giang hồ”, đứng ngay chỗ đông đúc, vốn có người trả tiền bao trọn gói. Đang bán tốt thì bị người khác hăm dọa, quăng đồ đạc xuống đường. Sau này, chuyển về chỗ vắng người hơn, mới yên ổn”.

 

Toản kể thêm: “Ở đây, bảo vệ dân phố, công an đi dẹp hàng rong 3 lần/ngày. Tình thế bắt buộc thì phải làm chứ chắc không ai muốn bán rong trên vỉa hè để mà thấp thỏm. Nhưng người ta cũng thông cảm cho hoàn cảnh mưu sinh như mình nên chỉ khi nào lấn vỉa hè quá đáng hay có đoàn kiểm tra, họ mới đảo qua để dẹp”.

 

Nối lại giấc mơ

 

22 tuổi, đúng ra, Toản chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp ngành Tâm lý học nếu cậu không tạm ngưng đến giảng đường từ cuối năm thứ hai. Bươn chải đường phố suốt 2 năm giúp Toản hiểu sâu sắc ý nghĩa của trường lớp.

 

Toản nói: “Khi còn đi học, mình cảm thấy môi trường đại học quá chán, không làm mình hạnh phúc. Đó là sai lầm lớn nhất đời. Kiến thức chỉ là một phần. Phần giá trị nhất chính là không gian để thử sức và các bạn bè để chia sẻ.

 

Khi còn đi học, sinh viên có thể nảy ra ý tưởng, trao đổi giấc mơ, cùng nhau làm thử, cho dù có sai cũng học được kinh nghiệm. Lao vào mưu sinh như lúc này, mình cảm thấy rất cô độc khi không có bạn bè, không có môi trường học hỏi. Sáng mở mắt dậy, bán đến trưa, chiều về chuẩn bị nguyên liệu, cuộc sống không cộng đồng như một vòng tròn luẩn quẩn buồn bã”.

 

9h sáng, hàng bánh ướt vẫn ế quá nửa. Toản không chịu thua. Cậu lái xe đến các trường: ĐH Mở, ĐH Kinh tế TPHCM để bán cho các bạn sinh viên trực “Tiếp sức mùa thi”. Toản hiện đang theo đuổi khóa học truyền thông, kéo dài một năm.

 

“Nhiều sinh viên muốn bỏ học để đi kiếm tiền. Các bạn chắc không lường hết, khi còn quá trẻ mà phải mưu sinh thì sai lầm sẽ quật cho ta những đòn đau khốc liệt. Môi trường học tập luôn có giá trị riêng mà thường khi đã mất, người ta mới có thể nhận ra”, Toản bộc bạch. Có lẽ, đó cũng chính là lý do để Toản, một người bỏ học kiếm tiền, đã lại nỗ lực để quay trở về lớp học.

 

Toàn chia sẻ: “Thực ra, chúng ta quen nghĩ bán hàng rong là nghèo. Nhưng cô bán xôi ngay cạnh mình, kiếm lời hơn 1 triệu đồng/ngày, 30 triệu đồng/tháng”.

 

Khi được hỏi về sự chênh lệch giữa mức lương 3 – 4 triệu đồng của sinh viên mới ra trường và thu nhập cả chục triệu đồng khi bán rong, Toản nói: “Học vấn cao mang lại mối quan hệ, hiểu biết rộng và đặc biệt là cơ hội phát triển bản thân. Đó là những thứ “lợi ích mềm” mà một người bán hàng rong chắc chắn không thể có được”.

 

Theo Thanh Lam

Sinh viên Việt Nam