“Cơn sốt” làm đẹp bằng lăn kim
Các quảng cáo về công nghệ lăn kim tế bào gốc vô cùng hấp dẫn, khẳng định sẽ giải quyết được một số vấn đề về da: Da sần sùi, lão hóa, lỗ chân lông to, da nhăn… Song nếu thiếu cẩn trọng, kỹ thuật làm đẹp này có thể gây nên mối họa khôn lường.
Làm đẹp “một bước”
Được người bạn là nhân viên thẩm mỹ viện giới thiệu, Thu Hà (trường ĐH Công đoàn) đã tìm đến công nghệ lăn kim như một giải pháp cho gương mặt vốn bị sần sùi vì mụn trứng cá của mình.
Sau gần 3 tháng điều trị, Hà thấy mặt mình có những biến chuyển rõ rệt theo hướng tích cực. Hào hứng với kết quả trong mơ ấy, Hà đăng một “status”, bày tỏ sự vui sướng với liệu pháp này trên Facebook. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều người đã vào hỏi han và được Hà tư vấn: “Đi làm đi, thích lắm! Chỉ cần 6 tháng là sẽ có được làn da mịn màng, tươi trẻ như diễn viên Hàn Quốc”.
Không khó để mọi người tiếp cận được với liệu pháp làm đẹp mới này, qua những lời mời chào hấp dẫn, nhan nhản trên mạng. Một diễn đàn về làm đẹp còn khẳng định chắc nịch rằng: “Lăn kim là phương pháp làm đẹp “một bước” an toàn nhất thế giới, chỉ có lợi mà không hề gây hại”.
Với “công nghệ truyền tai”, không ít bạn tò mò “thử cho biết” hình thức làm đẹp mới toanh này cho “bằng bạn bằng bè”. Chỉ sau vài tháng xuất hiện, lăn kim đã trở thành từ khóa cực “hot” trong cộng đồng giới trẻ, tạo nên một trào lưu làm đẹp mới, có vẻ như hoàn hảo “không tì vết”, trong suy nghĩ của khá nhiều người.
Khóc, cười cùng đường kim lăn
Trên thị trường hiện nay, còn xuất hiện nhiều “gói lăn” sử dụng kim lăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, với giá siêu rẻ để “tương thích” với túi tiền sinh viên. Điều này mang đến những rủi ro cho khách hàng.
Với các đầu kim không đủ nhỏ và sắc, khi trị liệu, sẽ làm rách mô liên kết, thủng mạch và mao mạch máu, dẫn đến hình thành các ổ tụ huyết cầu dưới da, làm da sạm đen sau khi lăn. Hơn nữa, với việc kim lăn tái sử dụng nhiều lần thì nguy cơ lây nhiễm một số bệnh truyền nhiễm, trong đó có HIV/AIDS rất dễ xảy ra.
Khoảng cách giữa các lần điều trị thường kéo dài từ 6 – 8 tuần nhưng nhiều người sốt sắng “rút ngắn” thời gian, khiến các tế bào da chưa kịp tái tạo đã bị tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm. Theo hồ sơ của khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu TP. HCM thì từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện bị nhiễm trùng hoặc phát mụn rộp, do nhiễm Herpes, dị ứng và cả những trường hợp bị đen thâm do lăn kim không đúng cách.
Trong đó có trường hợp đặc biệt của một bệnh nhân 20 tuổi, là sinh viên ở quận 8, bị nhiễm trùng nặng, sau khi lăn kim. Mặt bệnh nhân sưng tấy, da chảy dịch và mủ, mắt môi sưng húp, ăn uống khó khăn.
Để điều trị, bệnh nhân phải mất hơn một tháng uống nhiều loại thuốc kháng sinh. Dù đây chỉ là nhiễm trùng ngoài da nhưng lại ở vùng xoang mặt, dễ dẫn đến viêm não – màng não, nếu không điều trị cẩn thận.
Theo bác sĩ Ngô Xuân Nguyệt, Trưởng khoa Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai: “Lăn kim có thể coi là một trong những phương pháp rất ít gây dị ứng nhưng một số hóa chất bôi sau khi lăn kim như: Vitamin C, tế bào gốc, collagen, chất giữ ẩm… không rõ nguồn gốc có thể làm cho da của bệnh nhân bị dị ứng, sưng tấy, đỏ rát. Điều trị sau đó cũng không phải việc dễ dàng”.
Cũng theo bác sĩ Nguyệt, lăn kim được dùng để điều trị làn da bị lão hóa, rỗ trên mặt do sẹo mụn gây nên chứ không phải biện pháp dưỡng da. Bản thân kim lăn cũng chỉ là một dụng cụ thẩm mỹ không hơn không kém, làm tổn thương da để giúp đưa hóa chất vào da nhanh hơn chứ không phải là thần dược. Và sau khi lăn kim, da bạn sẽ có hiện tượng bị viêm từ 1 – 2 ngày khiến da mặt đỏ tía và phải được chăm sóc, bảo vệ theo công thức, một cách kỹ lưỡng.
Bác sĩ Ngô Xuân Nguyệt cho biết: Lăn kim (hay còn được gọi là vi điểm trên da hoặc liệu pháp collagen) là một phương pháp tạo ra các vi tổn thương để kích thích cơ thể tăng sinh tế bào. Phương pháp này sử dụng một bánh lăn nhựa, chứa gần 200 đầu kim rất bén, rất nhỏ (khoảng 0,07 mm), dài từ 0,2 – 0,3 mm, làm bằng thép không rỉ, dùng trong y khoa.
Khi lăn kim trên da, làn da phản ứng với những vết kim này như là những vết thương và tạo ra nhiều yếu tố làm lành da, trong đó, chủ yếu là sự tái tạo phát triển mô da. Nhưng các kim lăn rất bén và mỏng nên không thể phá vỡ các mô và lớp màng của da cũng không thay đổi. Tuy nhiên, các kích thích thần kinh này sẽ được các luồng điện chuyển đi, kích thích quá trình làm lành vết thương.
Các tế bào da trong phạm vi bán kính từ 1 – 2 mm xung quanh khu vực châm kim, phóng các tín hiệu tăng trưởng đến các tế bào đồng nhất. Những tín hiệu này quay trở lại kích thích sự tăng sinh tế bào mới, nguyên bào sợi chuyển thành sợi collagen và elastin.
Nhiệm vụ của nguyên bào sợi là di chuyển đến điểm tổn thương thực thể và chữa lành vết thương. Sự hình thành sợi mới này có mối liên hệ với độ dày của da và làm đầy các vết sẹo. Chu trình tăng sinh này kéo dài và kết thúc trong tám tuần. Lần đầu hiệu quả đến 70%, lần thứ hai là 20%, lần thứ ba là 10%.
Theo Xuân Tiến - Tử Văn
Sinh viên Việt Nam