Bình đẳng giới và văn hóa rút hầu bao của người trẻ

Quan điểm bình đẳng nam nữ và chuyện ai là người móc hầu bao trả tiền sau mỗi cuộc hẹn hò dường như là một vấn đề chưa bao giờ tìm được hồi kết trong các cuộc tranh luận của người trẻ.

Ai là người rút ví?

 

Vẫn còn đang ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, chưa làm chủ được tài chính nên Quốc Cường (20 tuổi, Đại học Khoa học Tự nhiên) khá e ngại, rụt rè mỗi lần được bạn gái rủ đi chơi: "Bạn gái mình có sở thích shopping. Thứ nào cô ấy chọn cũng phải là hàng hiệu, chất và sành điệu.

 

Đi cùng bạn gái mà không rút ví thì kiểu gì cô ấy cũng cho là mình kiệt sỉ, ki bo. Bạn gái nào có hiểu, mình cũng là người trần mắt thịt, cũng sống bằng tiền chu cấp hàng tháng của bố mẹ", Cường bộc bạch.

 

Không chỉ với các chàng trai tuổi teen như Cường mà ngay cả khi đi làm, đã làm chủ được tài chính của bản thân, chuyện thường xuyên móc hầu bao trả tiền cũng là vấn đề gây nhiều trăn trở đối với Minh Việt (23 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

 

Cơ quan Việt có đến 80% là con gái. Chưa có gia đình nên trong cuộc tụ tập nào, chị em cơ quan cũng ưu ái nhớ đến anh nhưng lòng Việt thì buồn rười rượi: "Chia đều cho chị em thì mình mang tiếng đàn ông mà nhỏ mọn, chi li nhưng quả thật dù có là tiền nước, tiền sữa chua nhưng với tần suất họp hành của các chị em thì đó cũng là một khoản khá khá đối với mình...", Việt than.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Với suy nghĩ, "con trai là phải ga lăng, không được tính toán chi li chuyện tiền bạc", rất nhiều cô nàng đã đặt bạn trai của mình vào tình huống khóc dở, mếu dở trong các cuộc hẹn hò chỉ vì chuyện tiền bạc.

 

"Bạn trai là người trả tiền sau mỗi cuộc hẹn hò là điều dĩ nhiên, có như thế mới ga lăng, lịch sự. Ai lại chia cả tiền ăn, tiền uống với bạn gái", Khánh Chi (18 tuổi, Hà Nội) nói. Với lối mặc định như vậy, 100 % cuộc đi chơi, hẹn hò của Khánh Chi và bạn bè, hễ có bóng dáng của đấng nam nhi thì vai trò "móc hầu bao" đương nhiên sẽ do đấng mày râu chịu trách nhiệm.

 

Nên có sự chia sẻ

 

Thường xuyên giữ vai trò "chủ xị" trong các cuộc hẹn hò, Tùng Lâm (20 tuổi, Hàng Ngang, Hà Nội) ngại ngùng chia sẻ: "Thật ra nhiều lúc mình cứ muốn bảo với bạn gái là cưa đôi nhưng chẳng dám mở miệng nói: Em ơi cưa đôi đi! Ngại mà không biết làm thế nào với mấy em cứ rủ đi chơi và mình là người phải trả tiền".

 

Sau nhiều cuộc hẹn hò như vậy, Tùng Lâm phải chủ động né tránh mỗi khi bạn gái rủ đi ăn, đi chơi vì sợ sự ga lăng, lịch sự do bạn gái mặc định cho anh chàng đang đè nặng lên chiếc ví mỏng.

 

Tuy nhiên, rất nhiều cô gái bày tỏ sự cảm thông đối với "nửa kia" của mình. Bạn nữ tên Nguyễn Quỳnh mạnh dạn thể hiện quan điểm sống riêng: "Nam hay nữ gì cũng phải làm việc vất vả mới có tiền. Tùy vào hoàn cảnh thôi. Nếu bạn trai vẫn còn khó khăn về kinh tế thì cứ đỡ đần cho nhau, con trai thường không tính toán nhưng vô tình lại trở thành áp lực cho người yêu".

 

Chung có quan điểm như Quỳnh, Quốc Cường bày tỏ suy nghĩ: "Bây giờ là thời bình đẳng rồi. Con trai cũng cần phải sống, nhiều lúc túng thiếu, con gái không hiểu cho lại quay sang trách móc khiến mình thấy rất ngại. Nếu bạn thử đặt mình vào vị trí của chúng mình một ngày, bạn sẽ hiểu".

 

Để cả hai người cùng thoải mái trong các cuộc hẹn hò, là con gái nên Quỳnh thường rất tinh tế trong cách cư xử.

 

"Khi bạn trai trả tiền ăn thì mình chủ động thanh toán tiền nước hoặc chạy vào trước mua vé xem phim. Nếu nói thẳng ra là "Mình chia đôi đi", bạn trai sẽ có cảm giác tự ái nhưng nếu khéo léo, chủ động thì cả hai người cùng thoải mái, vui vẻ", Quỳnh chia sẻ.

 

Theo Ngọc Linh

Tuổi trẻ thủ đô